(ĐSPL) - Thời gian vừa qua, nhiều vụ án oan rúng động xuất phát từ những kết luận giám định. Có ý kiến cho rằng, những bản kết luận giám định sai là do lỗi cố ý của người thực hiện các quy trình giám định.
Trên thực tế đã có trường hợp người sử dụng kết luận giám định (điều tra viên, kiểm sát viên) cố tình làm sai lệch để “uốn” những vụ án “không” thành “có”. Việc này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà nó còn ảnh hưởng lớn tới ngành tư pháp vốn được coi là Bao Công của mọi thời đại.
“Bút sa gà chết”
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, cán bộ VKSTC vụ 3 thì: Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng để đưa ra kết luận, buộc tội một đối tượng cụ thể. Chính vì lý do đó nên kết luận giám định không chỉ liên quan tới danh dự, nhân phẩm mà trong những trường hợp cụ thể nó còn liên quan tới sinh mạng con người.
Đại tá Trần Đức Bình, Trưởng phòng Giám định tài liệu, viện Khoa học hình sự trao đổi với PV. |
“Do đó, trước khi hạ bút ký vào một bản kết luận giám định, người ký phải xác định được trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, lương tâm của mình. Xung quanh một số ý kiến đưa ra về việc những vụ án oan sai xuất phát từ kết luận giám định, theo quan điểm của tôi, quy kết như vậy là chưa đầy đủ, thiếu khách quan, vì khi cơ quan chức năng kết tội một đối tượng cần phải dựa vào rất nhiều căn cứ, đâu chỉ mình kết luận giám định?
Cụ thể như lời khai, lời nhận tội của bị can, bị cáo, người làm chứng... và các bước nghiệp vụ khác để tìm chứng cứ. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thẳng, trong từng vụ án cụ thể chỉ có kết luận giám định mới chứng tỏ đối tượng đó có hay không hành vi phạm tội”, ông Hồng nhận định.
Mặt khác, liên quan tới công tác giám định có rất nhiều cơ quan tham gia, như viện Khoa học hình sự và các cơ quan khác như bệnh viện đa khoa cấp tỉnh... tóm lại giám định là dựa vào kiến thức y khoa nên độ chính xác rất cao.
“Thường kết luận giám định đảm bảo tính khách quan, tuy nhiên, như đã nói ở trên, có nhiều loại giám định, sự sai sót (nếu có), là rất hãn hữu. Trên thực tế, có những kết luận giám định tuy nhỏ, nhưng lại liên quan tới sinh mạng một con người. Do đó theo quan điểm của tôi, ai hạ bút ký kết luận giám định sai, người đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Hồng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Thanh Hồng, luật sư (LS) Trần Khánh Toàn, đoàn LS TP.Hà Nội cho biết: “Oan sai không thể hoàn toàn đổ lỗi cho kết luận giám định được mà cần phải hiểu rõ, sai sót do lỗi khách quan hay do chính con người cố tình “uốn” kết luận theo ý mình? (lỗi cố ý). Vụ án tai nạn giao thông mà cơ quan chức năng áp giải nam sinh giữa sân trường ở Đắk Lắk là một ví dụ.
Trở lại vụ việc một nam sinh bị kết án oan liên quan tới kết luận giám định. Được biết, tháng 3/2013, Công an TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khởi tố em Đỗ Quang Thiện về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Căn cứ duy nhất để cơ quan chức năng buộc tội em Thiện là kết luận pháp y thương tích số 1164 do Giám đốc, giám định viên, bác sỹ Từ Công Hiển ký tên đóng dấu ngày 8/10/2012.
Sau hai phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm, Toà tuyên em Thiện 9 tháng tù giam và cha mẹ Thiện bị buộc phải bồi thường trên 56 triệu đồng cho ông Lê Phước Thọ...
Tuy nhiên, sự thật là ông Thọ không phải bị chấn thương sọ não. Vì đại diện bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, nơi đã ban hành công văn số 696 của bệnh viện Đa khoa tỉnh phúc đáp lại công văn số 113 của VKSND TP.Buôn Ma Thuột với nội dung ông Thọ bị đột quỵ.
Thế nhưng, Tòa lại không đưa chứng cứ là công văn số 696 để khẳng định ông Thọ không phải chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Điều khó hiểu nhất, là hồ sơ bệnh án và công văn số 696/BVĐKT lại không được dùng làm căn cứ xét xử, dù tới tháng 5/2014 Tòa mới xử sơ thẩm lần đầu. Về hậu quả xảy ra, Tòa án 2 cấp chỉ căn cứ vào bản Kết luận pháp y thương tích số 1164 ngày 8/10/2012 do trung tâm pháp y tỉnh cung cấp.
Nhiều ý kiến đặt ra là có hay không việc cơ quan tố tụng lạm quyền, cẩu thả hay còn lý do nào khác? Phải chăng cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Lắk có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ hay họ quá tin tưởng vào kết luận giám định mà không cần phải thẩm tra?
