Để có thể tìm thấy một công việc phù hợp hay là để PR cho bản thân thì trước khi bắt đầu quá trình chuyển việc, bạn nên phân tích và đánh giá bản thân mình. Tuy nhiên, thật bất ngờ là đã có rất nhiều người không nhận ra được năng lực cũng như sở thích và chí hướng của bản thân. Vậy thì làm cách nào để bạn có thể phát huy được những điểm mạnh đó?
Kết quả của việc phân tích và đánh giá bản thân có thể tóm tắt một cách cụ thể thành 3 điểm dưới đây:
- Bạn đã làm được gì (chỉ những thành tựu của bạn)
- Bạn có thể làm được gì ( kỹ năng, tri thức, bằng cấp…)
- Và từ bây giờ, bạn muốn làm điều gì
Như vậy, sau khi đã phân tích và đánh giá bản thân mình, thì những mục mà bạn tóm tắt lại được sẽ trở thành bản lý lịch của bạn. Nói cách khác, bản chất của quá trình viết lý lịch chính là việc bạn xử lý và sắp xếp lại những thông tin về học vấn, trình độ, kinh nghiệm… của bạn từ trước đến nay.
Hãy xem xét một cách cụ thể như sau:
Bước đầu tiên của việc phân tích, đánh giá bản thân sẽ bắt đầu với việc tìm lại công việc cho chính bản thân bạn từ trước đến nay. Bạn hãy viết ra và sắp xếp lại những công việc mà bạn đã từng làm hay đã có kinh nghiệm dựa trên các góc độ như “ Loại dịch vụ, hàng hóa nào? ”, “Đối với ai?”, “Bằng phương pháp như thế nào?”, “Bạn đã cung cấp loại dịch vụ, hàng hóa nào cho ai?”, “Nếu như công việc đó là làm việc nhóm thì vai trò của bạn là như thế nào?”, bạn càng liệt kê cụ thể thì càng có hiệu quả. Hãy kết hợp cả những thứ chẳng hạn như mục tiêu của bạn là gì, mức độ thành tựu là bao nhiêu \%,… và thử viết ra.
Từ những nội dung mà bạn đã ghi chú lại, hãy đánh giá về năng lực của bạn. Chắc chắn bạn sẽ có thể suy luận ra được những gì mình đã đạt được, những gì mình đã học được qua mỗi công việc. Bạn hãy tóm tắt lại những điểm mà bạn cảm thấy mình đã trưởng thành hơn.
Có thể đối với những nội dung này sẽ có người cho rằng “ Đây không thể gọi là năng lực được”. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là việc bạn tìm thấy được điểm nào vượt trội hơn người khác mà là việc bạn nhìn và xem lại mình đã thu lượm được những tri thức gì, mình đã trưởng thành lên như thế nào? Bạn hãy suy nghĩ và ghi chép lại những vấn đề như: Đối với mỗi sự việc, hiện tượng, mình đã phấn đấu và đã gặp phải những khó khăn như thế nào qua quá trình đó? Những việc gì vẫn đang tiếp diễn? Nếu bạn đã thất bại thì nguyên nhân thất bại là gì và bạn đã làm gì để khắc phục? Ví dụ như “Đối với mỗi vấn đề thì bạn đã bỏ công sức và trăn trở như thế nào?” hay “Bạn đã đối xử với mọi người thế nào”,… Đó cũng chính là năng lực, là điểm mạnh của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ thể hiện điều đó thôi thì vẫn chưa đủ để PR cho bản thân. Nhất định bạn phải nêu kèm theo cả những thành tích, kết quả mà bạn đã đạt được và cả những thay đổi tích cực của bạn so với trước đây. Kể cả những việc nhỏ nhặt như “Thời gian cần thiết để thực hiện công việc đã được rút ngắn đi 1 tiếng đồng hồ” hay “ Số lỗi chỉ còn lại một nửa” ,… vì điều quan trọng là có thể viết ra được một cách cụ thể nhất bạn đã phát huy được năng lực, kỹ năng của mình như thế nào, mọi việc đã tiến triển ra sao?…
Nếu đã thực hiện tất cả những điều kể trên rồi mà bạn vẫn không tìm ra được kết quả gì thì có lẽ bây giờ chưa phải là lúc thích hợp để bạn có thể chuyển việc. Lời khuyên lúc này dành cho bạn là hãy thử suy nghĩ xem liệu ở nơi làm việc hiện tại, còn có công việc gì mà bạn có thể làm tốt hơn hay không?
Còn nếu bạn đã có thể viết được đến đây thì chuyện viết lý lịch làm việc trở nên rất đơn giản, bạn hãy thử dựa trên những nội dung đã viết trên đây để sắp xếp lại một cách hoàn chỉnh xem sao nhé.