+Aa-
    Zalo

    Mắc suy tim nhưng ăn rất mặn, 3 ngày hết 1 chai nước mắm

    (ĐS&PL) - Chế độ ăn uống, sinh hoạt bất hợp lý đặc biệt dư lượng muối có thể đẩy người bị suy tim đến gần hơn với "cửa tử".

    Theo Vietnamnet, thông tin từ khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), vợ chồng anh L.V.T (47 tuổi, Tiền Giang) có một buổi trao đổi đặc biệt với bác sĩ Nguyễn Tất Đạt về bệnh tình của anh T..

    mac suy tim nhung an rat man 3 ngay het 1 chai nuoc mam dspl1

    Buổi trò chuyện của bác sĩ Nguyễn Tất Đạt và thân nhân, người bệnh suy tim. Ảnh: Vietnamnet

    Hai tuần trước, anh T. phải chuyển lên TP.HCM cấp cứu và điều trị vì suy tim. Từ chẩn đoán này, vợ chồng anh sẽ phải cẩn thận trong từng món ăn, từng loại thực phẩm cũng như phải tái khám đều đặn. Nếu chăm sóc không kỹ, anh T. có thể phải tái nhập viện, kéo theo nguy cơ tử vong tăng dần. 

    Đó là điều mà bác sĩ tim mạch rất lo ngại. Vì thế, bác sĩ Đạt luôn trả lời bất kỳ thắc mắc nào của các bệnh nhân suy tim trong căn phòng này. 

    “Ban đầu tôi chỉ mệt rồi khó thở đến không ngủ nổi, nhiều đêm phải ngủ ngồi. Lần đầu tiên mắc phải bệnh này nên lo lắm, những ngày qua đều ăn uống theo cơm bệnh viện cung cấp", anh T. nói.

    Một bệnh nhân suy tim khác là ông T.K.D (67 tuổi, Bình Phước), bị suy thận mạn nhiều năm qua. Mới đây, ông đột nhiên thấy khó thở và mệt, phải nhập viện huyện rồi chuyển lên TP.HCM. Người bệnh phải chạy thận cấp cứu trong 3 ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy rồi điều trị suy tim.

    “Nhiều năm qua chồng tôi ăn nhạt do mắc bệnh thận nhưng thỉnh thoảng lại thích ăn mì tôm. Bác sĩ vừa tư vấn mì ăn liền không tốt cho người suy tim suy thận, từ giờ tôi phải kỹ hơn”, bà Nguyễn Thị Hảo, vợ ông D. nói.

    Cùng nằm viện với 2 trường hợp trên là một bệnh nhân 70 tuổi, khá nổi tiếng ở khoa vì mức độ ăn mặn. Người này không chịu ăn theo suất ăn cung cấp cho bệnh nhân suy tim, chỉ ăn đồ bên ngoài mang vào.

    "Ông cụ ăn mặn đến mức một chai nước mắm cỡ nhỏ chỉ 3 ngày là hết sạch, con cái ngăn cản là bị mắng. Chúng tôi chăm bệnh xung quanh mà choáng váng”, bà Hảo kể.

    Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tất Đạt, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận, việc tuân thủ ăn uống là điều không dễ dàng với bệnh nhân. Chính anh cũng từng chứng kiến cảnh tương tự.

    “Tôi xếp hàng đi mua bánh mì trước cổng bệnh viện và gặp một bệnh nhân suy thận mạn. Anh ấy liên tục nhờ người bán đổ thêm nước tương cho đậm đà. Trớ trêu là ngay hôm trước, tôi đã dặn anh này phải ăn nhạt, giảm muối. Bệnh nhân suy thận rất dễ chuyển thành suy tim, kéo sức khỏe ngày càng đi xuống”, bác sĩ Đạt nói. 

    Thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống, đối với bệnh nhân bị suy tim, việc duy trì một lối sống lành mạnh, tránh gắng sức cũng như những xúc cảm quá mức là đặc biệt cần thiết.

    Theo ThS. BSCKII Lý Đức Ngọc, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E: Bệnh nhân suy tim cần giảm ăn mặn. Ngoài ra, người bệnh không uống quá nhiều nước để giảm tải cho tim, tùy theo tình trạng bệnh để cân bằng lượng nước hằng ngày.

    Bệnh nhân nên bỏ rượu, bỏ thuốc lá, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện nhẹ nhàng ở mức cho phép để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, góp phần làm giảm hoặc chậm lại quá trình suy tim.

    Ăn mặn làm tăng lượng muối vào cơ thể. Lượng muối tăng làm tăng thể tích tuần hoàn, gây phù và ứ dịch trong các khoang như ổ bụng, màng phổi.

    Vì vậy, bệnh nhân suy tim nên ăn nhạt, lượng muối ăn vào phải theo đúng chỉ định của bác sĩ.

    Nguyễn Linh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mac-suy-tim-nhung-an-rat-man-3-ngay-het-1-chai-nuoc-mam-a589007.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan