+Aa-
    Zalo

    Giải mã hiện tượng mua bán rác thải y tế “vô tiền khoáng hậu”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từ những cuộc mua bán rác thải công khai ở cổng bệnh viện Bạch Mai và một số khu phố lân cận, nhiều người nghi ngờ rằng, việc tuồn rác thải y tế ra ngoài dễ dàng như vậy, phải chăng có sự hậu thuẫn của một số cán bộ, nhân viên y tế nơi đây?

    (ĐSPL) - Từ những cuộc mua bán rác thải công khai ở cổng bệnh viện Bạch Mai và một số khu phố lân cận, nhiều người nghi ngờ rằng, việc tuồn rác thải y tế ra ngoài dễ dàng như vậy, phải chăng có  sự hậu thuẫn của một số cán bộ, nhân viên y tế nơi đây?
    Khi chúng tôi thực hiện loạt bài điều tra này thì lượng rác thải y tế từ bệnh viện Bạch Mai vẫn ngang nhiên "chảy" ra ngoài mà không gặp phải một cản trở nào...
    Hồn nhiên gạ bán rác cho...  đại lý
    Theo chân M. và D., những nhân viên làm việc tại bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi được mục sở thị "núi" rác y tế trong khuôn viên bệnh viện. Dù là ngày cuối tuần, bệnh viện không đông nhưng lượng rác đổ về  khu vực gần nhà Đại thể (nhà xác) vẫn rất nhiều. D. cho tôi biết, hầu hết những người "thó" trộm rác y tế từ bệnh viện ra ngoài để bán đều là những người có hoàn cảnh riêng khó khăn.
    Theo quan sát của PV thì, khu vực trữ rác của bệnh viện Bạch Mai nằm cách xa khu khám, chữa bệnh. Có thể, đó là lí do người ta  lấy rác y tế... rất dễ. M. và D. đều khẳng định rằng, rác thải y tế bị đưa ra bên ngoài bán đã tồn tại trong một thời gian rất lâu mà không bị phát hiện. Trong vai một người có người nhà làm nhựa tái chế, tôi hỏi D. về việc có thể thu mua lượng nhựa y tế lớn không, thì D. cho biết: "Trong bệnh viện, không thể tự do "gom" rác y tế được vì còn người nọ, người kia. Nếu, bên chị có nhu cầu, bọn em sẽ cố gắng "gom" vào một thời điểm nhất định rồi mang qua đấy bán. Vì thế, giá phải cao hơn ở bên ngoài, bởi ở đây có rất nhiều "tai mắt", bọn em cũng phải vất vả thì mới "gom" được rác từ các khoa...". Rồi D. hồn nhiên ra giá cho rác thải mình sẽ "thó" để bán ra là 8.000 đồng/kg ống truyền y tế, 10.000 đồng/kg găng tay cao su...
    Theo tìm hiểu của PV Đời sống và Pháp luật, nhiều chủ cửa hàng thu mua đồng nát ở Hà Nội cũng nhờ mối quen để mua rác y tế từ trong bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, những giao dịch này thường rất "kín" và người bán được lượng rác lớn ra ngoài cũng phải là những người có "máu mặt" ở bệnh viện. Bởi, lực lượng bảo vệ của bệnh viện trực 24/24h, hầu hết họ đã "nhẵn mặt" nhân viên, cán bộ. Chúng tôi phát hiện thông tin "độc" rằng, để xách được những túi rác y tế lớn, nhỏ ra ngoài bệnh viện, nhân viên phải chi tiền "ngoại giao" với lực lượng bảo vệ.
    Nhân viên vệ sinh ở bệnh viện Bạch Mai, tên M. bộc bạch, ai muốn "gom" rác thải y tế... phải cẩn thận đề phòng, bởi bị phát hiện, họ có thể mất việc. Có một số nhân viên vệ sinh biết việc mua bán rác thải y tế của đồng nghiệp nhưng... làm ngơ để cho họ kiếm thêm "chút đỉnh" nuôi con. Thông thường, việc đi thu gom rác thải được phân cụ thể cho từng khoa, vì thế lượng rác thải được nhân viên vệ sinh khoa ấy..."toàn quyền xử lý".
    Trần Thị H.Q., một y tá bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Sau khi tiêm hoặc truyền nước cho bệnh nhân xong, chúng tôi vứt rác thải y tế vào một thùng rác riêng cùng bông, băng, găng tay... Số rác thải đó, được nhân viên vệ sinh dọn dẹp, mang đi. Tôi đã tận mắt chứng kiến việc nhân viên vệ sinh trong bệnh viện dùng tay trần để tách ống truyền, dây truyền vào một túi riêng. Tôi cứ nghĩ, họ làm như vậy là tách rác thải ngay tại nguồn để mang những thứ ấy ra khu vực tập trung rác y tế và sau đó mang đi tiêu huỷ, chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện họ sẽ mang ra hàng thu mua phế liệu để bán kiếm tiền cả...".
    Bệnh viện quản lý rác thải lỏng lẻo?
    Quan sát từ khu để rác bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi nhận ra rằng, khu vực này nằm cuối bệnh viện, không có người quản lý, vì thế, nhiều người lạ có thể ra, vào. Anh A., một nhân viên vệ sinh đang lúi húi dọn vệ sinh cho biết: "Hôm nay là ngày nghỉ nên chị T., người quản lý khu rác thải ở đây nghỉ. Khu vực này vẫn có người trực nhưng phòng trực nằm bên trong khu để rác nên không thể quan sát, rác thải y tế được phân loại như thế nào, có bị "bớt xén" để bán ra bên ngoài hay không?". Nói chuyện với tôi cởi mở được một lúc thì A. phân trần: "Nhiều người là nhân viên dọn dẹp vệ sinh tuồn rác ra bên ngoài mà không ai biết. Bởi, khu vực tập trung rác thải ít người qua lại, chỉ cần "khéo" một chút là có thể kiếm được từ ba đến năm triệu đồng tiền bán rác thải y tế/tháng. Đó là khoản thu nhập khá lớn so với nhân viên vệ sinh chúng tôi".
    Nhìn theo tay anh A. chỉ, chúng tôi thấy một nhân viên vệ sinh của bệnh viện Bạch Mai đang xe rác từ các khoa về tập trung tại bãi rác. Trên xe rác, tôi thấy có hai túi ni-lon được mắc hai bên xe rác để phân loại rác thải, một túi để bỏ rác thải y tế, một túi đựng rác sinh hoạt. Theo A. nói thì người này sẽ lấy các túi rác ấy làm... của riêng và mang đi bán, nếu thu gom được một lượng rác lớn. Và không chỉ có những nữ nhân viên vệ sinh mang rác thải y tế ra ngoài bán mà nhiều nam nhân viên vệ sinh cũng thực hiện các giao dịch mua, bán nếu "đánh hơi" được nhu cầu từ những đại lý thu mua phế liệu, đồng nát lớn.
    Giải mã hiện tượng mua bán rác thải y tế “vô tiền khoáng hậu”
    Rác thải y tế được để bừa bãi ở bệnh viện Bạch Mai.
     
