(ĐSPL) - Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, làng Triều Khúc không chỉ tái chế rác y tế như ống truyền, dây truyền, ống tiêm... mà còn tái chế cả quần áo bệnh nhân, ga mổ, thậm chí cả kim tiêm…nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng những “đồ bác sỹ” này.
"Đồ bác sỹ" được dùng để may túi quần áo?
Theo lời chỉ dẫn của người thanh niên tên H. ở kỳ trước, chúng tôi tìm xuống cụm sản xuất làng nghề tập trung thuộc xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) để tìm hiểu thực hư chuyện tái chế "đồ bác sỹ". Được biết, cụm sản xuất làng nghề tập trung này được thành lập theo định hướng phát triển làng nghề ở Triều Khúc. Những hộ muốn kinh doanh vượt khỏi quy mô gia đình được tạo điều kiện xuống đây để mở xưởng. Mặc dù cụm sản xuất này vẫn thuộc địa bàn làng Triều Khúc nhưng quy mô lớn hơn và sản xuất đa dạng nhiều mặt hàng chứ không riêng việc tái chế nhựa.
Dừng trước một ngôi nhà ngay dãy đầu của cụm làng nghề, chúng tôi khá bất ngờ vì những dây phơi cỡ lớn được căng, dựng lên ở hai bên vỉa hè. Bên trong sân, khoảng ba người phụ nữ lúi húi giặt đồ bên ống nước đang phun xối xả. Thỉnh thoảng, những món đồ giặt xong được những người này mang ra phơi trên những dây phơi cỡ lớn. Đánh tiếng làm quen với một người phụ nữ trung tuổi đang rướn người để treo những chiếc chiếu cũ chúng tôi được biết, chị này là công nhân làm thuê ở đây và hàng ngày chỉ có nhiệm vụ giặt và phơi "đồ bác sỹ".
Theo quan sát của PV báo Đời sống và Pháp luật, ngoài chiếu nằm, nơi đây còn giặt cả ga trải giường bệnh viện, ga phòng mổ, quần áo bệnh nhân, áo choàng bác sỹ... Tất cả những đồ này được phơi ở vỉa hè, trong làn khói bụi mịt mù do những chiếc xe tải chạy qua. Khi chúng tôi hỏi giặt những đồ này làm gì thì người phụ nữ tỏ vẻ bí ẩn và chỉ cho biết vỏn vẹn: "Những đồ này hầu hết từ bệnh viện đưa tới, chúng tôi có nhiệm vụ giặt sạch rồi đưa trả lại bệnh viện. Chúng tôi là công nhân làm việc cho công ty nên chỉ biết có giặt đồ và phơi đồ thôi". Khi hỏi giá giặt thuê những đồ này thế nào thì cả ba phụ nữ đều lắc đầu không biết.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, loại "hàng" này không được giao theo một thời điểm cố định, cứ khi nào có “hàng” thì xe sẽ chở về. Công nhân luôn phải túc trực để nếu có “hàng” thì phải tiến hành giặt và phơi khô cho kịp giao "hàng". Thế nhưng, dựa vào quan sát của chúng tôi thì "công ty giặt thuê" này "có vấn đề".
Thứ nhất, số lượng "đồ bác sỹ" được giặt và phơi ở đây không nhiều, vì thế để đáp ứng nhu cầu của một bệnh viện đã khó chứ chưa kể tới nhiều bệnh viện cùng lúc.
Thứ hai là đối với bệnh viện thì việc thu gom quần áo bẩn, ga mổ, áo choàng bác sỹ... được tập kết theo một thời điểm cố định. Tuy nhiên, "đồ bác sỹ" nhập về công ty này lại không theo quy luật nhất định mà cứ có hàng là chuyển về. Tìm hiểu thông tin từ người bán nước tên T. ở đầu đường rẽ vào cụm sản xuất PV được biết, dãy công ty này chủ yếu là các nhà máy sản xuất túi quần áo, sản xuất dây chun và bao bì. Dãy sau mới là cơ sở để các công ty sản xuất hạt nhựa từ rác thải.
Bà T. cho biết thêm: "Người làng chúng tôi nhiều hôm chạy thể dục qua đây, thấy công nhân họ mang hẳn quần áo, khăn mổ ra giặt. Nhiều cái máu còn dính bê bết, giũ xong chậu nước đỏ lòm. Hơn nữa, việc khử trùng chỉ bằng cách giặt xà phòng thông thường chứ không có chất tẩy rửa nào khác. Chúng tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao họ lại giặt những thứ này để làm gì. Chỉ biết rằng, công ty này nằm trong dãy các công ty sản xuất túi quần áo, bao bì mà thôi".
Theo thông tin ở kỳ trước thì "đồ bác sỹ" được thu mua theo cân để bán cho những nơi sửa ô tô, xe máy làm giẻ lau. Thế nhưng, khi chứng kiến những cảnh trên, có thể "đồ bác sỹ" đã được tái chế để phục vụ cho ngành công nghiệp may mặc?
Cũng theo tìm hiểu của PV, những "đồ bác sỹ" như áo choàng, ga mổ trong bệnh viện... thường chỉ được sử dụng một lần (nhất là đối với những khoa bệnh có tính lây nhiễm cao). Vì vậy, số lượng rất lớn "đồ bác sỹ" không thể dùng làm giẻ lau hết được. Nếu không được đưa trở lại bệnh viện, vậy những "đồ bác sỹ" kia sẽ đi về đâu? Sẽ được dùng để may túi quần áo hay dùng làm giẻ lau ở các gara ô tô? Điều này, có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu.
