+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 3/1: Phát hiện bị cùng lúc 2 bệnh ung thư từ 1 dấu hiệu khi ăn

    (ĐS&PL) - Phát hiện bị cùng lúc 2 bệnh ung thư từ 1 dấu hiệu khi ăn; Tự chế pháo, bé trai 10 tuổi nhập viện… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 3/1.

    Phát hiện bị cùng lúc 2 bệnh ung thư từ 1 dấu hiệu khi ăn

    Theo tạp chí Tri Thức, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) cho biết, ông P.V.D. (64 tuổi, ngụ Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng ăn uống kém, suy kiệt. Trước đó, ông D. có thời gian ăn uống kém kèm nuốt nghẹn kéo dài suốt nửa năm.

    Tình trạng nuốt nghẹn ngày càng tăng dần, kèm theo đi tiêu ra máu, người bệnh lo lắng nên đến Bệnh viện Nguyễn Trãi thăm khám. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện ông có khối u thực quản 1/3 giữa và u trực tràng.

    Sau khi sinh thiết, kết quả cho thấy người bệnh bị ung thư thực quản và ung thư trực tràng. Bác sĩ chỉ định cắt thực quản, tạo hình thực quản bằng dạ dày, đồng thời cắt trực tràng và nạo hạch bằng phương pháp nội soi.

    Sau mổ, bệnh nhân được tập ăn lỏng từ ngày thứ 5, rút hết các ống dẫn lưu ở ngày thứ 7. Vết mổ đã lành, bệnh nhân giảm đau và ăn được, tiêu tiểu tự chủ.

    Vết mổ của người bệnh đã lành, bệnh nhân giảm đau và ăn được, tiêu tiểu tự chủ. Ảnh: Tri Thức

    Vết mổ của người bệnh đã lành, bệnh nhân giảm đau và ăn được, tiêu tiểu tự chủ. Ảnh: Tri Thức

    Bác sĩ Tiến cho hay trường hợp ông D. rất đặc biệt khi không may bị ung thư ở hai vị trí khác nhau trên đường tiêu hóa là thực quản và trực tràng. Điều trị đồng thời hai loại ung thư là thử thách lớn đối với các bác sĩ.

    "Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, cân nhắc giữa việc loại bỏ hoàn toàn khối u và bảo tồn chức năng các cơ quan rất quan trọng. Bác sĩ phải tính đến tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra an toàn và hiệu quả", bác sĩ Tiến chia sẻ.

    Ung thư đường tiêu hóa là bệnh nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Bác sĩ Tiến khuyến cáo mọi người nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người trên 45 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, béo phì.

    Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân ung thư cần tầm soát sớm và chú ý các triệu chứng như khó nuốt, đau bụng, đi cầu phân máu để khám kịp thời. Sự chủ động phòng ngừa, tầm soát giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng sống.

    Tự chế pháo, bé trai 10 tuổi nhập viện

    VTV Times đưa tin, ngày 2/1, bác sĩ CKII Phạm Đình Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho hay, bệnh viện mới tiếp nhận thêm một trường hợp vào viện điều trị do pháo nổ.

    Bệnh nhi B.G.N. (10 tuổi, trú tại phường Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) vào viện chiều 1/1, trong tình trạng có nhiều vết thương phức tạp. Bàn tay trái mất xương, bong điểm bám gân nhiều đốt; bệnh nhi còn bỏng da mi, bỏng kết mạc mắt bên trái, xây xát nhiều nơi vùng mặt.

    Các bác sĩ của Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng đã mổ cấp cứu cắt lọc, khâu mỏm cụt, khâu vết thương, kết hợp xương bằng đinh. Hiện tại, bệnh nhi đang được kiểm tra, theo dõi vùng mắt trái.

    Mẹ bệnh nhi cho biết, bệnh nhi tự mua thuốc nổ trên mạng về nhà tự chế pháo và gây nổ.

    Tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Ảnh minh họa

    Tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Ảnh minh họa

    Trước đó 10 ngày, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng cũng tiếp nhận bệnh nhi N.V.V. (14 tuổi, trú tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vào viện trong tình trạng đa chấn thương nặng ở tay, chân, mặt, tổn thương vùng tai trái và thủng màng nhĩ trái do tai nạn pháo nổ tự chế.

    Sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, hiện nay các vết thương vùng tay, mặt của bệnh nhi tạm ổn. Tuy nhiên, tổn thương vùng tai trái và màng nhĩ trái khá nặng nên bệnh nhi vẫn đang được theo dõi để có hướng điều trị tiếp theo.

    Ngày 18/12/2024, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng tiếp nhận bệnh nhi T.G.H. (9 tuổi, trú tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vào điều trị tại bệnh viện trong tình trạng bị thương ở bàn tay trái do chế tạo pháo.

    Vào dịp giáp Tết Nguyên đán hàng năm, tại các bệnh viện trong nước nói chung và tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nói riêng tiếp nhận nhiều trường hợp bị thương do pháo nổ, đa số bệnh nhân ở độ tuổi từ 10 - 16 tuổi, tự chế pháo để chơi Tết. Tuy các em được cấp cứu kịp thời, nhưng những tổn thương do pháo gây ra sẽ để lại di chứng, có trẻ có thể khó phục hồi hoặc mất luôn chức năng tại các vùng tổn thương.

    Theo bác sĩ CKII Phạm Đình Thành, tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần, nên khi hóa chất phát nổ, dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực...

    Vết bỏng nặng gây nhiễm trùng và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân, thậm chí ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe và tính mạng.

    Do vậy, rất cần sự quản lý nghiêm của phụ huynh và truyền thông giáo dục của nhà trường để các em hiểu, nâng cao nhận thức và tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra.

    Phẫu thuật cho cụ bà bị viêm ruột thừa cấp trên nền bệnh tim nguy hiểm

    Theo thông tin từ Bệnh viện E, cụ bà 88 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng quanh rốn lan dần xuống vùng hố chậu phải kèm khó thở, mệt mỏi kéo dài…

    Sau những kết quả các xét nghiệm chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ xác định cụ bà mắc viêm ruột thừa cấp - một tình trạng cần can thiệp khẩn cấp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn, các bác sĩ phát hiện cụ bà còn mắc thêm bệnh lý viêm dính, tràn dịch màng tim - một bệnh lý nguy hiểm có thể gây suy tim cấp, đe dọa tính mạng.

    Trước tình hình nghiêm trọng này, các bác sĩ của khoa Phẫu thuật tiêu hóa đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa: Tim mạch, Tiêu hóa, Gây mê hồi sức và Hồi sức tích cực… nhằm tìm ra phương án điều trị tối ưu nhất cho bà cụ.

    Sức khỏe của cụ bà đang hồi phục và dần ổn định. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

    Sức khỏe của cụ bà đang hồi phục và dần ổn định. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

    Rất nhanh chóng, với chuyên môn nghiệp vụ cao, các bác sĩ Trung tâm tim mạch của bệnh viện đã tiến hành xử lý vấn đề dịch màng ngoài tim trước cho người bệnh để tránh các biến chứng về tim mạch.

    Song song đó, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiêu hóa cũng lên phương án phẫu thuật. Do cụ bà 88 tuổi không đủ sức chịu đựng một ca mổ mở truyền thống, các bác sĩ đã lựa chọn phương án phẫu thuật nội soi để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. 

    Đặc biệt, phẫu thuật nội soi với thời gian thực hiện nhanh gọn sẽ làm giảm áp lực lên hệ tim mạch - yếu tố quan trọng trong bối cảnh người bệnh đang mắc tràn dịch màng tim vì thời gian gây mê dài có thể làm tăng nguy cơ suy tim hoặc rối loạn nhịp tim. Sau 2 tiếng phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã giành lại được sự sống cho bệnh nhân. Hiện sức khỏe của cụ bà đang hồi phục và dần ổn định, theo báo Phụ Nữ Việt Nam.

    TS.BS. Nguyễn Hữu Hoài Anh - Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện E nhấn mạnh, việc phát hiện và điều trị kịp thời viêm ruột thừa là rất quan trọng, bởi nếu không được phẫu thuật kịp thời, người bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, thậm chí gây tử vong.

    Tuy nhiên, với những ca bệnh có bệnh lý nền, như trường hợp cụ bà 88 tuổi mắc tràn dịch màng tim dẫn đến quá trình phẫu thuật trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi sự chuẩn bị đặc biệt và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như ngoại khoa, tim mạch và hồi sức.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-3-1-phat-hien-bi-cung-luc-2-benh-ung-thu-tu-1-dau-hieu-khi-an-a495868.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan