UBND TP.Hà Nội mới đây đã có Quyết định số 3785/QĐ – UBND về việc phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, tiến độ thực hiện từ năm 2009 - 2027.
Tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên hơn 34.800 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư hơn 32.900 tỷ đồng theo Quyết định số 4007 ngày 28/6/2013 của UBND TP Hà Nội.
Trong đó, chi phí xây dựng tăng từ hơn 11.489 tỷ đồng lên hơn 13.800 tỷ đồng; chi phí thiết bị tăng từ hơn 9.350 tỷ đồng lên hơn 12.554 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bao gồm cả di chuyển công trình ngầm nổi) tăng từ 974 tỷ đồng lên hơn 1.356 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng điều chỉnh từ gần 1.800 tỷ đồng lên hơn 3.357 tỷ đồng.
Riêng hạng mục chi phí khác điều chỉnh giảm từ hơn 3.534 tỷ đồng xuống hơn 2.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm từ hơn 5.384 tỷ đồng xuống 1.328 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án cũng có sự thay đổi so với cơ cấu được duyệt tại Quyết định số 4036 ngày 26/7/2019 của UBND TP.Hà Nội.
Cụ thể, nguồn vốn ngân sách được điều chỉnh từ hơn 6.148 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ODA giảm từ hơn 26.761 tỷ đồng xuống hơn 24.782 tỷ đồng.
Thông tin về nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, một số tác động đã được UBND TP.Hà Nội nêu ra như công tác giải phóng mặt bằng phức tạp kéo dài; sự phối hợp giữa tư vấn, Chủ đầu tư và các Sở, ngành liên quan chưa hiệu quả; năng lực của nhà thầu Hancorp (gói thầu CP05 - công trình kiến trúc depot) còn hạn chế.
XEM THÊM: 3 lần điều chỉnh, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt vẫn chậm tiến độ
Đặc biệt, những vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam rất phức tạp, khó giải quyết. Quy định, thủ tục giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các Nhà tài trợ chưa đồng bộ, kịp thời.
Nhiều vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và những khó khách quan khác buộc dự án phải lùi tiến độ.
Nguyễn Lâm