+Aa-
    Zalo

    Phát triển Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thực hiện Nghị quyết Đại Hội XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2015-2020 Hà Nội đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.

    Thực hiện Nghị quyết Đại Hội XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2015-2020 Hà Nội đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.

    Theo đó, Nông nghiệp của Thủ đô từng bước chuyển dịch nền nông nghiệp từ một vùng nông nghiệp thuần nông, giá trị thu nhập thấp sang một nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

    Mục tiêu phát triển 

    Là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước nhưng nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là mũi nhọn phát triển quan trọng của Hà Nội. Sau khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, Hà Nội được coi là địa phương phát triển nông nghiệp lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Mặc dù vậy, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn chịu nhiều tác động hạn chế từ phía nội tại ngành cũng như tác động của quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên nền tảng sản xuất nhỏ, manh mún; nguồn lực lao động bị chi phối bởi quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động được đào tạo; đầu tư của người dân cho nông nghiệp không được quan tâm đúng mức do hiệu quả kinh tế thấp hơn, rủi ro cao hơn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC); điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội chưa đồng đều giữa các vùng do việc sáp nhập hai địa phương nên quá trình xây dựng nông thôn mới giữa các huyện là chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn thì vẫn còn một số huyện còn nhiều xã chưa đạt.

    Trước những đặc điểm trên, Nghị quyết Đại Hội XVII của Đảng bộ Thành Phố đã đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn để tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp thủ đô hiện đại, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân thông qua các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ những định hướng quan trọng đó, trong giai đoạn 2015-2020 Hà Nội đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, từng bước chuyển dịch nền nông nghiệp từ một vùng nông nghiệp thuần nông, giá trị thu nhập thấp sang một nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

    Hội nghị đánh giá Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội

    Một sốthành tựu chủ yếu

    Xác định được mục tiêu và giải pháp quan trong trọng phát triển nông nghiệp, Hà Nội đã tập trung đầu tư và chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng giải pháp kỹ thuật mới, tiên tiến; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và giải pháp thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn, gắn với xây dựng chuỗi liên kết và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo đó, sản xuất nông nghiệp đã thu được những thành tựu quan trọng.

    Thứ nhất là cơ cấu giá trị sản xuất được thay đổi theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt giảm (xấp xỉ 4%) thay cho giá trị sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (là lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn). Trong từng lĩnh vực, cơ cấu cũng đã được thay đổi theo hướng tích cực. Trong trồng trọt đã chuyển đổi hơn 17.500 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có thu nhập cao hơn, đặc biệt là nhóm cây ăn quả (tăng 6000ha) và nhóm rau, hoa, cây cảnh, hình thành 56 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung với qui mô 4.200ha; nhờ đó giá trị sản xuất lúa giảm 5% thay vào đó là các loại rau đậu, hoa, cây cảnh có giá trị; trong lĩnh vực thuỷ sản, giá trị nuôi trồng đã tăng 7% trong khi giá trị khai thác giảm 4%.

    Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu giá trị, Hà Nội cũng đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh, tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ đẩy mạnh chính sách đồn điền, đổi thửa. Đến hết năm 2018, toàn Thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.183,1/76.281,6 ha (đạt 103,8%), tăng 2.291,3 ha so với cuối năm 2015, vượt 2.901,5 ha so với kế hoạch Thành phố giao. Thành công trong dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các vùng hang hoá tập trung gắn với giám sát chất lượng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

    Không chỉ có sự thay đổi về cơ cấu cây trồng, tại các vùng sản xuất chuyên canh, giá trị thu nhập của từng nhóm cây trồng cũng được nâng lên nhờ áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến (giống chất lượng cao ví dụ giống lúa chất lượng cao năm 2018 tăng 7,3% so với năm 2017; sản xuất theo hướng an toàn đặc biệt với sản phẩm rau quả, chăn nuôi và thuỷ sản). Trong lĩnh vực trồng trọt, địa phương cũng đã tiên phong trong việc lựa chọn các giống cây phù hợp cho rải vụ thu hoạch (giống chín sớm, chín muộn) để giảm sức ép về thị trường tiêu thụ.

