Trong cuộc trò chuyện với Tạp chí ĐS&PL nhân dịp đầu Xuân mới, Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi là trải lòng về hành trình phục dựng nghệ thuật thêu cung đình và cơ duyên đưa ông gắn bó với những đường kim, mũi chỉ để tạo nên những tuyệt tác.
ĐS&PL: Chào nghệ nhân Vũ Văn Giỏi! Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề phục dựng nghệ thuật thêu trang phục cung đình và gắn bó cho tới tận bây giờ?
- Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi: Thực ra, nghề phục dựng trang phục cung đình là nghề gia truyền nổi tiếng của làng Đông Cứu. Cụ tổ Lê Công Hành chính là người đã truyền nghề cho bà con trong làng. Là hậu duệ của gia đình có 6 đời gắn bó với nghề này, nên tôi được làm quen với đường kim, mũi chỉ, họa tiết từ tấm bé.
Lớn lên, khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, tôi quay về làng mở xưởng mộc và hỗ trợ gia đình thêu ỷ môn (bức rèm che trước bàn thờ) để mang lên phố cổ bán. Nhưng, một biến cố xảy đến với gia đình, khiến mọi thứ đảo lộn. Năm ấy, bố tôi ốm nặng rồi qua đời, nhưng trước đó, ông lỡ nhận hợp đồng may trang phục biểu diễn cho một đoàn cải lương và đang làm dở, tiền công cũng đã nhận gần hết. Không còn cách nào khác, tôi phải gạt hết công việc khác để gấp rút hoàn thiện hợp đồng cho bố và muốn giữ uy tín cho gia đình. Lạ thay, càng tìm hiểu, mày mò, tôi càng mê đường kim, mũi chỉ, họa tiết trên những trang phục cổ xưa của các triều đại. Cũng vì muốn lưu giữ truyền thống của gia đình nên tôi quyết định gắn bó với nghề cho đến nay cũng đã gần 40 năm. Nghề này đối với tôi có lẽ vừa là cái duyên, vừa là cái nghiệp của mình.
ĐS&PL: Để phục dựng một trang phục cung đình thì cần bao nhiêu thời gian và phải trải qua những công đoạn nào, thưa ông?
- Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi: Thứ nhất là mình phải dành thời gian tìm hiểu, tìm kiếm tài liệu. Thứ hai là phải biết được lề lối mà các cụ ngày xưa thêu vì nghệ thuật cung đình thêu cho Vua, Chúa rất là khắt khe và ngặt nghèo, đòi hỏi sự chính xác trong từng đường kim, mũi chỉ. Hàng trăm, hàng nghìn mũi kim phải như nhau và có một nguyên tắc, chứ không phải như nghề thêu bây giờ là người thợ, người nghệ nhân tự do sáng tác. Nên thời gian để lên kế hoạch chuẩn bị và thực tập phục dựng một trang phục có thể là phải ấp ủ không những một năm, hai năm mà còn lên đến vài năm. Thậm chí, có những trang phục phải làm đi làm lại nhiều lần.
Đã có những lúc tôi phải bỏ đi hơn 20 chiếc áo cung đình do nhiều lỗi khác nhau, lúc do màu chỉ không chuẩn, khi thì mũi thêu không đạt… Mà đấy mới chỉ được coi là giai đoạn "thử nghiệm" để dần rút kinh nghiệm cho những tác phẩm sau này.
ĐS&PL: Trong suốt những năm tháng theo nghề, đâu là những kỷ niệm đặc biệt nhất với nghệ nhân?
- Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi: Gần 4 thập kỷ gắn bó với nghề phục dựng trang phục cung đình, ngoảnh nhìn lại hành trình ấy giống như một cuốn hồi ký, có nhiều kỷ niệm rất đặc biệt. Một trong số đó là về việc đi trao đổi và truyền dạy nghề. Cá nhân tôi từng mang nghệ thuật thêu trang phục cung đình sang Ấn Độ. Tôi cảm thấy vui vì các bạn ở Ấn Độ rất đam mê về nghệ thuật thêu cung đình trang phục của Việt Nam, bởi nó có sự uyển chuyển và tạo nên hiệu ứng rất đẹp.
