Theo phong tục từ xưa, con gái người Mông trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các thiếu nữ được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa, từ những công đoạn giản đơn đến phức tạp, từ những chi tiết nhỏ đến cách nhuộm những tấm áo chàm đã bị bạc màu; tự tay thêu, may những bộ quần áo của mình để mặc lúc ở nhà, đi chợ, đám cưới, lên nương, chơi hội xuân... Nhìn vào quần áo là mọi người biết được người con gái, người phụ nữ đó có khéo léo hay không.
Để hoàn thành một bộ váy áo công phu, mỗi người phụ nữ phải mất 2-3 năm. Tất cả các khâu từ cắt may, ghép vải thành hoa văn, thêu trang trí, gắn tua sợi hay len màu, đính hạt cườm… đều làm thủ công. Hoa văn trang trí được xếp đặt rất sáng tạo, chỉ bằng vài mảnh vải nhỏ hình tam giác, hình mặt trời, hình hoa đào hoặc hoa thảo quả được ghép với nhau là có thể tạo ra những hình thể mới đa dạng, độc đáo hơn... Ngoài các họa tiết ở trang phục, thì khăn quấn đầu cũng được trang trí bằng các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ.
Đối với phụ nữ dân tộc Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang), ngoài những lúc lao động trên nương rẫy, ngoài ruộng, khi về nhà họ lại chăm chỉ với những đường kim, mũi chỉ để thêu, dệt để làm nên những bộ trang phục với nhiều hoa văn độc đáo, tinh tế, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình. Việc gìn giữ và phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống đối với họ trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống, góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.
Để tạo việc làm cho bà con, đặc biệt là phụ nữ, từ tháng 7/2021 Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã phối hợp với Công ty TNHH Babeeni Việt Nam tỉnh Hải Dương tổ chức mở 2 lớp dạy nghề thêu cho trên 50 học viên là các chị em của Hội phụ nữ thị trấn. Công ty TNHH Babeeni tiến hành cung cấp công cụ, vật liệu thêu và cử 3 giảng viên phụ trách lớp học. Các học viên được nghe giảng lý thuyết và được thực hành thêu trên vật liệu ngay sau đó.
Mỗi khóa học diễn ra trong thời gian từ 20 – 25 ngày; trong thời gian học, các học viên được hướng dẫn tận tình cả về lý thuyết và công việc thực hành. Sau khi tốt nghiệp, các học viên đều có tay nghề thêu tốt, được cấp Chứng chỉ và được tham gia lao động tại Công ty Babeeni Việt Nam. Các sản phẩm thêu của chị em đều được cán bộ của Công ty Babeeni chỉ bảo, giám sát và thu mua.
Chị Thò Thị Chở, dân tộc Mông, giảng viên của lớp tập huấn do Phòng Lao động – Thương binh xã hội huyện tạo điều kiện cho đi học thêu tại Công ty Babeeni từ năm 2020 cho biết: “Trước đây, tôi cũng như các chị em phụ nữ thị trấn chủ yếu dựa vào công việc làm nương rẫy, thu nhập thấp nên thường thiếu đói khi giáp hạt. Từ khi được huyện cho đi học nghề thêu, tôi thấy đây là nghề rất phù hợp với các chị em phụ nữ và là công việc cho thu nhập cao so với nghề làm nương truyền thống. Vì vậy, sau khi học nghề, tối rất phấn khởi được trở thành giảng viên giúp chị em dân tộc mình có tay nghề thêu để nâng cao thu nhập”.
Xác định lưu giữ được nghề truyền thống không chỉ là một trong nét văn hóa của đồng bào dân tộc mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Giang đã phối hợp với nhiều đơn vị để mở lớp đào tạo, mời nghệ nhân truyền dạy nhằm đa dạng thêm sản phẩm. Từ những tấm vải chủ yếu dùng để phục vụ sinh hoạt, sản phẩm của chị em phụ nữ nơi đây giờ còn trở thành hàng hóa được quảng bá rộng rãi tới các vùng, miền và du khách nước ngoài.
Phóng viên