(ĐSPL) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo và chịu cảnh mù lòa bẩm sinh nhưng bằng nổ lực phi thường, anh Nguyễn Tố Dũng (SN 1975) ở xóm 17, xã Nghi Liên, TP Vinh (Nghệ An) đã làm nên điều tưởng chừng như không thể khi là ông chủ của xưởng sản xuất bún lớn nhất nhì trong tỉnh. Với quyết tâm vượt khó, thu nhập từ nghề làm bún mang lại cho anh lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nghị lực phi thường
Không phải mất nhiều thời gian để chúng tôi tìm đến xưởng bún nức tiếng của vợ chồng người đàn ông khiếm thị. Nhìn thấy người lạ, một phụ nữ bán hàng tạp hóa ven đường nhanh nhảu: “Các chú tìm nhà “giám đốc” Dũng phải không, cơ sở làm bún của vợ chồng chú ấy đang là gương điển hình cho cả xóm, cả xã tôi phải noi theo đấy. Mặc dù đôi mắt dường như vô dụng nhưng với nghị lực phi thường của mình, chú Dũng đã gây dựng nên một cơ nghiệp khiến nhiều người bình thường phải mơ ước”. Nói đoạn, người phụ nữ nhiệt tình ấy dẫn chúng tôi đến ngôi nhà của anh Nguyễn Tố Dũng và chị Nguyễn Thị Vân.
Nguyễn Tố Dũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo và có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mẹ Dũng đã không hạnh phúc bên nhau nên đường ai nấy đi tìm niềm vui mới. Gia đình ly tán, bố mẹ chia lìa, 5 đứa con thơ cũng mỗi người một ngã. So với 4 anh em còn lại, Dũng là người chịu thiệt thòi nhất khi phải sống với ông bà nội. Bị mù bẩm sinh nên tất cả mọi công việc của Dũng khi đó gặp nhiều khó khăn, ông bà già cả nên cũng chẳng giúp được gì nhiều. Không có điều kiện kinh tế, chỉ học đến lớp 4 thì Dũng phải nghỉ để lao động kiếm sống. Ông bà ngày một yếu đi nên tất cả mọi công việc nặng nhẹ trong nhà đều do một tay Dũng gánh vác.
Cảm mến chàng trai khiếm thị nhưng đầy nghị lực và khát khao vượt khó, chị Nguyễn Thị Vân (SN 1968) ở cùng xã đã nhiều lần giúp đỡ rồi đem lòng yêu thương anh Dũng. Cũng sinh ra trong một gia đình bần nông lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên hơn ai hết, Vân hiểu rõ được những khó khăn mà Dũng phải đối mặt hàng ngày. Một tình yêu mãnh liệt được nảy sinh và bạn bè, người thân hết sức vun vén. Năm 1997, sau những tháng ngày tìm hiểu, Dũng và Vân đã quyết định đi đến hôn nhân. Một đám cưới đơn sơ nhưng vô cùng ấm cúng và hạnh phúc được tổ chức dưới sự chứng kiến của người thân hai bên gia đình.
Thành vợ thành chồng, đôi uyên ương sớm đối mặt với gánh nặng cơm áo khi cả hai bên nội ngoại đều không có gì nhiều để làm của hồi môn cho con. Tất cả tài sản lúc bấy giờ của đôi vợ chồng trẻ chính là ngôi nhà cấp bốn mà bà cố để lại và bốn bàn tay trắng. Tuy nhiên, vốn được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nên cả hai đã sớm có ý chí và nghị lực vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Những ngày đầu của cuộc sống mới, anh chị không quản ngại vất vả, mướn ruộng của người dân trong xóm để cấy lúa, kiếm thêm thu nhập. Quần quật lao động suốt ngày, Dũng chỉ mong cho con cái mình sau này được ăn học bằng bạn, bằng bè.
Cưới nhau được hai năm (1999), anh chị có với nhau đứa con đầu lòng tên là Lệ Quyên. Hạnh phúc ngập tràn khi Lệ Quyên sinh ra trong thể trạng lành lặn và kháu khỉnh. Đây chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn lao đối với vợ chồng trẻ. Không lâu sau đó, đến năm 2001, đứa con thứ hai ra đời tên là Hàm Yên, hạnh phúc được nhân đôi, nhưng đây cũng là lúc gánh nặng gia đình sẽ nhiều hơn trên vai của hai vợ chồng. Nhận thấy nghề trồng lúa không thể đảm bảo cuộc sống về sau cho gia đình mình nên anh Dũng đã trả ruộng và mày mò tìm hướng làm ăn khác.
Anh Dũng tâm sự: “Cuộc sống của chúng tôi ngày càng khó khăn khi có thêm hai đứa con nhỏ. Sau nhiều đêm trằn trọc, hai vợ chồng quyết định đi buôn bún vì đây là mặt hàng có giá thành rẻ và cách vận chuyển cũng dễ dàng”. Ban đầu khi vốn liếng còn ít, Dũng đạp xe hàng chục cây số, mua bún ở các xã lân cận về nhập lại cho những đầu mối tiêu thụ ở các phiên chợ. “Tôi có lẽ có duyên với nghề bán hàng, những ngày đầu mới bước vào nghề nhập bún, hai vợ chồng lo lắm, lỡ mua bún về không bán được thì sao… đắn đo mãi rồi hai vợ chồng quyết định, được thì ăn, mất thì chịu”, anh Dũng cười xòa. Với những quyết định táo bạo và quyết tâm làm giàu cùng cái duyên bán hàng may mắn nên bún của vợ chồng Dũng nhập về tới đâu bán hết tới đó.
