(ĐSPL) - Giả làm cán bộ dự án của TP Hà Nội, Tùng khoe với nhiều người về chuyện có thể "biến" đất hộ đê thành đất ở lâu dài để lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Báo An ninh thủ đô thông tin, ngày 15/11, TAND TP Hà Nội đưa Nguyễn Thanh Tùng (SN 1977, trú ở phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS.
Theo cáo buộc, Tùng không có nghề nghiệp ổn định cũng không có chỗ ở cố định, nhưng muốn có tiền chi tiêu, Tùng khoe với nhiều người mình là cán bộ dự án của thành phố và có nhiều quan hệ để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Hơn nữa, Tùng còn giới thiệu với nhiều người mình chuyên làm môi giới và các dịch vụ về nhà đất, có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng một số loại đất chuyên dụng sang đất ở lâu dài.
Bị cáo Tùng tại phiên tòa. Ảnh: An ninh thủ đô |
Theo báo Zing.vn, căn cứ vào tài liệu điều tra, năm 2009, thông qua người quen, bà Đáp (57 tuổi) và bà Tốt (55 tuổi, cùng ở huyện Thanh Trì) đến nhờ Tùng làm sổ đỏ.
Sau khi thu phí 500 triệu tiền đặt cọc của hai phụ nữ Tùng thuê một số người mang dụng cụ đo đạc và lập hồ sơ kỹ thuật. Ít ngày sau, anh ta yêu cầu các bị hại đưa thêm 500 triệu đồng để lo lót giấy tờ.
Thông tin từ báo Vnexpress, từ tháng 4 đến tháng 7/2009, Tùng tiếp tục vòi thêm 470 triệu đồng. Thấy Tùng nhiều lần thất hứa bà Đáp và bà Tốt đành phải đòi lại số tiền đã đưa. Nhưng đến tận năm 2014, hai người phụ nữ này mới đòi lại được hơn 600 triệu đồng. Hiện Tùng vẫn chiếm đoạt 870 triệu đồng của nạn nhân.
Tại phiên xét xử, bị cáo khai đã đưa tiền cho một số người để chạy sổ đỏ, song không có tài liệu chứng minh. Kết thúc phiên xử, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Nguyễn Thanh Tùng 12 năm tù, đồng thời buộc bị cáo phải khắc phục nốt số tiền còn chiếm đoạt cho bị hại.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Nam Nhi (tổng hợp)