(ĐSPL) – Không chỉ có Bộ LĐ-TB&XH ủng hộ phương án nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày liên tục mà nhiều ý kiến khác cũng cho rằng nghỉ tết dài ngày còn có những tác dụng tích cực.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá phương án nghỉ tết 9 ngày là hài hòa. |
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra 2 phương án, nghỉ tết Nguyên đán 2015 7 ngày hoặc 9 ngày liên tục.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH nhận định rằng, việc thực hiện lịch nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần theo phương án 9 ngày liên tục là hài hòa, phù hợp vì sẽ không tồn tại ngày đi làm quá ngắt quãng, đồng thời số ngày nghỉ trước Tết và sau Tết không quá chênh lệch (4 ngày và 5 ngày).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, phương án này cũng đã nhận được sự đồng thuận cao trong quá trình lấy ý kiến, do phù hợp với phong tục, tập quán của Việt Nam và nguyện vọng của người lao động.
Trao đổi xung quanh vấn đề nên nghỉ tết 7 ngày hay 9 ngày, bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội cho biết trên báo VTC News, bà ủng hộ phương án nghỉ tết 9 ngày nhưng với điều kiện các ban ngành chức năng cần quan tâm tới công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông…
Bà Hải phân tích: “Căn cứ thực tiễn năm ngoái, tôi thấy có những tác dụng tích cực của việc nghỉ dài như kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân, cán bộ đi du lịch, tạo điều kiện thu nhập cho khối ngoài Nhà nước tăng lên. Ngoài ra, tình hình an ninh cũng vẫn được giữ vững, đặc biệt an toàn giao thông được đảm bảo”.
Cũng theo bà Hải: “Vai trò của chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong dịp nghỉ lễ rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò của người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là ý thức của từng cán bộ, công nhân viên.
Tôi nghĩ việc nghỉ 9 ngày sẽ tạo cơ hội tốt cho lao động có khoảng thời gian nghỉ ngơi đế tái tạo lại sức lao động”, bà Hải nói.
Thông tin trên báo Lao động, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - ông Đặng Ngọc Tùng cũng đồng tính với phương án nghỉ tết 9 ngày.
Ông Tùng nói: "Chủ trương nghỉ lễ dài ngày được Tổng LĐLĐVN thực hiện bằng cách hoán đổi ngày nghỉ với ngày làm việc ở tuần trước hoặc tuần kế tiếp. Trong hai năm qua, Chính phủ đã thực hiện hoán đổi ngày nghỉ vào dịp tết âm lịch để được nghỉ liền ngày và được người dân rất ủng hộ. Việc nghỉ tết dài rất có ý nghĩa với người lao động, đặc biệt là các công nhân, lao động đi làm xa quê. Thời gian nghỉ tết ngắn khiến nhiều người bỏ lỡ dịp quây quần bên gia đình do điều kiện tàu xe khó khăn, công việc lại gấp gáp. Nếu nghỉ dài sẽ giúp người lao động có thể lên kế hoạch sử dụng ngày nghỉ tết của mình, giữ được truyền thống đi thăm hỏi gia đình, bạn bè hoặc đi du lịch".
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, việc nghỉ Tết Nguyên đán có thể quy định “mềm”, không nên ấn định cụ thể bao nhiêu ngày, mà tùy thuộc vào từng điều kiện doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp họ cần sản xuất liên tục chẳng hạn, nếu để nghỉ thời gian dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Bùi Thị An, nên quy định được nghỉ tết từ 7 - 9 ngày, sau đó tùy từng cơ quan đơn vị áp dụng cho phù hợp.