+Aa-
    Zalo

    Sám hối muộn màng của kẻ giết người mang áo học trò

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phạm nhân mang tội danh giết người và chịu án tù chung thân tại Trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh - Hải Dương), Bùi Văn Huy là trường hợp duy nhất được “hạ khung” từ mức án tử hình xuống chung thân.

    (ĐSPL) - Trước mặt tôi hôm nay, Bùi Văn Huy đã trở thành một chàng trai cao lớn, chững chạc, thừa nhận mình đáng chết và đã chết nếu không có quyết định ân xá của Chủ tịch nước.
    Trong hàng chục phạm nhân mang tội danh giết người và chịu án tù chung thân tại Trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh - Hải Dương), Bùi Văn Huy là trường hợp duy nhất được “hạ khung” từ mức án tử hình xuống chung thân. Thì ra, đây chính là kẻ sát nhân từng gây nỗi kinh hoàng đối với không riêng thầy trò trường THPT bán công Kim Thành - Hải Dương bởi hành vi giết người man rợ.
    Kẻ giết người máu lạnh
    Xế trưa, nắng trắng loá phả lửa lên những chùm phượng đỏ rực đu cong cành trên khoảng sân rộng thuộc Phân trại 1, Trại giam Hoàng Tiến. Tôi bước vào phòng trực của cán bộ quản giáo, đã thấy phạm nhân Bùi Văn Huy ngồi đợi sẵn với nét mặt đăm chiêu, hướng mắt ra khung cửa sổ. Có lẽ tiếng ve inh inh phá tan không gian tĩnh lặng chợt gợi cho phạm nhân từng được mệnh danh “kẻ giết người máu lạnh” cảm giác bồi hồi, luyến nhớ về thời áo trắng sôi động cách nay chưa xa mà hắn tự đánh mất. Huy ngẩng lên chào. Tôi thoáng gai gai khi chạm một khuôn mặt lạnh với đôi mắt một mí sùm sụp ít khi nhìn lên. Tôi tự nhủ, mình đã hình dung không sai về phạm nhân mệnh danh máu lạnh này. 
    Trước khi đề xuất với Ban Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cho gặp Bùi Văn Huy, tôi từng biết về phạm nhân này qua một vụ trọng án gây chấn động dư luận tỉnh Hải Dương cách đây 6 năm.
    Huy sinh ngày 14/3/1990, là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở thôn Nguyễn Bạo, xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Gia đình không có điều kiện, nhưng Bùi Văn Huy lại thích ăn diện, đua đòi. Sau khi tốt nghiệp THCS, Bùi Văn Huy không thể thi đậu vào trường công lập uy tín mà theo học tại trường THPT bán công Kim Thành. Vì trường THPT bán công Kim Thành cách xa gia đình hơn 10 cây số nên Bùi Văn Huy và một số bạn bè cùng lứa phải thuê trọ gần trường. Gần cuối năm lớp 12, Bùi Văn Huy bất ngờ bị các chiến sĩ công an đến tra tay vào còng số 8. Cả thầy và trò trường THPT bán công Kim Thành hoảng hồn trước thông tin: Vì cùng yêu một bạn gái học cùng trường, Bùi Văn Huy và bạn thân đã dùng dây phanh xe đạp siết cổ giết chết kẻ tình địch là anh Trần Văn T. ngay tại phòng trọ của Huy rồi đem xác vứt xuống sông. Thi thể anh T. được tìm thấy khi đã ở tình trạng trương thối. ở cả hai cấp toà, Bùi Văn Huy đều bị tuyên án tử hình.
    Sám hối muộn màng của kẻ giết người mang áo học trò
    Bùi Văn Huy thời còn là học sinh. 
    Nhìn thẳng vào Bùi Văn Huy, tôi những tưởng câu hỏi cũng đi thẳng vào vấn đề sẽ khiến phạm nhân trẻ tuổi này giật mình, luống cuống hoặc tức tưởi vì hối hận, nhưng ngược lại, Huy rất bình tĩnh, thản nhiên kể lại “tác phẩm giết người” do chính mình là “tác giả”. 
    “Cháu và N.T.N. (một bạn gái cùng tuổi, cùng trường, cùng xã) yêu nhau từ năm 2006, tức là cháu đang học lớp 10. Khoảng đầu năm 2008, lúc đó là học kỳ 2 lớp 12 thì cháu nghe tin Trần Văn T. (sinh năm 1989), đã bỏ học, nhà ở gần trường THPT bán công Kim Thành cũng yêu N.T.N.. Trần Văn T. thường đến phòng trọ của N. chơi. Tuy N. không thừa nhận có tình cảm với T. và cũng chưa nhìn thấy T. và N. đi chơi với nhau, nhưng cháu rất bực, bực đến nỗi mất ăn mất ngủ. Vì có quen biết, thậm chí đã từng đi chơi cùng nhau nên cháu định tìm gặp T. để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng khoảng đầu tháng 4/2008, cháu chưa kịp nói gì với T. thì nghe vài bạn nói rằng T. đe sẽ giết cháu nếu cháu còn yêu N.. Vốn đã ghét T., nghe vậy, cháu càng không chịu đựng được, phần vì cháu yêu N., phần vì không thể để một thằng bỏ học, kém cỏi hơn mình qua mặt. Cháu nghĩ, nếu không “loại” T. thì T. cũng sẽ “loại” mình nên cháu bàn với hai người bạn trai cùng lớp lập kế hoạch giết T. và được hai bạn này nhiệt tình ủng hộ. Tối 23/4/2008, T. đến phòng trọ của N., cũng trong khu cháu thuê trọ, nhưng N. đã về quê từ chiều. Lúc đó, bạn cùng lớp với cháu là Vũ Văn Hoàn đang chơi ở phòng cháu. Cháu chạy sang mời T. vào phòng mình chơi. Do đã bàn bạc thống nhất với Hoàn việc giết T. từ trước, nên khi thấy T. nghe điện thoại, Hoàn đã lấy ruột phanh xe đạp được chuẩn bị sẵn dưới gầm giường đi vòng ra phía sau quàng một vòng vào cổ T. rồi siết mạnh. Còn cháu thì lao vào đè lên, giữ chân tay T. không cho giãy giụa. T. yếu ớt ú ớ, mắt trợn ngược, khoảng 3 phút thì chết”.
    Tôi sởn da gà, tai như ù đi, dùng ly nước ngắt lời kẻ giết người có khuôn mặt non choẹt. Xung quanh tôi chợt im lặng. Sự im lặng đáng sợ. Ngoài khuôn viên trước khu nhà làm việc của cán bộ trại có tiếng gió rất nhẹ, đủ để thỉnh thoảng lùa vào làm những nốt da gà trên hai cánh tay tôi thêm dày đặc. Tôi phải mất hàng chục phút chờ cho chính mình bình tâm lại để đối diện với một con người từng mang trái tim quỷ dữ.
    Giọng Bùi Văn Huy vẫn trơn tru: “T. chết dưới nền đất, lúc ấy cháu mới hả hê. Cháu và Hoàn khoá cửa lại đi xem ca nhạc đến 2h sáng 24/4/2008 mới về, cho xác T. lên xe máy mang ra sông vứt. Đến ngày 1/5/2008, người ta tìm thấy xác của T.. Một ngày sau, 2/5/2008, cháu và Hoàn bị bắt. Cháu bị kết án tử hình. Hoàn bị tuyên phạt 18 năm vì tại thời điểm gây án, Hoàn chưa đến tuổi thành niên. Hiện, Hoàn cũng đang thi hành án tại trại giam này”.
    Sám hối
    Điều khiến tôi bất ngờ là trái với vẻ mặt lạnh lùng, vẻ thản nhiên khi kể về hành vi giết người, Bùi Văn Huy chợt im lặng, cổ họng nghèn nghẹn khi nhắc tới người thân: “Cháu nhớ bố mẹ lắm, nhất là mẹ. Giờ đây cháu ân hận và thương mẹ vô cùng. Cháu không quên được hôm xử toà. Cháu thấy mẹ khóc rũ rượi, mặt nhăn nhúm và già sọm. Đôi mắt mẹ mở to mà như mờ đi trong đau khổ, tuyệt vọng. Lúc ấy và cả đến bây giờ cháu mong được nắm bàn tay mẹ nhưng xa xôi quá. Trước đây, cháu hay khó chịu, hậm hực bỏ đi mỗi khi mẹ cháu “ca” một bài về cuộc đời, về cách sống, về những cái gì nên làm và nên tránh, đặc biệt là những cái ác. Những câu “ca” đó cháu nghe gần như thuộc lòng, nghe vài lần, nhớ cả đời nhưng lại không thực hiện. Cháu thấy mọi thứ đều vô nghĩa, chỉ có cuộc sống của bản thân là quan trọng. Cháu quên mất một điều là khác với tất cả những thứ khác, cuộc sống chỉ có một. Vậy mà cháu đã đùa với cuộc sống và suýt vĩnh viễn không tìm lại được dù chỉ ở trong 4 bức tường.
    Cháu biết tội cháu đáng chết và lẽ ra đã chết nếu không nhờ vào sự cống hiến của cha ông và chính sách khoan hồng của Nhà nước. Khi cầm quyết định ân xá của Chủ tịch nước được giảm xuống mức án chung thân vì xét gia đình cháu là gia đình có công, ông nội cháu là liệt sĩ, cháu mừng đến nghẹt thở và chợt nhận thấy nhận thức mình hoàn toàn thay đổi. Cháu ân hận về sự nông nổi, ngông cuồng của mình. Cháu đang cố gắng cải tạo thật tốt mong cơ hội được trở lại cuộc sống bình thường, dù là một ngày. Đêm đêm cháu thường nói lời sám hối với T. và hai gia đình, nhưng không ai nghe được. Chỉ mình cháu lại tự giày vò mình thôi…”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sam-hoi-muon-mang-cua-ke-giet-nguoi-mang-ao-hoc-tro-a37111.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan