Pháp luật TP.HCM đưa tin, ngày 6/12, Hội Ghép tạng Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm, bác sĩ Dương Đức Hùng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cả lĩnh vực chuyên môn và quản lý. Ông trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhiều ca ghép tạng quan trọng như ghép tim, gan, thận.
Những ca ghép này không chỉ đạt tỉ lệ thành công cao mà còn góp phần đưa y học Việt Nam vươn lên tầm quốc tế, nâng cao uy tín và vị thế của nền y học nước nhà.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ: "Đây không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là một trách nhiệm lớn lao. Tôi cùng các đồng nghiệp cam kết tiếp tục cống hiến hết mình để mang lại hi vọng và cơ hội sống tốt hơn cho người bệnh. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình ghép tạng bền vững, đồng thời khuyến khích cộng đồng tham gia vào hành động ý nghĩa này".
TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, cho biết ghép tạng là điều kỳ diệu nhất của y học và là một trong những phát minh khoa học vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. So với thế giới, Việt Nam bắt đầu ghép tạng muộn hơn khoảng 50 năm nhưng đến nay, trình độ ghép tạng của y học Việt Nam đã bắt kịp.
Cả nước hiện có hơn 25 trung tâm ghép tạng, trong đó Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong những đơn vị lớn nhất. 32 năm qua các thầy thuốc thực hiện được gần 9.100 ca ghép tạng, riêng bệnh viện này ghép 2.273 ca.
Ba năm gần đây, mỗi năm cơ sở này thực hiện hơn 250 ca ghép tạng. 11 tháng đầu năm 2024, số ca thực hiện được là 260, cao nhất trong 20 năm qua.
Trong 541 ca ghép tạng từ người cho chết não trên cả nước, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện 380 ca (70,2%), trong đó tỷ lệ cao nhất là ghép gan (114 ca trên tổng số 128 ca toàn quốc - 90%); 70 ca ghép tim (gần 78% số ca cả nước)... Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam thực hiện ghép khí quản thành công từ nguồn hiến người cho chết não (tháng 5/2024) và thực hiện nhiều ca ghép đồng thời (như tim - gan; tim - thận; gan - thận...).
Tại hội nghị Công tác ghép mô - tạng ngày 6/12, bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc BHYT TP.Hà Nội, cho biết năm 2024, số lượt bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, thuốc chống thải ghép (sau ghép tạng) ở Hà Nội (bao gồm cả bệnh viện tuyến trung ương và Hà Nội) là gần 79.000 lượt.
Về chi phí, chi phí bình quân BHYT chi cho một ca sử dụng thuốc chống thải ghép là hơn 9,6 triệu đồng/tháng (115 triệu/năm); trong khi đó, một ca chạy thận nhân tạo (3 lần/tuần) tốn hơn 8,7 triệu đồng/tháng. Theo bà Tâm, bệnh nhân chạy thận nhân tạo không chỉ tốn kém mà còn mất nhiều thời gian (mỗi lần chạy thận khoảng 4 tiếng).
Sau ghép thận, BHYT chi trả trung bình mỗi bệnh nhân 10,5 triệu đồng/tháng, gần tương đương với ghép gan. Chi phí BHYT chi trả cho bệnh nhân điều trị sau ghép phổi, ghép tim cao hơn (khoảng 11-13 triệu đồng/tháng).
Theo bà Tâm, hiện Bộ Y tế mới có quy định giá của phẫu thuật ghép thận tự thân trong cấp cứu do chấn thương cuống thận, chưa xây dựng giá cho phẫu thuật ghép tạng (như ghép gan, phổi, tim...). BHXH thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế sử dụng thực tế trong cuộc mổ. Các bệnh viện tự xây dựng giá cho phẫu thuật ghép tạng tại bệnh viện và thu của người bệnh. Điều này theo đại diện cơ quan BHXH TP.Hà Nội là "quyền lợi của người bệnh chưa được đảm bảo theo Luật BHYT".
Do đó, bà Tâm kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng giá cho các phẫu thuật ghép tạng để cơ quan BHXH có cơ sở thanh toán chi phí phẫu thuật cho người bệnh.
So với các nước trên thế giới, chi phí ghép tạng tại nước ta rẻ hơn rất nhiều. Chi phí một ca ghép ở Việt Nam bằng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Mỹ, thông tin trên báo VietNamNet.