(ĐSPL) - Tổng thống Obama tuyên bố sẵn sàng gửi thêm thiết bị và khoảng 300 cố vấn quân sự giúp chính phủ Iraq chống lại quân nổi dậy Sunni.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama không loại trừ các hành động quân sự “có chọn lọc” ở Iraq, khi cần thiết. |
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 19/6, Tổng thống Obama nói cuộc chiến tranh ở Iraq năm 2003 đã để lại những “vết sẹo lớn” và loại trừ việc gửi lực lượng tác chiến Mỹ trở lại Iraq. Theo VOA, ông Obama không loại trừ các hành động quân sự “có chọn lọc” khi cần thiết, tạo cơ hội cho các cuộc không kích có thể có nhắm vào các phần tử chủ chiến Sunni.
Tổng thống Obama nói rằng Iran có thể đóng một vai trò xây dựng ở Iraq, nếu Tehran thúc đẩy việc thành lập một chính phủ bao gồm nhiều thành phần, tôn trọng mọi phe phái trong lãnh thổ Iraq. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng Iran có thể làm cho tình hình xấu đi nếu họ can dự cuộc xung đột hiện nay chỉ với tư cách một lực lượng vũ trang hậu thuẫn cho chính phủ do người Shi’ite lãnh đạo. Điều quan trọng đối với Iran là tránh các bước đi có thể khuyến khích chia rẽ giáo phái, có thể dẫn tới một cuộc nội chiến tại Iraq.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi tổ chức thánh chiến “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông” (ISIL) là mối đe dọa đối với khu vực, nhưng nói rằng không có giải pháp quân sự đơn giản nào cho cuộc khủng hoảng Iraq. Ông nói rằng việc thành lập một chính phủ đoàn kết mới càng nhanh càng tốt sẽ là biện pháp đơn giản tốt nhất để tiến tới một giải pháp.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexandr Lukashevich tuyên bố ngay cả khi có yêu cầu từ phía Baghdad, các cuộc không kích của Mỹ trên lãnh thổ Iraq phải được sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,
Trong cuộc họp báo ở Matxcơva ngày 19/6, phát ngôn viên Alexandr Lukashevich nhấn mạnh rằng bất kỳ biện pháp vũ lực nào chỉ có thể được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép. Chỉ khi đó các biện pháp vũ lực mới được coi là hợp pháp và phù hợp với các tiêu chuẩn và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ông nhấn mạnh: “Nếu làm khác đi, chúng ta có thể nhận được phương án thứ hai của thảm kịch Iraq, vốn sẽ không chỉ mang ý nghĩa khu vực mà còn có quy mô lớn hơn nhiều”.
Trước đó, Thủ tướng Nouri al-Maliki đã kêu gọi Mỹ tiến hành các cuộc không kích vào những cứ điểm của nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông” (ISIL) ở phía bắc đất Iraq.
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cũng cam kết sẽ cung cấp cho những người tình nguyện 644 USD/tháng để chiến đấu bên cạnh lực lượng an ninh tại những “khu vực nóng” chống lại quân nổi dậy. Chính phủ Iraq sẽ trả những người tình nguyện phi chiến đấu 450 USD/tháng. Ông al-Maliki cũng hứa là tất cả những người tình nguyện sẽ nhận được thêm một khoản trợ cấp về lương thực.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-se-gui-300-co-van-quan-su-den-iraq-a37571.html