(ĐSPL) - Trong bài viết đăng trên The Diplomat, tác giả Mu Chunshan cho rằng Nga không ủng hộ Trung Quốc tranh chấp Biển Đông vì nhiều yếu tố chiến lược-chính trị.
Căng thẳng gần đây ở Biển Đông dường như đã vượt quá căng thẳng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cùng với việc Philippines bắt giữ và xét xử ngư dân Trung Quốc đánh bắt rùa trái phép đã khiến cho tình hình Biển Đông đột ngột “nóng lên” nghiêm trọng.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Trong tình hình đó, Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc, bày tỏ ủng hộ Việt Nam và bảo vệ Philippines. Nhưng Nga, một "đối tác chiến lược" của Trung Quốc, lại không hề công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Điều này đã khiến cho một số người ở Trung Quốc cảm thấy thất vọng và nghĩ rằng quan hệ Trung-Nga không hề tốt như người ta tưởng. Thậm chí, trong vụ tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Nga đã có lập trường khá mơ hồ.
Có nhiều yếu tố chính trị và chiến lược phức tạp đã khiến Nga hành xử như vậy, trong đó có bốn lý do chính sau đây.
Thứ nhất, quan hệ Trung-Nga khác với quan hệ Mỹ -Philippines. Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh. Giữa hai bên không có có hiệp ước an ninh ràng buộc như trong quan hệ giữa Mỹ - Philippines hay Mỹ-Nhật Bản. Trong quan hệ đồng minh, mỗi bên có cam kết hỗ trợ chính trị và thậm chí cả quân sự cho đối tác của mình. Trong quan hệ quốc tế, đây là loại quan hệ song phương cao nhất. Trong khi quan hệ Trung – Nga có một số đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhưng hai bên không bị ràng buộc bởi cam kết hỗ trợ lợi ích quốc gia của nhau.
Từ lâu, truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn chỉ tập trung nhấn mạnh nhân tố tích cực trong quan hệ Trung - Nga, trong khi truyền thông quốc tế thường quá lời khi khen ngợi mối quan hệ này. Đôi khi truyền thông còn thừa nhận rằng Trung Quốc và Nga là “đồng minh không hiệp ước”. Điều này đã khiến nhiều người tin rằng quan hệ hợp tác chính trị Trung- Nga là vô biên, giúp mang lại một sự cải thiện quan trọng tình hình an ninh của Trung Quốc.
Nhưng thực tiễn trong quan hệ quốc tế cho thấy bất kể quan hệ Trung-Nga tốt đến đâu, mối quan hệ này không thể ảnh hưởng đến lập trường cơ bản của Trung Quốc về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trên thực tế, mối quan hệ Trung-Nga chỉ là một mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”. Biển Đông lại không phải nơi mà Nga có thể mở rộng lợi ích nên Matxcơva cảm thấy không cần thiết can thiệp vào khu vực này vì không có liên minh chính thức với Trung Quốc. Người Trung Quốc không nên huyễn hoặc mối quan hệ Trung- Nga và mong đợi quá nhiều từ Matxcơva
Thứ hai, Nga hiện đang có quan hệ tốt với các nước ven biển Đông và không muốn phải hy sinh các mối quan hệ tốt đẹp này chỉ vì lợi ích của Trung Quốc. Nga không muốn công khai ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Một trong những lý do quan trọng nhất là Nga hiện đang có quan hệ tốt với nhiều nước ASEAN.
Liên Xô vốn có truyền thống quan hệ mật thiết với Việt Nam, hơn Trung Quốc. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga kế thừa mối quan hệ hữu nghị đặc biệt này. Quan hệ Nga-Việt không hề có trở ngại to lớn nào và cũng không hề có mâu thuẫn nào về lịch sử cũng như trên thực tế. Quan hệ quốc phòng Nga-Việt có truyền thống từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và kéo dài đến tận ngày nay. Nhiều vũ khí hiện đại của Việt Nam là vũ khí Nga: từ tàu ngầm Kilo đến máy bay chiến đấu Su-30MK2.
Thứ ba, Nga không cần thiết phải đối đầu trực tiếp với Mỹ ở Biển Đông. Hiện nay, Nga đang tập trung vào châu Âu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine đã đủ gây căng thẳng trong đối đầu giữa Nga và phương Tây. Một vấn đề như vậy sẽ rất khó giải quyết trong ngắn hạn. Vì vậy, Nga không muốn cũng như không có khả năng đối đầu với Mỹ ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, tranh chấp trên Biển Đông thực ra không phải là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Các tranh chấp xuất phát từ những bất đồng giữa các nước ven Biển Đông với Trung Quốc về lịch sử và nguyên trạng. Mỹ chỉ là một nhân tố ảnh hưởng, không phải nhân tố quyết định tương lai của Biển Đông. Trong bối cảnh này, Nga thậm chí còn ít động cơ hơn để hỗ trợ Trung Quốc và chỉ trích Mỹ.
Thứ tư, sự phát triển của Trung Quốc đã thực sự gây lo ngại cho Nga. Nga cũng không khỏi lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc có thể lan sang cả khu vực Viễn Đông của Nga hoặc biến nguồn lực dồi dào của khu vực này thành “thức ăn” cho sự phát triển của Trung Quốc.
Mặc dù các quan chức Nga lạc quan về tiềm năng hợp tác ở khu vực Viễn Đông, nhưng họ cũng không hề lơi là cảnh giác trước tham vọng “bành trướng lãnh thổ” của Trung Quốc.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-khong-ung-ho-trung-quoc-tranh-chap-bien-dong-a37719.html