+Aa-
    Zalo

    “Luật sư của người nghèo” kể chuyện bào chữa cho người vợ lỡ tay đoạt mạng chồng thoát án tử

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với tâm niệm đem trí tuệ, kinh nghiệm trong nghề giúp đỡ cộng đồng, luật sư Bùi Trọng Hiển trở thành luật sư cho người nghèo, gia đình chính sách từ lúc nào không rõ.

    Với tâm niệm đem trí tuệ, kinh nghiệm trong nghề giúp đỡ cộng đồng, luật sư Bùi Trọng Hiển trở thành luật sư cho người nghèo, gia đình chính sách từ lúc nào không rõ. Anh đã giúp chị nông dân mù chữ, đôi vợ chồng già thương binh, người phụ nữ nhiều năm chịu cảnh bị bạo hành thoát án tử... Đó là những kỷ niệm không thể quên trong quá trình hành nghề của luật sư Bùi Trọng Hiển.

    Tấm bảng hiệu với dòng chữ lớn “Bào chữa miễn phí cho người nghèo” tại văn phòng của luật sư Hiển - Ảnh: Hà Nguyễn

    Luật sư của người nghèo

    Văn phòng làm việc của luật sư Bùi Trọng Hiển, Giám đốc công ty luật Bùi Trọng Hiển (quận Bình Thạnh, TP.HCM), đoàn Luật sư TP.HCM thật đặc biệt. Bất cứ ai nếu đã gặp một lần sẽ không thể quên hoặc nhầm lẫn với các văn phòng luật khác bởi tấm bảng đề dòng chữ “Bào chữa miễn phí cho người nghèo” được treo ngay trước cửa ra vào. Luật sư Hiển cho biết, đó không phải hình thức quảng cáo mà là cách để những người nghèo, người không có điều kiện tìm luật sư đến gần anh hơn.

    Luật sư Hiển chia sẻ: “Từ lúc còn học trường Luật đến khi hành nghề luật sư, tôi luôn nhận thấy người dân còn hạn chế kiến thức về pháp luật. Hơn nữa, từ trước đến nay, đa phần người dân khi vướng vào vòng lao lý, họ không có luật sư giúp đỡ thậm chí không có khái niệm luật sư. Thành ra, khi ra tòa, họ gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, tôi nghĩ rằng, mình có kiến thức được học ở trường và kinh nghiệm khi đã hành nghề nên sẽ giúp đỡ để họ có được người bảo vệ quyền lợi chính đáng. Tôi thấy đó cũng là một cách để tôi góp chút sức lực cho xã hội, cộng đồng. Thay vì làm từ thiện, tôi lấy kiến thức luật pháp và trí tuệ của mình để giúp đỡ người nghèo, người trong diện chính sách”.

    Khi tìm được hướng đi cho riêng mình trên con đường bảo vệ công lý, cho nên lúc được một người phụ nữ yếu thế nhờ giúp đỡ, anh háo hức nhận lời. Luật sư Hiển nói, người phụ nữ này ở huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) và có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Khi mẹ chị mất, chị mới có được căn nhà. Tuy nhiên, người anh trai của chị lại tham lam, chiếm đoạt luôn căn nhà.

    Vị luật sư kể: “Trước khi mẹ của chị này qua đời, bà có chia ruộng vườn, đàn gia súc cho người con trai là anh ruột của chị. Sau đó, bà viết di chúc để lại căn nhà bà đang ở cho con gái. Tuy nhiên, sau khi bà mất, anh này ăn chơi, tiêu tán hết tài sản. Bằng cách nào đó, anh ta chiếm đoạt ngôi nhà mà mẹ anh ta đã viết di chúc để lại cho em gái”.

    Bị mất nhà, biết tin luật sư Hiển thường xuyên giúp đỡ miễn phí cho người nghèo, chị này lặn lội xuống TP.HCM tìm anh. “Lần đầu gặp tôi, chị ấy khóc nhiều lắm. Khóc vì uất ức và vì bị chính người anh ruột chiếm đoạt căn nhà do mẹ chị để lại. Khi biết tôi nhận lời giúp đỡ, chị ấy cũng khóc vì vui sướng dù chưa biết vụ việc có thành công hay không. Tôi nhớ vụ án ấy cũng kéo dài qua nhiều lần sơ thẩm, phúc thẩm. Cuối cùng, với những bằng chứng không thể chối cãi, tôi giúp đỡ thành công. Nghe tòa tuyên, chị ấy vui mừng, hạnh phúc đến đỗi quên mất mình đang ở chốn pháp đình. Chị chạy đến chỗ tôi ôm hôn tôi trước phiên tòa. Chứng kiến cảnh tượng ấy, HĐXX ai cũng ngạc nhiên”, luật sư Hiển kể.

    Trong những vụ án luật sư Hiển giúp đỡ người nghèo, người thuộc diện chính sách, nhiều lần anh bỏ cả tiền túi của mình ra để làm việc. Vị luật sư quan niệm: “Không đặt nặng vấn đề kinh tế khi giúp đỡ người nghèo. Giúp được một ai đó thì mình đã góp một chút gì đó cho xã hội tốt đẹp hơn”.

    Cứu người phụ nữ lỡ tay đoạt mạng chồng thoát án tử

    Một trong những vụ án khác mà luật sư Hiển cho rằng, những quan điểm của mình đã thực sự chạm đến tình cảm của người dân là lần bào chữa cho bị cáo bị tuyên án tử hình.

    Đó là phiên tòa lưu động xét xử nam bị cáo với tội danh giết 2 người. Bị cáo từ ngoài Bắc vào Bình Dương làm công nhân. Vì mới đến vùng đất xa lạ, anh ta luôn có cảm giác bị hà hiếp nên luôn mang theo dao bên mình. Trong lần xích mích, ẩu đả với nhóm bạn nhậu, anh này bỏ chạy. Phát hiện vụ việc, 1 anh dân phòng đuổi theo, ôm anh này. Thấy vậy, nam thanh niên trên hoảng loạn, rút dao quơ lung tung và trúng vào tim khiến nạn nhân tử vong. Sau đó, anh dân phòng thứ hai tiếp tục đuổi theo nam thanh niên và cũng bị người này cầm dao quơ trúng chân. Vết thương trúng vào động mạch chủ gây mất máu cấp khiến nạn nhân tử vong.

    Phiên xét xử diễn ra tại sân vận động nên có rất nhiều người dân đến dự. Khi nghe vị đại diện VKS đọc cáo trạng, người dân hết sức phẫn nộ với tội ác của bị cáo. Khi vị này đề nghị HĐXX tuyên bị cáo án tử hình, người dân hoan nghênh bằng việc đồng loạt vỗ tay tán dương.

    Sau đó, luật sư Hiển và đồng nghiệp nêu quan điểm nên tuyên bị cáo mức án nhẹ hơn là chung thân. Lúc này, người dân im lặng. Họ đợi chờ những lập luận của phía luật sư về việc xin giảm án cho bị cáo. Luật sư Hiển phân tích: “Tôi lập luận rằng, có những tình tiết cho thấy, bị cáo không mong muốn giết người và thực hiện việc giết người trong sự phòng vệ chính đáng...”.

    Trong vụ án này, dù quan điểm bào chữa ấy có tác động được đến trái tim người xem phiên tòa nhưng theo pháp luật, vì tội đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo vẫn phải nhận án tử hình. Song cũng có vụ án, luật sư Hiển tìm ra được trọng điểm để giúp người mang án tử được giảm nhẹ hình phạt.

    Đó là vụ án mà luật sư Bùi Trọng Hiển bào chữa cho nữ bị cáo sát hại chồng. Anh kể, bị cáo là vợ của một người đàn ông nát rượu, vũ phu. Mỗi khi có rượu, người này luôn vô cớ đánh đập, hành hạ vợ một cách tàn bạo. Lần này cũng vậy, sau khi nhậu say, anh ta trở về nhà lúc nửa đêm, yêu cầu vợ ra mở cửa bằng những lời chửi rủa, đe dọa. Vì trước đó, bị đánh đập nhiều, người vợ sợ hãi, không ra mở cửa. Chị ta biết, khi chồng vào được bên trong, chắc chắn chị sẽ chịu một trận đòn thừa sống thiếu chết.

    Luật sư Hiển phân tích: “Lúc người chồng ở ngoài cửa, người vợ ở bên trong cánh cửa, cầm hung khí đe dọa với mục đích không cho ông chồng xông vào. Tuy nhiên, người chồng vẫn đẩy cánh cửa xông vào thì vô tình ngã vào người của chị vợ. Lúc đó, ngoài đường không có đèn nên anh ta ngã trúng vào hung khí mà chị vợ đang cầm trên tay dẫn đến tử vong. Sau đó, chị này bị truy tố tội Giết người với khung hình phạt cao nhất. Tôi chứng minh rằng hành vi của bị cáo không phải cố ý giết người vì trước đó, người chồng đã nhiều lần đánh đập bị cáo rất dã man và lần này cũng tiếp tục như vậy”.

    “Nếu vào được nhà, anh ta cũng sẽ đánh bị cáo. Do đó, bị cáo cầm hung khí chỉ là mục đích tự vệ, mục đích chính là hù dọa để người chồng không vào nhà. Tuy nhiên, khi anh này tông cửa vào thì vấp ngã và ngã trúng vào hung khí của người vợ đang cầm chứ không phải bị cáo cố ý sát hại nạn nhân. Sau đó, HĐXX xem xét và đồng ý với quan điểm trên của tôi nên giảm án cho bị cáo từ tử hình xuống chung thân”, luật sư Hiển kể thêm.

    Hà Nguyễn

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 8

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-cua-nguoi-ngheo-ke-chuyen-bao-chua-cho-nguoi-vo-lo-tay-doat-mang-chong-thoat-an-tu-a308857.html
    Luật sư tìm lại mùa xuân cho thân chủ

    Luật sư tìm lại mùa xuân cho thân chủ

    Đối mặt mức án 20 năm tù về tội Trộm cắp tài sản, anh Ký rơi vào tình cảnh bế tắc. Đúng lúc khó khăn ấy, luật sư Tạ Văn Phú vào cuộc và lục lại toàn bộ căn cứ buộc tội.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Luật sư tìm lại mùa xuân cho thân chủ

    Luật sư tìm lại mùa xuân cho thân chủ

    Đối mặt mức án 20 năm tù về tội Trộm cắp tài sản, anh Ký rơi vào tình cảnh bế tắc. Đúng lúc khó khăn ấy, luật sư Tạ Văn Phú vào cuộc và lục lại toàn bộ căn cứ buộc tội.