+Aa-
    Zalo

    Tăng lương tối thiểu: Kẻ cười người khóc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phương án tăng lương tối thiểu thêm 12,4\% của Hội đồng Tiền lương Quốc gia khiến nhiều người lao động phấn khởi, nhiều công nhân lại tỏ ra ái ngại...

    (ĐSPL) - Phương án tăng lương tối thiểu thêm 12,4\% của Hội đồng Tiền lương Quốc gia khiến nhiều người lao động phấn khởi, nhiều công nhân lại tỏ ra ái ngại vì sợ vật giá sẽ leo thang theo tin lương tăng.

    Người lao động: Phấn khởi xen lo lắng

    Sau gần năm tiếng thảo luận căng thẳng, đến 12g30 trưa 3-9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu cho năm 2016 là tăng 12,4\% so với năm 2015.

    Theo đó, mức tăng cụ thể từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng tùy theo từng vùng.

    Ông Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết tỷ lệ tăng lương tối thiểu 2016 lên 12,4\% đã được các thành viên Hội đồng thống nhất và đưa ra bỏ phiếu.

    Kết quả đã có 92\% thành viên Hội đồng ủng hộ phương án này. Đây là tỷ lệ tán thành cao nhất của các thành viên Hội đồng đối với phương án tăng lương tối thiểu trong ba năm qua.

    Theo kết quả vừa được được Hội đồng Tiền lương quốc gia bỏ phiếu thông qua, lương tối thiểu năm 2016 của vùng 1 sẽ tăng 3,1 triệu lên 3,5 triệu ; của vùng 2 tăng từ 2,75 triệu lên 3,1 triệu , của vùng 3 tăng từ 2,4 triệu đồng lên 2,7 triệu và lương tối thiểu của vùng 4 tăng từ 2,15 triệu đồng lên 2,4 triệu.

    Trước khi bước vào phiên họp cuối cùng, Tổng Liên đoàn lao động VN (TLĐLĐVN) đại diện cho người lao động đề xuất tăng 16,8\%, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), đại diện cho giới chủ sử dụng lao động chỉ đề nghị mức tăng không quá 10\%.

    Đến giữa phiên họp, phía TLĐLĐVN đã chấp nhận giảm xuống 14,3\%- bằng với mức tăng của năm 2015, trong khi phía VCCI chỉ đồng ý nâng lên xấp xỉ 11\%. Tuy phương án này đã được thông qua nhưng giữa hai bên vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất.

    Trong đó, đại diện cho VCCI, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch cho biết giới doanh nghiệp sẽ tiếp tục kiến nghị việc xem xét điều chỉnh lương tối thiểu sao cho hợp lý hơn, để không quá sức chịu đựng của phần lớn các doanh nghiệp.

    Phương án tăng lương tối thiểu sẽ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình Chính phủ phê duyệt trước khi công bố chính thức vào tháng 10 tới. Mức lương tối thiểu mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2016.

    Phấn khởi vì tăng lương, công nhân lại lo nỗi lo giá cả tăng giá. (Ảnh minh họa).

    Trước quyết định của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nhiều người lao động rất phấn khởi.

    Anh Nguyễn Văn Bảo (quê Nam Đàn, Nghệ An) cho biết: Sau khi tốt nghiệp đại học, mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi không được, anh giấu bằng đại học ra Hà Nội xin làm công nhân phổ thông. Bảo kể, hầu hết anh em cùng công ty có mức lương đều như nhau, chỉ 3,5 triệu đồng/tháng.

    Để có thêm thu nhập, Bảo đăng ký xin làm thêm ca 3 nên được xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng. Bảo cho biết, trước đây theo học ngành xã hội nhưng khi bước vào làm công nhân ở đây phải tiếp xúc với máy móc nên cố làm thêm ca 3, vừa là để có thêm thu nhập, vừa được học hỏi kinh nghiệm từ các công nhân lành nghề khác.

    Do làm việc với công ty Việt Nam liên doanh với nước ngoài nên nhiều khi rất muốn học thêm tiếng Anh, nhưng không có thời gian, nơi ở và làm việc quá xa trung tâm và ở nơi trọ cũng chẳng ai dạy.

    Trước câu chuyện đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ năm tới, hầu hết anh chị em công nhân được hỏi đều tỏ ý phấn khởi và hy vọng sẽ thêm thắt được chút ít cho chi tiêu hàng tháng.

    Xen lẫn niềm vui tăng lương vẫn còn đó những nỗi lo...

    Chị Nguyễn Thị Minh Lý, công nhân KCN Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết: “Lương công nhân hiện đang hơn 5 triệu/tháng. Mức lương này chỉ đủ trang trải cho cuộc sống bản thân. Mỗi lần tăng lương thì giá thuê nhà trọ, tiền mua thức ăn cũng tăng theo. Cho nên, việc tăng lương không có nhiều ý nghĩa với người lao động. Mong muốn của người lao động là Nhà nước giữ ổn định, giảm giá điện, xăng dầu, nước sinh hoạt, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thì việc tăng lương mới có ý nghĩa”.

    Ông Nguyễn Văn Đại, hiện đang là lao động tự do cho rằng, tăng lương là tăng cho những người làm công ăn lương chứ người dân như chúng tôi đâu có lợi gì. Đã không có lợi thì chớ, mỗi khi tăng lương giá cả các mặt hàng lại tăng vùn vụt. “Người ta bán hàng thì bán cho toàn xã hội chứ đâu có phân biệt ông này không có lương thì bán rẻ, ông kia mới được tăng lương thì bán đắt hơn” – ông Đại thở dài nói.

    Doanh nghiệp lo sốt vó

    Thông tin trên báo Tiền phong, đề cập tới câu chuyện tăng lương cho công nhân, chủ một doanh nghiệp có tiếng ở TP Vinh (Nghệ An) cho biết, với mức lương trả cho công nhân 4,5 - 7 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền thưởng), xoay xở đã khó khăn rồi.

    “Nếu tới đây phải tăng lương tối thiểu thêm hơn 16\% như đề xuất của TLĐLĐVN, doanh nghiệp tôi sẽ thua lỗ vì phải đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động”- vị này nói và chia sẻ, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng có nguy cơ này vì làm ăn đang khó khăn, thu không đủ bù chi. Trong khi đó, tay nghề công nhân vẫn thế.

    Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Đức Long - Kế toán trưởng Cty TNHH Prex Vinh (Cụm công nghiệp Lạc Sơn, Đô Lương, Nghệ An) cho biết: Bình quân thu nhập của công nhân ở đây thuộc vùng 4 là 3,2 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập như vậy tuy chưa nhiều nhưng khá cao so với những nơi khác trong cả nước.

    Ông Long băn khoăn, nếu tăng lương 16\% đối với công nhân lao động vùng 4 như ở Cty Prex Vinh, chi trả cho mỗi người sẽ tăng thêm 344.000 đồng/tháng; tiền bảo hiểm tăng 75.680 đồng/người/tháng; chi phí tăng ca khoảng 50.000 đồng/người/tháng.

    Tổng cộng chi phí thêm cho mỗi công nhân là 469.680/tháng. Hiện, công ty có 4.500 công nhân, tăng lương tối thiểu vùng lên 12,4\%, mỗi tháng DN phải chi phí thêm gần 2 tỷ đồng.

    Theo ông Long, chất lượng đầu vào của lao động vùng ở đây còn thấp, hầu hết phải cho công nhân đi đào tạo lại tay nghề, chi phí do công ty bỏ ra. Năm tới lương tăng, bảo hiểm cũng tăng, tất cả đè lên doanh nghiệp.

    Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mức tăng lương mới (tăng 12,4\%) sẽ tạo áp lực lớn lên ngành dệt may việt Nam. VITAS tính toán, năm 2016, ngoài tiền lương, các doanh nghiệp ngành dệt may đóng phí công đoàn mất khoảng 450 tỷ đồng, thêm chi phí cho bảo hiểm trên 6.000 tỷ đồng.

    “Những chi phí đó là áp lực rất lớn với chúng tôi”, ông Giang nói. Tuy vậy, Chủ tịch VITAS cho rằng, các doanh nghiệp dệt may phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động, đổi mới công nghệ… để giải quyết căn bản vấn đề áp lực tăng chi phí từ năm 2016 trở đi.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tang-luong-toi-thieu-ke-cuoi-nguoi-khoc-a109085.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.