(ĐSPL) - Do gặp nhiều khó khăn về nhu cầu vốn cho đầu tư sản xuất, thủ tục phức tạp, không đủ tài sản thế chấp, lãi suất cao và doanh nghiệp có thể huy động từ nguồn vốn khác... nên hơn 50\% doanh nghiệp không muốn vay ngân hàng.
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014.
Theo đó, tính đến hết tháng 3/2014, có tới 50,5\% doanh nghiệp không muốn vay vốn từ ngân hàng do không có nhu cầu, không đủ tài sản thế chấp hoặc doanh nghiệp có thể vay từ nguồn vốn khác…
Với các doanh nghiệp vẫn đang dựa vào vốn vay, nguồn lớn nhất đến từ các ngân hàng thương mại Nhà nước (chiếm 63,6\%), tiếp đến là khối cổ phần, vay từ cá nhân, bạn bè, người thân và thấp nhất là từ các ngân hàng nước ngoài, phát hành trái phiếu...
Doanh nghiệp không muốn vay ngân hàng vì chưa có ý định mở rộng kinh doanh và chi phí vay còn cao. |
Cũng theo báo cáo trên, chỉ có 10\% số doanh nghiệp dự kiến sa thải nhân công, giảm so với mức 25\% của năm ngoái.
Cụ thể, doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô lao động cao nhất với 57\%, tiếp đến là các doanh nghiệp Nhà nước (43\%) và thấp nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tuyển thêm lao động năm 2014 cao nhất với 47\%, sau đó là dịch vụ, nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng các doanh nghiệp đều lạc quan hơn về triển vọng phục hồi và phát triển trong năm 2014. Đa số các doanh nghiệp cũng nhận thấy môi trường kinh doanh năm 2014 tốt hơn năm 2013 mặc dù nhu cầu vốn tín dụng dè dặt.
Nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng thấp xuất phát từ thị trường bất động sản phục hồi chậm. Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực này hiện nay còn nhiều bất cập do nhiều ngân hàng vẫn cẩn trọng...