    ở khu vực để rác của bệnh viện Bạch Mai, rác thải được đổ chung một chỗ và rất bừa bãi, chung với những loại rác thải sinh hoạt khác. Dưới sàn khu vực để rác, tôi thấy đầy những túi ni-lon đựng ống truyền, dây truyền được để chung với những bao bì đựng chai nước la-vi, vỏ thuốc. Theo K., một nhân viên làm việc trong bệnh viện Bạch Mai thì, cô chỉ biết, chiều tối hoặc tối muộn, có rất nhiều xe chở rác, xe tải vào chở những túi rác này đi, còn chở đi đâu thì cô cũng không biết được. Tuy nhiên, chuyện có người làm trong bệnh viện mang rác thải y tế ra ngoài quen thuộc tới mức, K. coi đó là chuyện... bình thường. Mỗi khi dọn dẹp, mà nhìn thấy những chai nhựa, găng tay bỏ đi, cô cũng "vô tư" nhặt nhạnh làm của riêng của mình để chờ đến lúc "gom" được một túi lớn, lúc đó mới đem ra hồ Phương Mai bán lấy tiền.
    K. cho phóng viên biết thêm, từ gần một năm nay, nhiều hàng thu mua sắt vụn cũng thu mua luôn cả quần áo, ga giường bệnh nhân cũ để bán cho các hàng rửa xe, các gara ô tô. Vì rác thải y tế có "công dụng với người bán", nên những nhân viên dọn vệ sinh ở bệnh viện cũng tranh thủ thu gom những quần áo bệnh nhân, ga giường cũ, rách để đem bán. Việc "gom hàng" cũng phải làm trong "âm thầm", vì theo quy định, thì những bộ đồ, ga giường cũ rách được tập trung ở một nơi riêng, sau đó được chở đi tiêu huỷ cùng những loại rác thải y tế khác. Theo K., cũng như dây truyền, ống truyền, những bộ quần áo bệnh nhân cũ, rách cũng được mua bán theo cân và thường được tuồn ra ngoài, bán cho những mối thân quen: "Câu chuyện tôi nghe được của một người làm ở bệnh viện thì tại Hải  Phòng có một chủ đại lý chuyên thu mua những quần áo, vải vóc cũ để bán cho các gara  ô tô lớn Hà Nội, Quảng Ninh và những cửa hàng sửa chữa máy móc, thiết bị có nhu cầu. Người trong bệnh viện bán cho nguồn này. Chúng tôi chỉ thu gom được những đồ nhỏ như chai lọ, dây truyền nhựa thôi, còn quần áo, ga giường thì phải là những người có "quyền" một chút, trong bệnh viện mới bán được!?".
    Việc nhân viên bệnh viện tuồn được ra ngoài thị trường những rác thải đặc trưng của ngành y tế khiến dư luận đều đặt ra nghi ngờ: Vì sao, bệnh viện lớn như Bạch Mai mà lại có cách quản lý rác y tế lỏng lẻo vậy? Chưa nói đến kẽ hở trong việc tiêu huỷ rác thải y tế của bệnh viện này, nhiều người dân tỏ ra hoang mang khi đề cập đến vấn đề lây truyền dịch bệnh từ rác thải trong bệnh viện. Liệu ai có thể đảm bảo rằng, những ổ bệnh dịch, những bệnh lây truyền qua đường hô hấp sẽ không được chuyển ra cùng rác thải từ bệnh viện Bạch Mai?    
    Y tá cũng... bán rác
    K. cho biết, không chỉ có nhân viên vệ sinh "tranh thủ" kiếm thêm thu nhập từ rác thải y tế mà nhiều y tá của các khoa trong bệnh viện cũng thu gom rác thải. Việc bán rác thải cho những mối, những cửa hàng thu mua phế liệu quen đã biến nhiều người làm việc ở bệnh viện Bạch Mai trở thành người "chôm rác"... chuyên nghiệp.
    Kỳ 4: Mục sở thị con đường từ bệnh viện tới lò tái chế của rác thải y tế   
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-hien-tuong-mua-ban-rac-thai-y-te-vo-tien-khoang-hau-a30840.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan