+Aa-
    Zalo

    Độc đáo những phiên chợ chỉ họp một lần vào dịp Tết Nguyên đán

    (ĐS&PL) - Đi chợ ngày đầu xuân năm mới còn là một phong tục cổ truyền tốt đẹp của người Việt từ thời xa xưa, để cầu một năm mới bình an, may mắn. Những ngày này, một số địa phương có tục mở những phiên chợ độc đáo chỉ họp đúng một lần vào dịp Tết.

    Đối với người Việt Nam, chợ không chỉ là nơi buôn chốn bán mà còn là không gian văn hoá, nơi gắn bó mật thiết với đời sống của biết bao thế hệ. Đặc biệt, đi chợ ngày đầu xuân năm mới còn là một phong tục cổ truyền tốt đẹp của người Việt từ thời xa xưa, để cầu một năm mới bình an, may mắn. Những ngày này, một số địa phương có tục mở những phiên chợ độc đáo chỉ họp đúng một lần vào dịp Tết.

    Trong những phiên chợ ấy, người bán không đặt nặng việc lời lãi, chỉ mong bán nhanh lấy cái may cho việc làm ăn năm mới. Còn người mua thì mong cầu được cái lộc đầu năm với những mong ước tốt lành.

    Có lẽ vì thế mà những phiên chợ Tết thực sự đã thoát lên khỏi sự buôn bán tục trần mà trở thành một điểm hẹn văn hoá giao thoa giữa bao đời, bao vùng miền, đậm đà bản sắc dân tộc.

    Chợ Cưới (Vĩnh Phúc)

    Đây là chợ phiên đặc biệt của người dân tộc ở xã Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc họp vào ngày 25 tháng Chạp.

    Trai gái trong bản làng kéo tới đây rất đông, có cả bố mẹ hoặc ông bà đi theo để chứng kiến lời giao ước của họ. Họ có thể đã yêu nhau, hoặc đến chợ mới làm quen và tìm hiểu nhau.

    Chợ Cưới là một kiểu chợ tình ở miền núi. Nhiều lứa đôi đã nên vợ nên chồng ngay trong phiên chợ đặc biệt này.

    Chợ Viềng (Nam Định)

    doc dao nhung phien cho chi hop mot lan vao dip tet nguyen dan 1
    Độc đáo những phiên chợ chỉ họp một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Vietnamnet.

    Chợ Viềng là phiên chợ cầu may nổi tiếng ở Nam Định. Ở đây có đến 4 phiên chợ Viềng nhưng nổi tiếng là là chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, họp từ đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

    Vì là phiên chợ cầu may có tiếng trong cả nước, chợ Viềng tập trung khách thập phương tứ xứ mỗi dịp Tết đến xuân về.

    Tại chợ Viềng, người ta bán đủ loại mặt hàng, từ thịt trâu, thịt bò, dụng cụ sản xuất đến cây giống, đồ cúng lễ… một số đồ dùng cũ nhưng vẫn còn nguyên vẹn cũng được bày bán.

    Ở phiên chợ này có tục không kì kèo mặc cả, như thể sự mua bán ở đây mang một ý thức tâm linh nào đó. Người bán không cần lời lãi, người mua chẳng cần được hơn. Dù chỉ trao đổi được một vật nhỏ thì người bán kẻ mua cùng đều hỉ hả vui mừng.

    Chợ Đồng (Hà Nam)

    Nhà thơ Nguyễn Khuyến từng viết:

    "Tháng Chạp, 24, chợ Đồng

    Năm nay, chợ họp có vui không?"

    Chợ Đồng thuộc làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - quê hương nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ. Để kỷ niệm công đức của tiền nhân, dân làng đã tổ chức họp phiên chợ Đồng vào ngày 24 tháng Chạp hằng năm. Chợ được tạm họp trên cánh đồng khô ráo ở đầu làng.

    Hầu như tất cả mọi người trong làng đều đến chợ. Họ đi chợ để bán, để mua, để chúc mừng nhau khi năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.

    Đặc biệt, nhiều người đến chợ để tham gia hội thi thơ nhân dịp Tết. Ai có bài thơ hay, trúng giải thì được cùng các bô lão trong làng "nếm rượu tường Đền" - một loại rượu đặc sản rất ngon

    Chợ Chuộng (Thanh Hoá)

    Chợ Chuộng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên vào mùng 6 Tết tại xã Ðông Hoàng, huyện Ðông Sơn, Thanh Hóa. 

    Nét độc đáo của chợ Chuộng là ai đến chợ bị nhiều cà chua ném vào người thì năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, có nhiều lộc nhiều tài. Vì thế, tại phiên chợ thường bán rất nhiều cà chua chín đỏ.

    doc dao nhung phien cho chi hop mot lan vao dip tet nguyen dan 2
    Độc đáo những phiên chợ chỉ họp một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Infonet.

    Chợ Lượn (Cao Bằng, Lạng Sơn)

    Trong dịp Tết Nguyên Đán, ở một số chợ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn.

    Nam thanh, nữ tú đến chợ mua bán là phụ, mà hát lượn là chính. Hát lượn là điệu hát trữ tình để nam nữ bày tỏ tình cảm với nhau. Họ hát say sưa, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tan chợ.

    Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng từ chợ Lượn một phiên này.

    Chợ Gò (Bình Định)

    Chợ Gò (ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chỉ họp duy nhất vào mùng 1 Tết và mang đậm nét văn hóa miền đất võ Bình Định. 

    Mặt hàng bày bán ở chợ Gò không đa dạng như ở nhiều chợ khác, chủ yếu là cây nhà lá vườn của những cư dân quanh vùng nuôi trồng được. Nét đẹp của phiên chợ Gò là người bán không hề nói thách còn người mua cũng không trả giá.

    Chợ Âm Dương (Bắc Ninh)

    Chợ Âm Dương còn được biết đến với cái tên chợ Gà được mở một lần duy nhất vào đêm ngày mùng 4, rạng ngày mùng 5 ở làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

    Chợ Âm Dương đặc biệt từ cái tên đến nơi dựng chợ cũng như mặt hàng buôn bán. Gọi là chợ, nhưng chỉ là một bãi đất trống, không có lều, quán cũng không sử dụng đèn, nến, càng không có sự ồn ào, náo nhiệt đặc trưng của nơi buôn chốn bán. Chợ chỉ bán gà mái đen và vàng mã.

    doc dao nhung phien cho chi hop mot lan vao dip tet nguyen dan 3
    Độc đáo những phiên chợ chỉ họp một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh sưu tầm.

    Người đi chợ chỉ đề cầu may, trút bỏ muộn phiền chứ không nhằm mục đích mua bán. Ngày nay, chợ Âm Dương đã khác nhiều. Mặt hàng được bày bán đa dạng hơn, người đi chợ cũng tự do thoải mái hơn. Nhưng truyền thống tổ chức họp chợ vào ban đêm vẫn được duy trì.

    Chợ Đình Cả (Hải Dương)

    Chợ Đình Cả (thuộc xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) chỉ họp một năm duy nhất một lần vào sáng mùng 2 Tết. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và sự đổi thay của làng quê, phiên chợ độc đáo này vẫn được duy trì.

    Bên cạnh những mặt hàng quen thuộc phục vụ đời sống hàng ngày, chợ còn bán muối và trầu cau để những nam thanh nữ tú có cơ hội tìm được duyên lành trong năm mới. Người đến chợ du xuân đều muốn mua ít nhất một món đồ nhỏ.

    Chợ Bích La (Quảng Trị)

    Chợ đình Bích La (tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) được xem là phiên chợ đặc biệt bởi chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm, từ tối mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết.

    Nét độc đáo của phiên chợ này là người bán không bao giờ nói thách nên người mua cũng không bao giờ trả giá. Chợ khá đa dạng mặt hàng nhưng chủ yếu là những sản vật của địa phương. Ai đến chợ cũng cố mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn.

    doc dao nhung phien cho chi hop mot lan vao dip tet nguyen dan 4jpg
    Độc đáo những phiên chợ chỉ họp một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh sưu tầm.

    Chợ Gia Lạc (Thừa Thiên - Huế)

    Chợ Gia Lạc, còn gọi là phiên chợ Hoàng gia, có từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Chợ chỉ họp mỗi năm một phiên, vào ba ngày Tết, với nhiều món ăn cung đình và đặc sản của các địa phương.

    Đầu xuân, đi chợ Gia Lạc đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Huế. Họ đi chợ cốt mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ, sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian để thử vận đầu năm. Khi đi chợ, người ta không nói từ “mua, bán” mà thay vào bằng từ “biếu, tặng”.

    Chợ đình Phong Lôi (Thái Bình)

    Phiên chợ này một năm chỉ họp duy nhất một lần, vào ngày mùng 2 Tết. Phiên chợ được tổ chức tại sân đình Phong Lôi Tây (xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), được duy trì hàng chục năm qua. Chợ chỉ bán đồ chơi cho trẻ em. Khách hàng của phiên chợ độc đáo này toàn là trẻ em. 

    Chợ Mục Đồng (Vĩnh Phúc)

    Tại xã Yên Thư, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có chợ dành riêng cho "mục đồng" vào ngày 28 tháng Chạp hằng năm.

    Sáng ngày 28, trẻ "mục đồng" mặc quần áo mới rủ nhau đi họp chợ. Cũng như người lớn, các em bày bán đủ loại mặt hàng như gà vịt, mũ nón, bánh trái...

    Như Quỳnh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-nhung-phien-cho-chi-hop-mot-lan-vao-dip-tet-nguyen-dan-a608667.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan