(ĐSPL) – Có ngân hàng báo tổng tài sản tăng khủng, ồ ạt tuyển nhân sự, lợi nhuận vượt cả năm nhưng cũng có ngân hàng báo khất cổ tức. Vậy đâu mới là bộ mặt thật của ngân hàng mùa cuối năm 2014?
Tổng tài sản tăng ấn tượng
Đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố một loạt số liệu về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2014. Trong đó, các chỉ số quan trọng như tổng tài sản, vốn tự có, vốn điều lệ hay tỷ lệ an toàn vốn đều tăng đột biến thể hiện dấu hiệu tích cực cho toàn ngành ngân hàng.
Cụ thể, tính đến hết tháng 9, theo số liệu của NHNN, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt hơn 6,16 triệu tỷ đồng, tăng 6,12\%. Trong khi đó tính đến cuối tháng 8 con số này mới chỉ dừng lại ở mức 6 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tổng tài sản của Vietinbank đang dẫn đầu hệ thống với hơn 597 nghìn tỷ đồng, theo sau là BIDV và Vietcombank. Chỉ có MD Bank và SaiGonBank là hai ngân hàng duy nhất có tổng tài sản dưới 20 nghìn tỷ đồng.
Về vốn tự có, trong 9 tháng năm 2014 vốn tự có của các ngân hàng đạt hơn 496,3 tỷ đồng, tăng 3,4\% so với thời điểm cuối năm 2013.
Vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đạt tổng cộng 435,54 nghìn tỷ đồng, tăng 3,27\%. Tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9 là 13,43\%, cao hơn nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ồ ạt tuyển dụng nhân sự
Cùng với tín hiệu tích cực đó, các ngân hàng bắt đầu mạnh tay tuyển dụng nhân sự vào cuối năm chứng tỏ nhu cầu kinh doanh và mở rộng phạm vi hoạt động. Cụ thể, Vietcombank sẽ tuyển dụng mới gần 1.000 nhân sự. Vietinbank đăng tin tuyển dụng 381 nhân viên mới cho 80 chi nhánh. Năm 2014, BIDV dự kiến tuyển khoảng 500 nhân viên mới. Cùng đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2014, Sacombank, ACB và PvcomBank, ABBank cũng đều có thêm vài trăm nhân sự...
Theo thống kê của NHNN, tổ chức tín dụng (TCTD) cả năm 2014 sẽ có tới 59\% TCTD dự kiến gia tăng nhân sự, nhưng chỉ có 3,3\% TCTD dự kiến cắt giảm nhân sự (ngân hàng Đông Á, ngân hàng Quốc dân NCB).
Vẫn còn khất cổ tức
Bên cạnh những “ông lớn” ăn nên làm ra, còn có không ít ngân hàng nhỏ đón mùa cuối năm trong không khí tiêu điều vì phải xin… khất cổ tức hoặc trả cho có (trả dưới hình thức cổ phiếu của chính ngân hàng để tăng vốn điều lệ).
Có một thực tế là dù nhiều ngân hàng đã bán nợ xấu cho công ty quản lý nợ VAMC để làm “sạch” bảng cân đối kế toán nhưng những ngân hàng này vẫn phải trích lập dự phòng 20\% chi trái phiếu đặc biệt nhận lại từ VAMC.
Điều này cũng khiến nhiều ngân hàng gặp khó. Ví dụ như DongA Bank đã trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu 139 tỷ đồng trong quý II, cao gần gấp đôi lợi nhuận trong kỳ. Thế nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này vẫn phải trích 339 tỷ đồng dự phòng. Kết quả DongA Bank lỗ lũy kế đến 76 tỷ đồng trong 9 tháng. Đó cũng chính là lý do HĐQT DongABank đưa ra thông báo hoãn trả cổ tức đợt 1/2014.
Đặt kế hoạch cổ tức 8,5\%, nhưng đến thời điểm này, Eximbank vẫn chưa tạm ứng đợt nào cho cổ đông và nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh tỷ lệ cổ tức khi khoản dự phòng rủi ro nợ xấu được lãnh đạo nhà băng này cho biết tăng mạnh. Năm 2013, Eximbank đã cắt giảm cổ tức từ mức dự kiến 12\% xuống 4\% và mới thanh toán cho cổ đông vào cuối tháng 5/2014. Đến cuối tháng 9/2014, nợ xấu Eximbank là 2,86\%, trong khi tăng trưởng tín dụng âm.
Như vậy có thể thấy, bên cạnh những ngân hàng có thực sự mạnh bắt đầu thu được tín hiệu tích cực, còn không ít những ngân hàng nhỏ và vừa vẫn chưa vượt qua cái “bóng” của nợ xấu trong thời kỳ khủng hoảng vừa qua. Đánh giá về tình hình ngân hàng hiện tại, lời TS Cao Sỹ Kiêm - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết: “Đã hết thời ngân hàng trả cổ tức cao”.
Tổng kết lại, ngân hàng vẫn đang gia tăng tổng tài sản, tuyển dụng thêm nhân sự - tất cả những điều này để giúp nội lực của ngân hàng mạnh lên, dần dần lợi nhuận được cải thiện thì mới có thể tính được tới lợi ích cho cổ đông, những người đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.