Anh Dũng trò chuyện cùng PV. |
Làm được khoảng 2 năm, chị Vân nhận thấy việc hằng ngày phải vật lộn với chiếc xe đạp cọc cạch quá đỗi vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe nên bàn với chồng chuyển hướng đầu tư. Vợ chồng anh Dũng quyết định vay mượn thêm tiền từ anh em để mua máy móc về chế tạo bún thủ công ngay tại nhà. Quy mô ban đầu còn nhỏ, sản lượng bún khi đó chỉ đạt 50 – 70 kg/ngày. Tuy nhiên, điều đáng mừng là với uy tín đã có từ lâu ở các phiên chợ, bún của ông chủ khiếm thị ra lò tới đâu là tiêu thụ hết tới đó, công việc làm mỗi ngày mỗi thuận lợi, thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng.
Bí quyết thành công
Năm 2004, sau thời gian kinh doanh anh Dũng nhận thấy nhu cầu tiêu thụ bún ở thị trường TP Vinh ngày càng lớn, mặt khác, những sợi bún làm bằng tay không ngon bằng bún làm bằng máy móc, lại tốn thời gian và công sức gấp nhiều lần. Chính vì vậy, Dũng bàn với vợ mạnh dạn vay ngân hàng, anh em, thậm chí vay cả tiền bên ngoài với lãi suất cao để sắm các máy móc hiện đại nhằm cải thiện công nghệ. Ban đầu, anh chị vay được 50 triệu đồng để mua một máy sản xuất bún liên hoàn, sau đó vay tiếp để sắm máy xay bột và máy vắt bột khô trị giá 26 triệu đồng. Tuy nhiên, những thiết bị hiện đại này lại không thể hoạt động trong dòng điện bình thường nên ông chủ khiếm thị lại tiếp tục bỏ ra trên 30 triệu đồng nữa để bắt điện ba pha. Kể từ đây, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh dũng đã cho ra lò những mẻ bún đẹp, được lòng khách hàng vì vừa ngon lại hợp vệ sinh.
Anh Dũng phấn khởi: “Hiện tại, sản lượng tiêu thụ của xưởng bún vợ chồng tôi lên tới 5 – 7 tấn/ngày. Đây cũng là dây chuyền sản xuất bún liên hoàn đầu tiên và có công suất hoạt động lớn bậc nhất ở Nghệ An”. Để có được sợi bún ngon tới tay người tiêu dùng là sự cố gắng miệt mài của hai vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt này. Buổi ban đầu làm bún, sợi bún không được như ý bởi lẽ do giếng khoan ở trong vườn bị nhiểm phèn nặng, thành phẩm làm ra bị hỏng, bốc mùi khó chịu, bún ngã màu… Anh Dũng đã đầu tư khoan giếng cách nhà 300m để lấy nguồn nước sạch, có như thế sản phẩm khi xuất lò đều được thị trường chấp nhận. Ngoài ra, nguồn điện phải luôn được đảm bảo, nguyên liệu gạo phải được chọn lựa kỹ càng… “Cũng may nhờ có anh Dũng cả, dù bị khiếm thị từ nhỏ nhưng nhờ có khả năng cảm nhận mọi vật bằng tay nên anh ấy có thể vận hành cũng như bảo trì các thiết bị máy móc”, chị Vân phấn khởi.
Ông chủ khiếm thị nhiệt tình chỉ các quy trình sản xuất tại lò bún. |
Hiện nay, sản phẩm bún của vợ chồng anh Nguyễn Tố Dũng được tiêu thụ ở thị trường TP Vinh là chủ yếu. Anh chị đã ký hợp đồng trực tiếp các trường mầm non, các siêu thị tên tuổi cũng bắt đầu tìm đến tiêu thụ sản phẩm bún của cơ sở sản xuất uy tín này. Lợi nhuận hằng năm từ nghề bún mang lại nguồn thu lớn cho gia đình anh Dũng, trừ tất cả chi phí, trung bình cả hai vợ chồng làm ra hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Dũng còn tận dụng các nguồn phế liệu để chăn nuôi lợn. Cứ 4 tháng anh chị xuất một lứa lợn, mỗi lứa 20 – 22 con, mang lại nguồn lợi khoảng 10 - 15 triệu đồng. “Muốn thành công trong làm bất cứ việc gì trước hết phải yêu nghề và phải theo nó đến cùng, tôi nghĩ ông trời sẽ không phụ lòng những người cần cù, chịu khó lao động”, Dũng tâm sự.
Có được cuộc sống như ngày hôm nay, Nguyễn Tố Dũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nghị lực vươn lên chiến thắng bệnh tật, anh đã làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ước mơ của chàng trai khiếm thị rất giản dị, cha mẹ vất vả lao động kiếm sống chỉ mong sao con cái ngoan hiền và được học hành đến nơi đến chốn. Hiện tại, hai vợ chồng vẫn ấp ủ ý tưởng mở rộng kinh doanh, xây dựng một thương hiệu bún ngày càng uy tín, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.