Không ăn lẩu quá nóng
Khi thưởng thức lẩu, việc ăn phải thức ăn quá nóng rất dễ gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa. Khoang miệng, thực quản và niêm mạc dạ dày của chúng ta vốn rất mỏng manh, chỉ chịu được nhiệt độ từ 50 đến 60 độ C. Nếu thức ăn quá nóng, niêm mạc sẽ bị tổn thương, thậm chí dẫn đến viêm thực quản.
Do đó, khi gắp thức ăn từ nồi lẩu đang sôi, tuyệt đối không nên ăn ngay. Hãy gắp ra bát, chờ nguội bớt rồi mới thưởng thức để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Không ăn quá lâu và quá nhiều
Ngồi quây quần bên nồi lẩu, vừa nhâm nhi vừa trò chuyện là một thú vui quen thuộc. Tuy nhiên, kéo dài bữa ăn đến vài tiếng đồng hồ sẽ khiến dạ dày phải làm việc quá sức. Các dịch vị dạ dày, dịch mật, tụy phải tiết ra liên tục để xử lý lượng lớn thức ăn, dễ dẫn đến đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Không chỉ vậy, ăn lẩu quá lâu còn làm tăng lượng cholesterol trong máu, gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, hãy giới hạn thời gian ăn lẩu trong khoảng 2 tiếng và không nên ăn quá 1 lần mỗi tuần để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa và tim mạch.
Không ăn thịt trước
Thịt thường là món chính trong các bữa lẩu. Tuy nhiên, để tốt cho sức khỏe, bạn nên ăn khoai tây, khoai lang hoặc rau trước khi thưởng thức thịt. Khoai tây và khoai lang chứa nhiều tinh bột, có khả năng tạo lớp màng bảo vệ dạ dày, giúp giảm thiểu tác động của các thành phần cay nóng trong lẩu, từ đó bảo vệ dạ dày khỏi tổn thương.
Vừa ăn lẩu vừa uống đồ lạnh
Lẩu chua cay thường khiến người ăn toát mồ hôi, và nhiều người chọn uống nước lạnh để giải nhiệt. Tuy nhiên, thói quen này lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho đường ruột và dạ dày. Uống nước đá khi ăn lẩu có thể kích thích dạ dày co bóp mạnh, làm giảm tiết dịch tiêu hóa và giảm thời gian hoạt động của men tiêu hóa, từ đó cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn.
Không ăn đồ nhúng còn tái, đỏ
Nhiều người thích ăn lẩu với thịt tái vì cho rằng như vậy sẽ ngon và giữ được nhiều dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đây là thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Thịt chưa chín kỹ có thể chứa vi khuẩn và ký sinh trùng gây hại cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, nội tạng động vật cần được nấu chín kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi ăn.
Không dùng đũa gặp đồ sống lẫn lộn vối đồ chín
Sử dụng chung một đôi đũa để gắp cả thức ăn sống lẫn thức ăn chín là một sai lầm phổ biến khi ăn lẩu. Hành động này vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn từ thực phẩm sống xâm nhập vào khoang miệng, gây hại cho sức khỏe. Để đảm bảo an toàn, hãy chuẩn bị riêng hai đôi đũa, một đôi để gắp thức ăn sống cho vào nồi và một đôi khác để gắp thức ăn chín.
Ai không nên ăn lẩu
Phụ nữ mang thai: Thức ăn chưa chín kỹ trong lẩu có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Trẻ em: Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, dễ bị kích ứng bởi các gia vị và đồ ăn cay nóng trong lẩu.
Người có vấn đề về dạ dày: Lẩu có thể làm tình trạng viêm loét dạ dày trở nên trầm trọng hơn.
Người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, mỡ máu cao: Lẩu thường chứa nhiều cholesterol và purine, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Người bị bệnh gút: Các loại thịt và hải sản trong lẩu chứa nhiều purine, có thể gây ra các cơn đau do gút.
Người bị tiểu đường: Lẩu có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao.