Sát thủ thầm lặng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lý tim thường gặp là tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, thiếu máu cơ tim do tổn thương động mạch vành, các bệnh lý về động mạch chủ hoặc động mạch ngoại biên. Bên cạnh đó, còn có bệnh lý hở van tim, tim bẩm sinh. Các tình trạng như suy tim, rối loạn nhịp tim cũng là tình trạng phổ biến có thể gây ra tử vong do bệnh tim mạch.
Thống kê từ WHO cho biết, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chiếm tới 31% số ca tử vong. Nguy hiểm hơn nữa, với tính chất diễn biến âm thầm, bệnh tim mạch thường được ví như “sát thủ thầm lặng”.
Trong khi đó, tần suất người dân mắc các bệnh lý về tim mạch đến khám, điều trị ngày càng cao và trẻ hóa.
Chị Nguyễn Thiên Trang, đến từ Hưng Yên, tuy mới chỉ 28 tuổi nhưng đã mắc bệnh suy tim, hiện đang điều trị tại bệnh viện Tim Hà Nội, bất ngờ hơn là triệu chứng tức ngực, khó thở, đến lúc đi khám và phát hiện bệnh chỉ trong vòng một tuần.
“Hiện tại tôi đang chẩn đoán là bị suy tim, lúc đầu là ho, tầm khoảng một tuần trước thì bắt đầu khó thở, cộng với tức ngực. Khi mà nằm xuống thì tôi không thể thở được bắt buộc phải ngồi dậy luôn”, chị Trang chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật.
Còn đối với anh Hoàng Mạnh Đạt, 20 tuổi đến từ Phú Xuyên Hà Nội, sau hai năm điều trị bệnh, anh Đạt và gia đình vẫn chưa hết bàng hoàng, chưa thể tin được mình mắc căn bệnh của “người già”.
“Từ khi có bệnh thì cuộc sống thay đổi rất là nhiều, ví dụ như ngày xưa làm việc vào buổi đêm thì bây giờ phải chuyển sang ban ngày để làm. Mình chỉ mới có 20 tuổi mà sức khỏe đã yếu như này thì sau này chắc sẽ khó lấy vợ”, anh Đạt cho hay.
Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam cho thấy, các bệnh lý về tim mạch đã cướp đi khoảng 200.000 sinh mạng người mỗi năm và cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều ở mức báo động.
Đưa ra ví dụ về tình trạng bệnh tim mạch đang dần trẻ hóa, BS Vũ Thị Nga, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: “Những năm gần đây tỷ lệ tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh lý mạnh vành...ngày càng gia tăng. Đặc biệt bệnh lý tim mạnh do xơ vữa thì thường xuất hiện ở những bệnh nhân trên 50 tuổi, còn ngày nay bệnh đã xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hơn rất nhiều”.
Nhiều nguyên nhân gây bệnh
Lý giải về tình trạng này, theo bác sĩ Vũ Thị Nga nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạnh phần lớn là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường.
“Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày. Tuy nhiên, mỗi người trưởng thành tại Việt Nam tiêu thụ tới 9,4g muối/ngày, cao gần gấp 2 lần so với khuyến nghị. Chúng ta không nên chủ quan và nên giảm muối đi một nửa trong các bữa ăn để đề phòng các bệnh lý tim mạnh”, bà Vũ Thị Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể bị căng thẳng lớn. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi. Lối sống gấp gáp, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều.
Một trái tim khỏe mạnh là điều kiện tất yếu giúp chúng ta có thể có được một cuộc sống có chất lượng cao và đảm bảo được những hoạt động sống cần thiết. Chính vì vậy, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh, khoa học, giữ huyết áp ổn định giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng bệnh tim mạch tốt hơn.
Phòng tránh bệnh tim mạnh
Để phòng tránh bệnh tim mạch, Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã đưa ra 10 lời khuyên sau đây: Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn; Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên; Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác;
Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên; Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả;
Tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng, chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn; Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở; Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc;
Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh; Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).
Nông Thảo Ly