(ĐSPL) - Việc cơ quan chức năng phát hiện một lượng lớn măng được ngâm, tạo màu bằng hóa chất công nghiệp lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn người sản xuất vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe cộng đồng...
Chiều 17/5, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận (thuộc Sở NN&PTNT Bình Thuận) phối hợp Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã bắt quả tang cơ sở chế biến măng của bà Dương Thị Lập (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) dùng hóa chất để tẩy rửa măng.
Tại cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện một số lượng lớn măng được ngâm trong các thau chậu cỡ lớn.
Một số lượng lớn măng được ngâm trong các thau chậu cỡ lớn. |
Qua kiểm tra, đoàn công tác phát hiện cơ sở kinh doanh này đang dùng chất tẩy công nghiệp và phẩm màu công nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến măng.
Theo chủ cơ sở cho biết, cơ sở này thu mua măng tươi với số lượng lớn từ tháng 7 đến tháng 9 của năm trước, rồi đem ngâm trong các thùng chứa để bán dần cho đến mùa măng năm sau. Do măng ngâm lâu thường bị chuyển sang màu đen rất khó bán, bà Lập đã dùng chất tẩy rửa công nghiệp để tẩy trắng măng, sau đó tiếp tục ngâm với phẩm màu công nghiệp để cho ra măng có màu vàng tươi bắt mắt!
Chất tẩy rửa công nghiệp được cơ sở bà Lập dùng để tẩy trắng măng. |
Mỗi ngày cơ sở của bà Lập bán ra thị trường khoảng 150 kg măng có 2 chất phụ gia trên, và thừa nhận việc tẩy trắng, nhuộm màu cho măng được thực hiện từ năm 2013 đến nay.
Thị trường tiêu thụ chính của cơ sở này chủ yếu tại chợ Phan Thiết.
Cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ tang vật vi phạm gồm các hóa chất, măng đã được tẩy rửa bằng hóa chất đồng thời cho giám định công thức hóa học của loại hóa chất trên để xử lý theo quy định.
Phẩm màu công nghiệp để tạo màu vàng đẹp mắt cho măng. |
Trước đó, ngày 24/9/2013, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Tây Ninh (PC49) tham mưu thành lập đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và đoàn đã tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến măng chua của ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, H.Châu Thành. Qua kiểm tra, phát hiện tại nhà ông Lâm có chứa gần 100 tấn măng chua nhưng ông Lâm không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc được cấp phép kinh doanh, sản xuất hay chế biến măng muối, cũng như không có hồ sơ về lĩnh vực môi trường hay an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và thu mẫu măng thành phẩm, nước ngâm măng, niêm phong theo quy định và gửi đi giám định tại Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3, TP.HCM. Thu mẫu nước thải gửi giám định tại Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng Tây Ninh. Kết quả, mẫu măng le muối thành phẩm có chứa 680 mg/kg a xít oxalic (H2C2O4), mẫu măng tre muối thành phẩm có chứa 61,4 mg/kg a xít oxalic, mẫu nước ngâm măng có chứa 45,5 mg/kg a xít oxalic. Kiểm định mẫu nước thải cho kết quả chất COD vượt 11 lần, BOD vượt 18 lần, Coliform vượt trên 48 lần mức cho phép.
Video: Măng chua được tẩy, nhuộm màu bằng hóa chất gây ung thư
Ngày 16/10/2013, PC49 đã mời các cơ quan chức năng họp bàn thống nhất tiến hành kiểm tra lại và niêm phong toàn bộ lô hàng măng muối chua tại nhà ông Lâm, đồng thời, tiếp tục thu mẫu theo từng lô hàng gửi đi trưng cầu giám định lần 2. Ngày 28.10.2013, Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3, TP.HCM trả lời kết quả giám định: 6/6 mẫu măng và nước ngâm măng đều có chứa a xít oxalic từ 59,9 mg/kg đến 710 mg/kg.
Ông Lâm cho biết số măng trên ông mua của bà Võ Thị Liễu, ngụ xã Tân Hội, huyện Tân Châu. Ngày 17/10/2013, PC49 kiểm tra cơ sở luộc măng của bà Liễu và thu mẫu gửi đi giám định. Kết quả giám định cho biết: ngoại trừ mẫu măng tre luộc, tất cả các mẫu nước luộc măng, măng le, măng lồ ồ luộc đều có chứa a xít oxalic hàm lượng từ 96,2 mg/kg đến 627 mg/kg. Bà Liễu khai số măng trên do bà mua lại của một số người dân Campuchia mang sang bán (!?).
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, a xít oxalic là hóa chất không có trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm; là hóa chất dùng trong công nghiệp, dùng nhiều nhất là để tẩy trắng trong sản xuất, tái chế giấy. Dùng lâu dài sản phẩm có chứa hóa chất a xít oxalic sẽ tác hại lên gan, thận và hệ tiêu hóa...