    Những thành tựu trên đây khẳng định chủ trương đầu tư và giải pháp chỉ đạo hiệu quả của Hà Nội trong việc quyết tâm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất gắn với hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung và tạo điều kiện để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

    Chỉ đạo xây dựng chuỗi liên kết sản xuất theo hướng sản xuất an toàn, chất lượng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

    Hà Nội đã tích cực triển khai đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản phẩm, qua đó đã xây dựng được dựng 97 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có 46 chuỗi có nguồn gốc động vật và 51 chuỗi có nguồn gốc thực vật; thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 23 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Các mô hình liên kết đã tạo được tiền đề quan trọng để giám sát chất lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo vùng hàng hoá ổn định gắn với phát triển thị trường. Đồng thời, thông qua liên kết cũng đã giúp giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá; từng bước thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc phát triển thị trường trước khi tổ chức sản xuất và sản xuất phải đảm bảo chất lượng, an toàn để tạo lập thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm.

    Nông thôn mới ở các huyện ngoại thành của Hà Nội đã huy động được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng

    Đẩy mạnh chương trình ứng dụng công nghệ cao 

    Hà Nội đã rất chủ động và tiên phong trong việc xác định và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Các lĩnh vực công nghệ cao đã được quan tâm khai thác, ứng dụng gồm: giống cây trồng mới năng suất, chất lượng, sạch bệnh; công nghệ tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; công nghệ bảo quản, chế biến nông sản…Đến 2018, toàn Thành phố đã có 123 mô hìnhứng dụng CNC, với giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 30% (tăng 5% so với năm 2017), trong đó lĩnh vực trồng trọt chiếm 23%, chăn nuôi 38%, thủy sản 17%.

    Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp: Quy mô ứng dụng cơ giới hoá giai đoạn 2015-2020 đã tang rõ rệt đặc biệt Thành phố đang đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp, góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và giảm sức ép về nguồn lực lao động.

    Về xây dựng nông thôn mới: Đến nay Thành phố đã có 04 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 323/386 xã (chiếm 83,68%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (về đích trước 02 năm so với mục tiêu đề ra). Đây là những con số thể hiện thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, qua đó đã đóng góp tiềm lực về kinh tế phục vụ xây dựng nông thôn mới. Kết quả này cũng khẳng định sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội và môi trường ở các vùng nông thôn.

    Những nội dung cần được tiếp tục đánh giá

    Những thành tựu quan trọng trên đây khẳng định sự phù hợp của các chủ trương và giải pháp cơ bản đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố cũng như sự nổ lực vượt bậc của toàn ngành và người dân Hà Nội. Để có bức tranh toàn cảnh về sự phát triển từ đó có căn cứ định hướng phát triển nông nghiệp thủ đô giai đoạn 2020-2015, một số nội dung cần được đánh giá toàn diện hơn:

    Hà Nội là trung tâm du lịch của cả nước, vì vậy chủ trương xây dựng vùng nông nghiệp ven đô gắn với du lịch được coi là định hướng quan trọng, lâu dài. Vì vậy, xây dựng nền nông nghiệp gắn với cảnh quan, văn hoá từ đó thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp ở Hà Nội là cần thiết. Nội dung này cần được đánh giá đầy đủ từ việc xác định vùng, tuyến du lịch đến việc thực hiện phát triển vùng nông nghiệp, nông thôn gắn với các sản phẩm đặc sản, văn hoá truyền thống để có định hướng ưu tiên và đầu tư phát triển phù hợp.

    Do đặc thù của một Thủ đô có sự đa dạng về địa hình, dân cư, trình độ dân trí, điều kiện phát triển và thu nhập, cần có đánh giá về mức thu nhập, tiềm năng phát triển để có định hướng ưu tiên đầu tư phát triển phù hợp cho từng tiểu vùng nông thôn, từng bước rút ngắn khoảng cách về đời sống kinh tế, văn hoá giữa các vùng.

    Khi đánh giá về phát triển chuỗi liên kết trong nông nghiệp, cần đánh giá đầy đủ hơn về hiện trạng, tiềm năng thị trường; hiện trạng, tiềm năng phát triển các khu công nghiệp chế biến; hạ tầng cơ sở phục vụ kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm (phòng thí nghiệm, nguồn lực con người, xây dựng chợ đầu mối v.v.) để có định hướng ưu tiên đầu tư phù hợp.

     PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn/Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-trien-nong-nghiep-va-xay-dung-nong-thon-moi-tren-dia-ban-ha-noi-giai-doan-2015---2020-a270843.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.