Nội dung văn bản yêu cầu ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt ở các điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học.
Theo Vietnamnet, UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở ngành, UBND quận huyện, TP.Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, chú ý khu vực nguy cơ cao như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư, khu nhà trọ có nhiều trẻ em.
Xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng. Chuẩn bị sẵn sàng việc thu dung, điều trị theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế. Chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị liên quan, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và cộng đồng. Phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) theo dõi, giám sát việc cập nhật danh sách ca bệnh, ổ dịch lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng tình hình dịch bệnh thực tế của địa phương. Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả PCR dương tính với EV71, kiểu gene B5. Kiểu gene này được tìm thấy đầu tiên ở Đài Loan vào năm 2007, tại TP.HCM năm 2015, 2018.
Số ca mắc tay chân miệng đang thấp hơn cùng kỳ năm 2022 nhưng sự xuất hiện trở lại của EV71 được cho là đáng lo ngại. Để chủ động ứng phó khi dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế TP đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch).
Ngành y tế cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch chồng dịch (tay chân miệng và sốt xuất huyết) trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó, cập nhật tình hình dịch bệnh chân tay miệng, Vietnamnet thông tin, Bộ Y tế cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận gần 9.000 ca mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang và Long An
Một trẻ 5 tuổi tử vong, nghi mắc tay chân miệng tại TP.HCM. Tại TP.HCM, số trường hợp trẻ em mắc bệnh có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, xuất hiện nhiều ca bệnh nặng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
So với cùng kỳ 2022, số mắc giảm 28% nhưng tử vong tăng 2 trường hợp. Số ca mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi (chiếm 84%).
Bảo An (T/h)