Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh kèm bài đăng về hình ảnh lòng hồ thủy điện Sơn La (đoạn qua thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), bị cạn trơ đáy. Sau khi hình ảnh được đăng tải, đã thu hút được rất nhiều ý kiến từ người dân. Một số ý kiến cho rằng, có lẽ đây là lý do năm nay miền Bắc bị cắt điện nhiều. Thông tin này khiến dư luận rất hoang mang, lo lắng về tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra liên tục giữa mùa nắng nóng.
Lý giả cho vấn đề này, trao đổi với Dân trí, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cho biết, việc lòng hồ thủy điện Sơn La (đoạn qua thị xã Mường Lay) bị cạn trơ đáy là việc bình thường, và hàng năm đều diễn ra tình trạng như vậy.
"Hàng năm vào khoảng tháng 3, hồ thủy điện Sơn La sẽ bắt đầu quá trình xả nước để phục vụ việc sản xuất điện và tưới tiêu nên mực nước hồ sẽ giảm. Đến khoảng tháng 9, hồ sẽ bắt đầu tích nước trở lại. Đây là việc điều tiết mực nước hồ diễn ra thường xuyên vào các năm", vị lãnh đạo giải thích.
Cũng theo vị lãnh đạo này, năm nay do hiện tượng El Nino, nên mực nước có thấp hơn mọi năm, nhưng đây chưa phải mực nước chết tại hồ thủy điện Sơn La.
Cũng liên quan tới sự việc,trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Quyền - Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho hay, vào thời điểm mới xây dựng hồ thủy điện Sơn La, nhiều bà con tại thị xã Mường Lay mong muốn phát triển nghề nuôi thủy sản nhờ vào nguồn nước dồi dào của hồ thủy điện.
Tuy nhiên, sau khi hồ thủy điện đi vào hoạt động được vài năm, việc này đã trở nên khó khăn hơn đối với bà con, bởi hồ thủy điện sẽ điều tiết mực nước từ tháng 3 cho tới tháng 9 trong năm. Mực nước từ tháng 3 trở đi sẽ xuống rất thấp, bởi hồ thủy điện xả nước, điều này ảnh hưởng rất nhiều tới việc chăn nuôi thủy sản của bà con.
Trước đó, Lao động đưa tin, từ năm 2010 đến 2015, hơn 4.300 hộ dân, với gần 13.000 nhân khẩu, chiếm trên 80% dân số của thị xã Mường Lay đã phải di dời nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Cùng với đó, rất nhiều diện tích trồng lúa cũng chìm dưới lòng hồ nên nhiều người dân ở lại phải chuyển đổi sang nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân và duy trì nguồn lợi thủy sản, mỗi năm các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội đã thả hàng triệu con cá giống xuống lòng hồ.
Như vậy, với lý giải trên cho thấy việc cạn trơ đáy hồ thủy điện Sơn La không phải điều bất thường, mà được diễn ra hàng năm, nhưng khả năng vẫn có thể ảnh hưởng đến việc hoạt động của nhà máy thủy điện trong thời gian hồ điều tiết nước. Nhưng điều quan trọng trong thời gian nắng nóng cao điểm là việc người dân tiết kiệm điện để hạn chế lãng phí, gây thiếu điện.
Bảo An (T/h)