Theo bác sĩ Huỳnh Mai, khi đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của TP phát hiện bún có chứa 1 mg - 2 mg a xít oxalic/kg sản phẩm là đã thấy đáng lo ngại rồi. Đằng này, sản phẩm thực phẩm có chứa hàng chục đến hàng trăm mg a xít oxalic/kg là quá cao, quá lo ngại cho sức khỏe người sử dụng. Bởi, hàm lượng chất cấm này càng cao thì tính độc hại càng đáng sợ.
Trong các tham luận về tình trạng bún có chứa a xít oxalic gần đây, các chuyên gia ở TP.HCM còn cảnh báo, loại chất cấm này có nguy cơ gây ung thư rất cao nếu dùng lâu dài sản phẩm chứa a xít oxalic. Nó có thể tồn dư kết tủa tạo thành can xi oxalate gây tắc nghẽn đường niệu; với người lớn nếu uống trực tiếp từ 5 gr a xít oxalic sẽ tử vong.
Tác hại của chất tẩy trắng công nghiệp
Để hút mắt người tiêu dùng, nhiều người kinh doanh đã sẵn sàng ngâm, tẩm, tắm… phụ gia cho thực phẩm nhằm có được màu sắc như ý muốn. Nhưng cái lợi trước mắt đó đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của hàng triệu người tiêu dùng. Thực phẩm bị ngâm chất tẩy trắng có thể gây ra các triệu chứng từ đau bụng đến nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác như tiêu chảy, nôn mửa, sốt, đau bụng, và mất nước. Vi khuẩn có hại là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên các bệnh do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Theo thạc sĩ Phùng Văn Trung, Viện Công nghệ hóa học TP.HCM, các chất tẩy trắng được người kinh doanh lạm dụng là hóa chất công nghiệp cấm sử dụng trong thực phẩm bởi nó gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe con người. “Các hóa chất như Hydrogen Peroxide, Magnesium Sunlfate hay Sulfur Dioxide và Psychotrine… đều là những hóa chất công nghiệp mà người kinh doanh sử dụng nhiều nhất bởi những tác dụng tức thì của nó”- Thạc sĩ Trung cho biết.
PGS.TS Ngô Quốc Quyền, Viện Hóa học (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết, việc sử dụng hóa chất tẩy trắng một cách bừa bãi trong chế biến thực phẩm rất có hại cho sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, trong sản xuất, chế biến thực phẩm công nghiệp, công nghệ xử lý và kiểm soát việc sử dụng hóa chất rất chặt chẽ, với liều lượng nhất định và dư lượng hóa chất độc hại phải được khử sạch hoàn toàn trước khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Nếu sử dụng tùy tiện, không có hiểu biết cụ thể mà chỉ nghe người nọ mách bảo người kia thì liều lượng sử dụng sẽ không chuẩn, phương pháp làm sạch hóa chất cũng không đảm bảo và dư lượng hóa chất còn tồn đọng là điều chắc chắn, ẩn chứa những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. PGS.TS Quyền cũng khuyến cáo: “Không được phép sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm nếu chỉ vì mục đích đánh lừa thị giác và không kiểm soát được liều lượng cũng như cách thức sử dụng”.
Phẩm màu công nghiệp giá rất rẻ, không có nhãn mác, xuất xứ từ Trung Quốc. |
Tác hại của chất tạo màu công nghiệp
Các cơ sở chế biến thực phẩm chuộng phẩm màu hóa học (phẩm màu công nghiệp) vì chúng thường đem lại màu sắc đẹp cho món ăn, không bị bay màu trong quá trình chế biến và giúp cho món ăn bắt mắt, hấp dẫn hơn, không dễ bị hỏng.
Phẩm màu công nghiệp thường rất rẻ, chỉ khoảng 25.000-50.000 đồng/kg với loại không có nhãn mác xuất xứ từ Trung Quốc. Rất dễ mua các loại phẩm màu này, tất cả đều được bày bán tràn lan ở chợ, chúng còn dễ sử dụng và không bao giờ bị hư.
Các phẩm màu tổng hợp thường đạt độ bền màu cao, với một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra, nhưng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Nếu dùng thức ăn có nhuộm phẩm màu công nghiệp có nguy ngộ độc cao. Thậm chí, những tồn dư lâu dài của các chất này có thể là nguyên nhân khiến người sử dụng bị ung thư. Ngoài ra, các độc tính của phẩm màu công nghiệp còn có thể ảnh hưởng đến thần kinh. Một nhà nghiên cứu về dị ứng ghi nhận màu nhuộm sử dụng trong thực phẩm có thể gây ra chứng hiếu động thái quá và các thay đổi hành vi ở trẻ em cũng như người trưởng thành.
Ngọc Anh(Tổng hợp)