ĐS&PL: Trong quá trình phục dựng trang phục cung đình, nghệ nhân đã gặp phải khó khăn gì?
- Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi: Khó khăn lớn nhất trong việc phục dựng là rất nhiều tài liệu về nguyên liệu, cách làm bị thất truyền, nên tôi phải mày mò từng tý để tìm lại. Ví dụ như chỉ, bây giờ công nghiệp hóa, người ta bán sẵn nhiều loại chỉ nhưng nó không đúng với chủng loại, không đúng với chất liệu. Tôi phải đi đến các làng nghề và tìm các cụ đã từng làm thời xưa để hỏi lại, ghi chép, hành trình này cực kỳ vất vả và khó khăn. Tìm được loại chỉ ưng ý không thôi chưa đủ, tới công đoạn nhuộm chỉ cũng kỳ công không kém. Tôi phải đun huyết than, đứng giữa nắng để làm sao cho ra màu sắc chuẩn và chính xác nhất.
Chưa kể, ảnh tài liệu tham khảo về trang phục của các triều đại hầu hết là ảnh đen trắng, thậm chí còn có những ảnh không nhìn rõ được hoa văn, họa tiết. Trong khi đó, đã là phục dựng thì phải làm cho đúng 1:1, nên nếu không hiểu ra được những họa tiết, hoa văn đó thì cũng không thể làm được. Cũng may là trong quá trình phục dựng, với sự đam mê và nhiệt huyết, cuối cùng tôi cũng tìm được những nguyên liệu đúng như chỉ số của các trang phục đã được bảo lưu.
ĐS&PL: Ngoài phục dựng trang phục cung đình, nghệ nhân còn làm gì khác để duy trì niềm đam mê với nghề thêu?
- Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi: Tôi dành 70% thời gian của mình cho phục dựng, còn 30% tôi dành để làm những công việc khác như: sản xuất những trang phục phục vụ tâm linh (khăn chầu, áo ngự); các bộ trang phục phục vụ cho lễ hội, trình diễn; nghiên cứu phát triển nghệ thuật thêu ứng dụng vào mảng thời trang; thêu tranh phong thủy trang trí nội thất… Chính những điều này đã đem nghệ thuật thêu cung đình thời xưa đến gần hơn với mọi người và nuôi dưỡng niềm đam mê của tôi.
XEM THÊM: Độc đáo những phiên chợ chỉ họp một lần vào dịp Tết Nguyên đán
ĐS&PL: Có nhận định rằng, nghề thêu đang ngày càng bị mai một và bị công nghiệp hóa bằng những chiếc máy thêu, trang phục thêu không còn những nét thêu tỉ mỉ, mềm mại như ngày xưa nữa. Là một nghệ nhân, ông nghĩ sao về điều này?
- Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi: Tôi nghĩ, do nhu cầu của thị trường và điều kiện của những người sử dụng chỉ cần vậy, nên nghề thêu bây giờ bị công nghiệp hoá cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, cá nhân tôi mấy chục năm tâm huyết với cảm thấy khá buồn vì những nét thêu thủ công tinh xảo đang bị thất truyền. Bởi, những nét thêu ấy thứ nhất là rất mất công, thứ hai lâu công, thứ ba là giá trị của nó cao. Nhiều yếu tố cộng lại khiến nghề thêu đang dần bị mai một. Tất nhiên, nó không mất đi nhưng nó sẽ bị phai nhoà dần vì công nghệ hóa nhiều quá.
ĐS&PL: Cảm ơn Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi về cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa!
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi sinh năm 1969 ở thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Tp.Hà Nội. Ông là người duy nhất ở Việt Nam nắm giữ hồn cốt nghệ thuật thêu cung đình, kỹ thuật thêu hội tụ tinh túy nhất của nghề thêu. Hơn 4 thập kỷ gắn bó với nghề, ông đã nhận được nhiều giải thưởng từ cấp thành phố cho đến cấp Bộ, cấp Nhà nước. Trong đó, thành tựu lớn nhất là bằng khen và dân được Chủ tịch nước danh hiệu Nghệ nhân Nhân phong tặng vào năm 2016. |
Lê Vân (Thực hiện)
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 10 số từ 32-41 (6/2 đến 17/2/2024)