Bột sắn dây là gì?
Theo Bệnh viện Đa Khoa Vinmec, sắn dây còn được gọi là bạch cán, khau cát, cát căn... là loại cây thuộc nhóm dây leo sống lâu năm. Thân cây dạng dây leo dài, rễ phát triển thành củ dài và to, đường kính khoảng 6 - 8cm, dài khoảng 15cm. Củ sắn dây rắn, chắc, nặng, chứa nhiều bột, có mùi thơm nhẹ, vị ngọt và tính mát. Củ sắn dây thường được thu hoạch vào cuối tháng 10, kết thúc vào tháng 4 năm sau. Người ta sẽ đào củ về, rửa sạch, gọt vỏ, cắt khúc, để luộc ăn hoặc phơi khô, làm bột sắn dây để tích trữ lâu ngày.
Bột sắn dây có màu trắng tinh, là phần tinh bột thu được từ quá trình chế biến củ sắn dây. Đây là bộ phận chứa nhiều chất dinh dưỡng của cây sắn. Loại bột này được sản xuất rất kỹ lưỡng và kỳ công. Sau quá trình chế biến, phần tinh bột thu được có màu trắng, đem đến cảm giác mịn khi sờ vào.
Công dụng của bột sắn dây
Trong bột sắn dây, thành phần tinh bột chứa 12 - 15%. Ngoài ra, bột sắn dây còn chứa các isoflavone - hoạt chất tự nhiên có chức năng gần giống estrogen, giúp cải thiện nội tiết tố, làm đẹp da và giữ dáng cho phụ nữ. Bên cạnh đó, bột sắn dây còn có chứa hoạt chất puerarin (tác dụng giãn mạch, chống oxy hóa, bảo vệ tim,...); chất daidzein (tác dụng giãn cơ) và chất genistein (giúp giảm mỡ bụng, chống oxy hóa và cải thiện vóc dáng
Uống bột sắn dây giúp làm hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim và hỗ trợ giải độc hiệu quả. Không chỉ vậy, bột sắn dây còn có tác dụng như một phương pháp giúp điều trị chứng nghiện rượu. Bột sắn dây có thể hạn chế lượng rượu hấp thu vào cơ thể, làm giảm cơn say rượu và bảo vệ gan.
Tinh bột nguyên chất từ sắn dây còn giúp giải tỏa cơn khát và chống mệt mỏi hiệu quả. Vào mùa hè hoặc khi đi đường dài hay những lúc làm việc vất vả, ly bột sắn dây lúc này giúp bạn chống được cơn say nắng, giảm đau đầu và đỡ mệt hơn.
Uống sắn dây như thế nào để có lợi cho sức khỏe?
Theo Sức khỏe và đời sống, khi sử dụng bột sắn dây cần lưu ý những điều sau:
Để phòng ngừa những tác dụng phụ không mong muốn, cách uống sắn dây tốt nhất là nên uống chín và không uống nhiều quá 1 ly/ngày.
Không ướp bột sắn dây với hoa bưởi. Có nhiều ý kiến cho rằng việc làm này có thể khiến bột sắn dây bị mất đi một số dược tính quan trọng.
Đối với trẻ em, bột sắn dây là dạng tinh bột lọc ra từ cây sắn dây và ở dạng “sống”, tính hàn rất mạnh. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ dùng bột sắn dây đã nấu chín.
Đối với phụ nữ trong thai kỳ, nếu cơ thể bị nóng trong thì uống nước sắn dây là rất tốt, nhưng nếu thấy người mình đang lạnh, cơ thể mệt mỏi có biểu hiện tụt huyết áp thì không nên uống vì sắn dây sẽ làm tăng tính lạnh của cơ thể làm mệt mỏi hơn.
Trường hợp thai phụ có dấu hiệu bị động thai, mà do dạ con co bóp nhiều thì không được dùng bột sắn dây.
Kể cả những người khỏe mạnh bình thường cũng không nên uống quá 1 ly nước sắn dây/1 ngày.
Thu Hương (T/h)