“Theo tôi, sự việc này không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân, gia đình em Thiện mà nó còn ảnh hưởng tới sự tự tôn pháp luật của người dân, họ mất niềm tin vào công lý và suy rộng ra đó là sự bất ổn xã hội. Một đất nước văn minh thì pháp luật càng phải được đề cao và mọi người cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt”, LS Toàn nói.
Đúng-sai chỉ cách nhau một tờ giám định
Cũng theo LS Toàn, liệu người dân có quyền được chọn nơi giám định để đảm bảo quyền lợi và sự minh bạch nếu họ thấy nghi ngờ hoặc không thoả đáng?
Trở lại vụ án cách đây 4 năm. Năm 2011, tại TP.Kon Tum, một đối tượng gây án giết người đã suýt lọt lưới pháp luật nhờ một bản kết luận giám định sức khỏe... bị tâm thần mức độ nặng. Hung thủ trong vụ án này là Nguyễn Đức Thuần đã đột nhập vào nhà một người hàng xóm với mục đích trộm cắp tài sản. Khi bị cụ Mỹ (người duy nhất có mặt ở nhà lúc đó) phát hiện, Thuần đã ra tay sát hại cụ Mỹ với mục đích che giấu hành vi trộm cắp của mình.
Ảnh minh họa. |
Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum đã đưa Thuần đi giám định tâm thần tại trung tâm Giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng và kết luận Nguyễn Đức Thuần bị chậm phát triển tâm thần mức độ nặng. Bị can gây án trong tình trạng chậm phát triển tâm thần mức độ nặng, không còn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, do vậy không còn năng lực hành vi lúc gây án. Với nội dung kết luận nêu trên, theo quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, buộc đối tượng này phải đi... chữa bệnh.
Từng theo sát quá trình điều tra vụ án, các kiểm sát viên VKSND tỉnh Kon Tum đặt nhiều nghi vấn về tính chính xác của bản kết luận pháp y này. Bởi trong quá trình điều tra, Thuần nhớ rõ từng chi tiết, khai báo rõ ràng về hành vi phạm tội của mình. Đặc biệt, trong đám tang của nạn nhân, Thuần còn “nhiệt tình” đến giúp đỡ như một người vô can, cũng tỏ ra đau xót trước sự ra đi của nạn nhân...
Cuối cùng, vì những dấu hiệu bất thường, VKSND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành giám định lại sức khỏe tâm thần đối với Thuần tại một cơ quan giám định khác. Bản kết luận nêu rõ: “Đương sự có bệnh chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ. Tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh. Đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử”. Với bản kết luận giám định này, Nguyễn Đức Thuần đã bị tuyên phạt mức án 8 năm tù về tội Giết người. Sau sự việc trên, dư luận đặt câu hỏi, có hay không yếu tố không vô tư trong công tác giám định để Thuần suýt... “lọt lưới”.
Hay như vụ án chữ ký giả và chữ viết giả trong hai phiếu chi vẫn lọt lưới hai cấp xét xử khiến anh Vũ Ngọc Dương bị kết án oan. Theo đó, tại cáo trạng số 150/CT/VKS P1 của VKSND TP.Hà Nội ngày 5/4/2012, kết luận: “Lợi dụng danh nghĩa là tình nguyện viên của trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh, ngày 20/4/2010, Vũ Ngọc Dương nhận 100 triệu đồng từ anh Nguyễn Văn Hiền (anh Hiền 50 triệu đồng và anh Quang 50 triệu đồng) để tài trợ cho Trung tâm. Sau khi nhận tiền Dương không nộp tiền về cho Trung tâm như đã cam kết mà chiếm đoạt luôn số tiền đó để đánh bạc và chi tiêu cá nhân dẫn đến không có khả năng thanh toán.
Ngày 21/11/2012, anh Vũ Ngọc Dương phải hầu tòa. Tại bản án số 503/2012/HSST của TAND TP. Hà Nội, tuyên phạt bị cáo Vũ Ngọc Dương 30 tháng tù giam. Điều đáng nói là cơ quan chức năng chỉ dựa vào hai phiếu chi để kết tội anh Dương, vì cho rằng, chữ ký và chữ viết trong phiếu chi đều là của anh Dương... sau đó anh Dương làm đơn kháng cáo. Được biết, đến nay anh Dương đã được tại ngoại và các cơ quan tố tụng đang xem xét lại vụ án.
Trao đổi với PV về một số kết luận giám định gây ra oan sai, Đại tá Trần Đức Bình, Trưởng phòng Giám định, viện Khoa học hình sự cho biết: “Oan sai ở đâu tôi không biết, nhưng nếu ai oan sai về tài liệu thì hãy đến viện Khoa học hình sự để được giải oan, ở đây chỉ có minh oan”.
LƯƠNG LIỄU
Xem thêm video:
[mecloud]e0HIvUw2c4[/mecloud]