(ĐSPL) - Một nhà phân tích Pháp ví liên minh Nga-Trung là một “nước đi có tính toán” giữa hai nhà vô địch cờ vua và cờ vây.
Chủ đề này được nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp số ra ngày 12/6 đề cập đến qua bài phân tích “Matxcơva – Bắc Kinh, những điểm mập mờ của một liên minh tình thế”.
|
Quan hệ Nga-Trung: “Liên minh tình thế”? |
Theo nhà bình luận Jacques Hubert-Rodier (tác giả bài viết), nếu nhìn từ phía Nga, một “thế giới tam cực” (tức trục 3 cường quốc Nga-Mỹ-Trung) là một điều quá hoàn hảo. Một điều mỉa mai là trong trục “tam giác chiến lược” đó, lại không hề có chỗ cho Liên minh Châu Âu. Nhưng tác giả cho rằng, trên thực tế mối quan hệ tam cường này không hề đơn giản chút nào. Dù là Nga hay Mỹ, mỗi bên đều có một chiến lược xoay trục về Châu Á theo một kiểu riêng.
Đối với Washington, chiến lược “xoay trục” nhằm tái khẳng định vị trí cường quốc Thái Bình Dương bằng cách tái cân bằng quân sự và kinh tế ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Những quân cờ của Tổng thống Putin
Còn đối với Matxcơva, đây lại là một sự xích lại gần Trung Quốc nhằm loại trừ tối đa rủi ro bị cô lập sau vụ sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga, đồng thời nhằm tránh tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt cũng như của xu hướng độc lập về khí đốt ngày càng tăng của Tây Âu.
Là một nhà vô địch về cờ vua, Nga đã tính toán rất kỹ nước cờ của mình. Tiến một quân cờ phía Tây khi chơi trò vừa đánh vừa xoa với Ukraina. Sáp nhập Crimea, sau đó lại giang tay với tân Tổng thống Ukraina Petro Porochenko. Như vậy, Tổng thống Putin có thể tiến hành nước cờ đông Ukraina bằng cách “hâm nóng” xung đột vào lúc Matxcơva cho là cần thiết.
Song song đó, Nga tiến thêm một quân cờ khác ở phía Đông, khi thực hiện chuyến công du chính thức đến Trung Quốc hồi cuối tháng Năm vừa qua và một cuộc gặp gỡ có tính chất phô trương với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Xích lại gần nhau nhưng vẫn còn nghi kị
Nhưng ván cờ của Nga không phải là không có rủi ro. Nhằm đa dạng hóa nguồn khách hàng, Matxcơva cuối cùng đã ký kết một thỏa thuận cung ứng khí đốt cho Bắc Kinh trong vòng 30 năm, với tổng trị giá 300 tỷ euro. Về mặt giấy tờ, đây quả là một hợp đồng “khổng lồ”. Thế nhưng giới quan sát cho rằng chưa chắc Nga đã thắng trong ván cờ này.
Theo tính toán của chuyên gia François Heisbourg, cố vấn đặc biệt cho Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), bình quân mỗi năm Nga cung cấp 10 tỉ euro khí đốt cho Trung Quốc, chỉ chiếm có 1/8 tổng trao đổi mậu dịch giữa hai nước. Ông Heisbourg nhận định: “Xét về cơ bản, điều đó chẳng thể làm thay đổi diện mạo thế giới”. Nếu so với lượng cung ứng cho Châu Âu, sản lượng nói trên chỉ chiến có ¼.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc đi lên thành cường quốc lại làm cho Nga cảm thấy bất an và nghi kị. Cũng giống như Vương quốc Anh trước siêu cường Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 21, nước Nga khá “thấp, bé, nhẹ cân” so với Trung Quốc, thậm chí cả với Liên minh Châu Âu chứ đừng nói đến gì với Mỹ. Hiện thời, kinh tế Trung Quốc có qui mô gấp 4 lần kinh tế Nga (cách đây 23 năm, hai bên ngang ngửa nhau). Nga xuất nguyên vật liệu cho Trung Quốc và đổi lại nhập hàng tiêu dùng từ quốc gia này.
Một chuyên gia khác còn lưu ý rằng sự “chuyển trục” về Châu Á của Nga không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà còn hướng đến một số quốc gia như Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên hay quốc gia bạn bè cũ như Việt Nam. Cũng đừng quên một quốc gia Nam Á quan trọng khác là Ấn Độ.
Để lấp khoảng trống, Tổng thống Nga Putin còn thiết kế dự án Liên minh Á-Âu với Kazakhstan và Belarus.
Nga vô địch cờ vua, còn Trung Quốc lại vô địch cờ vây
Còn về phía Bắc Kinh thì sao? Bài viết đăng trên Les Echos cho rằng Trung Quốc chưa hẳn sẵn sàng sát cánh cùng Nga. Điều này đã được chứng minh qua vụ Crimea. Bắc Kinh không những không chịu phủ quyết mà còn vắng mặt trong buổi bỏ phiếu của HĐBA Liên Hợp Quốc về Crimea, khi viện dẫn lý do tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ.
Từ đó có thể thấy rằng sự xích lại gần nhau của hai cường quốc này chỉ có thể là kết quả của mối liên kết theo tình huống, trước một đối thủ chung là Mỹ. Nhưng cũng không vì vậy mà sự đối đầu và nghị kị lẫn nhau giữa hai quốc gia này đã biến mất.
Cuối cùng, nhà bình luận Jacques Hubert-Rodier nhắc khéo: Đừng quên Trung Quốc vốn là nhà vô địch cờ vây.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-trung-lien-minh-tinh-the-giua-co-vua-va-co-vay-a36725.html