(ĐSPL) - Vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa, theo một nạn nhân kể lại, trước lúc xảy ra tai nạn sập giàn có hai lần phát hiện giàn thủy lực có sự cố bị rung. Toàn bộ công nhân sợ hãi chạy ra ngoài. Tuy nhiên, sau đó không có vấn đề gì nên các công nhân vào làm tiếp. Khoảng 8h kém thì xảy ra sự cố sập giàn thủy lực. Chỉ trong vòng vài giây đã bị sập xuống đất
Theo một công nhân tên Sơn, người có mặt tại hiện trường kể: Vào khoảng hơn 8h, anh Sơn đang thi công tại Line 2 (thi công khối bê tông của cảng nước sâu ở Vũng Áng) thì nghe tiếng rầm. Anh cùng các công nhân khác lao ra nơi phát ra tiếng động thì chứng kiến cảnh tượng tan hoang chưa từng thấy.
Toàn bộ giàn giáo thi công line 2 ở độ cao 30m đổ sập xuống trước mặt, hàng chục người bị những khối sắt thép đè.
Theo ông Sơn, tổng số công nhân vẫn thường thi công ở line 2 này là 53 người, trong đó, do trời mưa nên 3 người ở bộ phận hạn xì được cử sang địa điểm khác làm việc trong nhà.
Trong đó có một tổ trưởng người Hàn Quốc là người nước ngoài duy nhất.
Trong 50 người còn lại thì khoảng 10 người làm việc dưới mặt đất, có khoảng 40 người rơi từ trên cao xuống.
Số tiền lương mà 1 công nhân nhận được trả cho 8 tiếng làm ca đêm là 210.000 đồng và phải làm bất kể nắng mưa.
Anh Nguyễn Doãn Đức (25 tuổi), một công nhân may mắn thoát chết cho hay, khi anh cùng hơn 100 công nhân khác đang thi công thì toàn bộ giàn giáo xung quanh trụ đổ sập.
Do công trường thi công phức tạp và trời tối nên việc thoát khỏi hiện trường là rất khó khăn.
Một nạn nhân bị đa chấn thương, trong đó có một vết thương xuyên phổi. Ảnh: Cẩm Kỳ/ Tiền phong |
|
Video: Lời kể của nạn nhân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, công nhân Hoàng Thanh Mai (40 tuổi) quê ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, hiện đang làm việc tại công trình cảng Sơn Dương bàng hoàng kể lại: "Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20h. Lúc đó, tôi và khoảng 50 công nhân khác đang đưa sắt thép từ độ cao khoảng 17m thì giàn giáo bị sập."
Anh Mai may mắn chỉ bị thương nhẹ ở cánh tay, số người còn lại bị mắc kẹt trong đống đổ sập.
Anh Phùng Văn Sơn, quê Hải Dương, là công nhân hàn xì của công ty Nibelc, nhà thầu phụ cung ứng lao động cho Samsung. Nếu trời nắng anh làm ở giàn này, nhưng mấy hôm nay trời mưa nên anh làm việc trong nhà.
Anh Sơn rùng mình: "May trời mưa không tôi cũng chết cùng với họ".
Nạn nhân Phan Đăng Hiển, quê Nghệ An kể lại: Khoảng 7h đêm là các công nhân vào làm. Trước lúc xảy ra tai nạn sập giàn có hai lần phát hiện giàn thủy lực có sự cố bị rung. Toàn bộ công nhân sợ hãi chạy ra ngoài.
Tuy nhiên, sau đó k có vấn đề gì nên các công nhân vào làm tiếp. Khoảng 8h kém thì xảy ra sự cố sập giàn thủy lực. Chỉ trong vòng vài giây đã bị sập xuống đất. Anh Hiển ngất xỉu không biết gì.
Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, lúc xảy ra chưa biết chính xác có bao nhiêu công nhân có mặt tại hiện trường.
Đây là công trình đúc giếng chìm xây dựng cảng Sơn Dương (Đê chắn sóng) do nhà thầu NiBeLc (nhà thầu phụ của Tập đoàn Sam Sung) thi công.
Số nạn nhân tử vong tính đến thời điểm này là 14 người.
Nạn nhân Phan Đăng Hiển (Ảnh: Soha) |
|
"Không hề có chuyện ngăn các bác sỹ vào cấp cứu cho nạn nhân"
Ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khoảng 20h25', khi công nhân đang lắp giàn giáo thi công đúc giếng chìm để làm đê chắn sóng của cảng thì xảy ra tai nạn.
Theo ông Đệ, hiện hàng trăm người của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang tập trung, phối hợp cứu hộ, cấp cứu cho các nạn nhân trên công trường ở Khu kinh tế Formosa.
"Hiện nay, đồng chí Chủ tịch, các Phó Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và hàng trăm người thuộc các lực lượng công an, quân đội, y tế... của tỉnh cũng như các tỉnh xung quanh đã có mặt.
Các lực lượng đã và đang tâp trung sức vào việc cứu hộ, cấp cứu cho các nạn nhân được nhanh nhất", ông Đệ nói.
Ngành Y tế Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên và sinh viên để sẵn sàng cứu chữa người bị nạn. |
|
Theo ông Đệ, hiện nay, vẫn chưa thể, xác định được con số công nhân gặp nạn khi vụ việc xảy ra là bao nhiêu.
"Trên công trường có hàng vạn công nhân nên số lượng công nhân lúc gặp nạn chưa thể xác định được chính xác. Các lực lượng chức năng đang tích cực tháo dỡ đống đổ nát để cứu công nhân bị kẹt", ông Đệ nói.
Đồng thời, ông Đệ cũng bác bỏ thông tin cho rằng, phía ban quản lý khu kinh tế Formosa ngăn không cho các bác sỹ vào cấp cứu.
"Không hề có chuyện ngăn các bác sỹ vào cấp cứu mà các lực lượng, trong đó, có y tế đang tập trung mọi sức để đưa được người ra và cấp cứu được nhanh nhất", ông Đệ nói.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Kim Cự - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết:
"Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo huy động tối đa lực lượng vào cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân.
Chúng tôi cũng đã huy động tối đa lực lượng y bác sĩ ở Bệnh viện huyện Kỳ Anh và Bệnh viện đa khoa tỉnh để cứu chữa các nạn nhân bị thương trong vụ sập giàn giáo".
NGỌC ANH(Tổng hợp)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sap-gian-giao-formosa-loi-ke-cua-cac-cong-nhan-a88633.html