"Đồ bác sỹ" được “tái chế” thành túi quần áo? |
Nghi vấn quay vòng rác thải y tế
Ở cụm làng nghề tập trung này, ngoài việc tái chế "đồ bác sỹ", sản phẩm chủ lực vẫn là tái chế nhựa. Người dân phơi hạt nhựa dọc khắp các con đường, trên những tấm bạt lớn và trông coi cẩn thận. Tiếp tục đóng vai người cần mối "hàng" về sản xuất đồ gia dụng, PV dừng hỏi người phụ nữ tên L. về giá cả. Người phụ nữ này đang loay hoay bên những bao tải hạt nhựa đã phơi khô và đợi xe đến chở về. Chị cho biết: "Giá mặt "hàng" này phong phú lắm, anh lấy "hàng" loại PE (Polyethylene, "hàng" này dùng để sản xuất túi xách, thùng, can các loại với độ bền cao), PP (Polypropylen, dùng để sản xuất thùng, bao bì đựng thông thường) hay loại nhựa nào. Tùy vào chất lượng từng loại nhựa mà giá bán, mua khác nhau. Nhựa đang phơi ở đây là PE, loại nhựa tốt nên có giá 30.000 đồng/kg".
Khi chúng tôi hỏi về loại nhựa trắng tốt nhất được làm từ rác y tế thì người phụ nữ này tỏ vẻ am hiểu: "Nhựa làm bằng ống huyết tương ấy hả. Loại nhựa đó chỗ chúng tôi không sản xuất nhưng hiện giờ cũng chả có mà bán. Giá loại nhựa ấy còn đắt hơn cả nhựa PE (hiện rơi vào khoảng 35.000 đồng/kg) vì để sản xuất loại nhựa này mất công lắm chứ không như chúng tôi sản xuất nhựa màu. Riêng tiền nhân công thuê để bóc phần cao su, bóc vỏ trên bao bì đã tốn nhiều công sức lắm rồi".
Cũng theo chị L. thì bản thân rác thải y tế cũng được định giá khác nhau. Cụ thể phần nhựa được nghiền từ ống huyết tương, dây truyền dịch... có giá cao nhất. Riêng ống tiêm thì có giá thấp hơn, vì chất lượng nhựa không bằng những thứ kia. Tuy thấp nhưng so với nhựa thông thường nó vẫn được liệt vào dạng "hảo hạng".
Qua thông tin mà chị L. cho biết, chủ tác chế còn nhập nhựa ở cả làng Khoai (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) về tái chế. Làng Khoai cũng là một làng tái chế nhựa nổi tiếng nhưng chất lượng không bằng Triều Khúc nên các thương lái thường nhập lại để về tái chế và bán giá cao hơn. Tất nhiên, trong số nhựa nhập lại đó có cả rác y tế nhưng mối hàng cũng rất khan hiếm và không phải ai cũng nhập được loại hàng này. Nhìn bề ngoài, cụm sản xuất này giống như nơi sản xuất những thành phẩm xuất vào thị trường. Thế nhưng chị L. cho hay, ở đây chỉ có một vài cơ sở sản xuất mắc áo đơn giản, còn chủ yếu vẫn sản xuất hạt nhựa rồi bán cho những cơ sở sản xuất ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Khi hỏi về "bến đỗ" của rác thải y tế thì chị L. cho hay: "Tôi cũng không rõ, người ta sử dụng cụ thể để làm gì. Nếu để sản xuất những đồ bình thường như hộp đựng thức ăn, thìa, cốc... mà dùng loại nhựa giá cao như vậy thì chắc hẳn lợi nhuận thấp, người ta sẽ không làm. Bản thân chúng tôi sản xuất nhựa để người ta làm nắp bình nước cũng chỉ dùng tới loại 30.000 đồng/kg mà thôi. Đó là chưa kể tới loại nhựa chất lượng thấp hơn như để sản xuất thau, chậu, bàn, ghế... thì càng không thể dùng loại nhựa cao cấp đó. Không biết chừng, những loại nhựa này được xoay vòng trở lại bệnh viện cũng nên. Tuy vậy, tôi cho rằng người ta mua loại nhựa y tế này về để trộn lẫn với những loại nhựa khác nhằm tăng độ bền cũng như chất lượng sản phẩm. Sau đó, họ sẽ bán hạt nhựa được pha trộn đó với giá cao hơn để ăn chênh lệch. Dẫu vậy, thực hư thế nào thì chỉ người sản xuất mới hiểu rõ mà thôi".
Cẩn thận không mua phải nhựa y tế rởm Chị L. còn cho biết thêm: "Do mặt hàng nhựa y tế khan hiếm nên người mua dễ mua phải nhựa y tế rởm. Nhiều hộ đánh lừa người mua chưa có kinh nghiệm bằng cách trộn nhựa theo một tỉ lệ nhất định để họ không thể phát hiện ra. Loại nhựa trộn với nhựa y tế cũng có chất lượng khá cao nên nếu người mua nhựa bình thường thì gần như không thể phát hiện được. Vì thế mới nói, cùng làm hàng nhựa nhưng mỗi người lại thạo một mặt hàng khác nhau". |