Long bào của vua được khâu và thêu bằng chỉ vàng, đính các loại đá quý ở nhân gian. Long bào của vua dù có mặc mười mấy năm cũng không bao giờ được giặt. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Thứ nhất, tất cả quần áo và vật dụng trong cung đều được đem đến tập trung giặt tại Hoán Y Cục. Làm việc giặt giũ tại Hoán Y Cục đều là những người có thân phận vô cùng thấp kém. Tấm áo long bào của Hoàng đế là thứ y phục tôn quý nhất trong thiên hạ, nếu tùy tiện đem cho những người có thân phận "không tương xứng" giặt giũ, sẽ đồng nghĩa với việc sỉ nhục sự tôn nghiêm của Hoàng gia.
Để thể hiện sự tôn quý bậc nhất, long bào nếu mặc bẩn rồi sẽ không tiếp tục được sử dụng nữa, mà lệnh cho người dưới làm một chiếc mới hoàn toàn.
Thứ hai, việc chế tác một chiếc long bào vô cùng phức tạp. Để làm ra một chiếc long bào cũng phải mất ít nhất vài năm. Bất cứ thứ quần áo nào dùng trong cung cũng đều có những quy định chặt chẽ về màu sắc, chất liệu, hình thêu… Long bào cũng không ngoại lệ.
Tùy vào từng triều đại mà thiết kế và hình thêu trên áo cũng khác nhau, nhưng có một điều không thay đổi, đó là những thứ được thêu và gắn trên áo đều vô cùng quý giá. Chỉ dùng để may long bào cũng là chỉ vàng hoặc chỉ bạc. Do đó không thể tùy tiện dùng nước để giặt, sẽ rất dễ làm hỏng áo.
Long bào, biểu tượng quyền lực không bao giờ được giặt giũ. |
Thứ ba, tần suất sử dụng long bào vô cùng thấp. Như trên đã nhắc, Hoàng đế chỉ mặc long bào vào những dịp đại lễ của đất nước, không phải ngày nào cũng mặc. Bình thường thượng triều, không nhất thiết phải mặc long bào. Tính ra một năm Hoàng đế cũng chỉ mặc áo long bào có vài lần.
Tuổi thọ của một chiếc long bào là rất dài bởi toàn dùng những chất liệu cao cấp như tơ, lụa, gấm... cộng với việc tần suất sử dụng thấp nên một chiếc long bào có thể mặc mười mấy năm là điều hết sức bình thường.
Chưa kể tới việc, Hoàng đế không phải chỉ có duy nhất một chiếc long bào. Long bào cũng chia ra làm nhiều chủng loại và có quy định nghiêm ngặt trong trường hợp nào thì mặc áo nào. Đẳng cấp cao nhất, dùng trong những buổi lễ quan trọng nhất và chỉ có vua mới được dùng đó là mũ miện và áo cổn.
Áo dùng thường ngày để thượng triều gọi là áo biện. Áo biện thì các bậc Thân vương, Thái tử, Quận vương đều có thể mặc, có điều là hình thêu trên áo của vua sẽ khác với hình thêu trên áo của các vị Vương tôn ấy.
Thứ tư, về cơ bản long bào không bị bẩn. Long bào chỉ là tấm áo khoác mặc bên ngoài, bên trong Hoàng đế còn phải mặc thêm áo khác. Hơn nữa, Hoàng đế thường trong những trường hợp cố định mặc đúng loại áo long bào nhất định, thậm chí có những ngày thay tới vài bộ áo long bào là chuyện bình thường.
Việc cất giữ áo long bào và việc thay áo cho vua đều do những người chuyên môn đảm nhiệm và cẩn thận hầu hạ, tránh được việc bảo quản không cẩn thận mà gây tổn hại hay cũ rách. Số lần mặc ít, thời gian mặc ngắn, khả năng làm bẩn cũng thấp. Tất nhiên, nếu áo bị bẩn quá thì chỉ có một cách duy nhất đó là bỏ đi không dùng nữa, và thay vào đó là một chiếc áo mới hoàn toàn.
Ngoài ra, long bào được định kỳ dùng cồn để lau hoặc dùng hương liệu để xông, tránh được hư hỏng và giữ cho áo luôn được sạch sẽ, cũng tương tự như việc giặt khô lễ phục ngày nay.
Việt Hương (T/h)