Sau gần một năm đi vào hoạt động, đường sắt Cát Linh – Hà Đông dần trở thành phương tiện quen thuộc của nhiều người dân ở Hà Nội. Tuyến đường sắt trên cao giúp hạn chế vấn nạn ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường và góp phần thay đổi giao thông trong nội thành.
Thời gian đầu vận hành (tháng 11/2021), do dịch COVID-19, tàu Cát Linh - Hà Đông chỉ đón khoảng 7.000-8.000 khách mỗi ngày. Sau gần một năm, lượng khách đi lại đã ổn định và tăng cao.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã trở thành phương tiện quen thuộc của người dân. Theo ghi nhận của PV Đời sống & Pháp luật, số lượng hành khách vào các giờ cao điểm đông đúc. Đa số những người sử dụng phương tiện vào thời điểm này là dân văn phòng, công sở.
Chị Tạ Thị Hà (trú tại quận Hoàng Mai) cho biết thường đi xe máy tới điểm dừng ga, sau đó đi gửi xe và sử dụng tàu sắt đến nơi làm việc. “Vào sáng sớm, tôi thường sử dụng xe máy để đi đến trạm ga gần mình nhất. Khoảng cách từ nhà tới ga tàu chừng 15 phút. Tôi ước chừng thời gian để đến nơi làm việc đúng giờ. Từ ngày sử dụng tàu sắt trên cao, tôi không còn gặp phải cảnh ùn tắc”.
“Đường sắt trên cao rất thuận tiện với những người làm văn phòng như tôi. Trước đây, tôi thường bị muộn làm vì cảnh ùn tắc giao thông. Mỗi khi dùng xe máy tham gia giao thông, không khí ngột ngạt từ các phương tiện khiến tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi thích sử dụng tàu sắt trên cao vì môi trường ở đây khá thoải mái. Trong khoảng thời gian tới công ty, tôi thường có thói quen lướt qua tin tức trên các phương tiện báo chí”, anh Lê Văn Thảo cho hay.
Tại các điểm dừng ga, nhiều bạn trẻ yêu thích nghệ thuật thường ghé tới để chụp ảnh. Chị Thu Hiền (sinh viên thuộc trường đại học Thăng Long) chia sẻ: “Lúc rảnh, em thường rủ bạn tới điểm dừng tàu sắt trên cao để chụp ảnh. Ánh sáng ở đây khá đẹp rất hợp với các concept nghệ thuật mà tụi em yêu thích”.
Văn Phong