Tổng quan về cây rau khúc
Cây rau khúc còn có tên gọi khác là Phật nhĩ thảo, thanh minh thảo. Cây có tên khoa học là Gnaphalium indicum, thuộc họ Cúc.
Cây khúc mọc thành từng cụm đứng với chiều cao từ 20 - 30cm. Toàn thân của cây được bao phủ lớp lông trắng như len. Lá của cây có dạng hình mũi mác với đầu hơi nhọn, mọc so le nhau. Chiều dài của lá rơi vào khoảng 4 - 6cm và rộng từ 0.5 - 0.8 cm. Mặt dưới và trên của lá đều được bao phủ bởi lớp lông len, có gân giữa nổi rất rõ. Hoa của rau khúc nở thành cụm tại ngọn thân với các cánh màu vàng nhỏ khoảng 2mm. Quả hình dạng trứng và có các hạch nhỏ. Thông thường, cây sẽ ra hoa kết quả vào khoảng tháng 3 - 5.
Đây là loại rau ưa thích sống trong môi trường ẩm ướt như ruộng cát, ven đường, mương, hồ nước hay các ruộng ngũ cốc,...
Lá khúc nếp dùng làm bánh khúc, lá khúc tẻ dùng làm thuốc.
Khúc nếp mập hơn, lá to bản và nhiều lông hơn. Hoa khúc nếp tạo thành từng chùm, không lẻ tẻ rời rạc như khúc tẻ. Thân cây khúc nếp nhỏ hơn, màu bạc hơn so với thân cây khúc tẻ xanh mướt.
Cây rau khúc nấu xôi có tác dụng gì?
Theo Đông y, rau khúc vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc, đi vào kinh Phế. Cây có tác dụng hóa đàm, trừ phong hàn. Chúng còn được dùng chữa ho nhiều đờm, suyễn thở, cảm lạnh phát sốt, đau gân cốt, bạch đới, ung thũng…
VTC News dẫn lời Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, rau khúc giúp:
Chữa cảm lạnh phát sốt: Dùng toàn cây rau khúc khô 15 - 20g. Sắc nước uống trong ngày.
Chữa ho nhiều đờm: Rau khúc khô 15 - 20g, Đường phèn 15 - 20g. Sắc nước uống trong ngày.
Chữa viêm họng, hen suyễn nghẹt đờm: Rau khúc khô 30g, Gừng 10g, Hành hoa 10g. Sắc uống.
Chữa viêm phế quản, suyễn thở do lạnh: Rau khúc khô 15g, Hoàng giới tử 15g, Tiền hồ 09g, Vân vụ thảo 09g, Thiên trúc tử 12g, Tề ni căn 30g. Sắc nước uống trong ngày, liên tục 5 ngày. Nói chung cần uống hàng tháng mới thấy rõ tác dụng.
Chữa tăng huyết áp: Rau khúc 30g, Lá dâu 20g. Nấu canh ăn hàng ngày.
Chữa gân cốt sưng đau, chân gối sưng thũng: Toàn cây rau khúc 30 - 60g sắc nước uống trong ngày.
Chữa thống phong (bệnh gút): Lá và cành non cây rau khúc giã nát đắp vào những chỗ sưng đau.
Chữa phù thũng do tỳ hư (chức năng tiêu hóa suy yếu): Toàn cây rau khúc khô 60g, sắc nước uống trong ngày.
Chữa khí hư bạch đới: Rau khúc 15g, Phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 15g, Đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 15g, Thổ ngưu tất 12g sắc nước uống trong ngày. Chú ý: Không uống trong những ngày đang hành kinh, có thể gây rong huyết.
Chữa nhọt đầu đinh mới mọc: Lá rau khúc tươi trộn với cơm nguội và vài hạt muối đắp lên nhọt.
Chữa ngộ độc đậu tằm (đậu răng ngựa, đậu la hán): Rau khúc khô 60g, Xa tiền thảo (Bông mã đề) 30g, Phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 30g, Nhân trần 15g. Nước 1.200ml, sắc cạn còn 800ml hòa thêm đường vào uống thay trà trong ngày.
Lưu ý: Ngoài cây rau khúc nói trên, còn có một loài rau khúc khác (Gnaphalium multiceps Wall), cây cao hơn, hoa hình đầu màu vàng. Cũng được dùng làm thuốc với cùng tác dụng.
Rau khúc được nhiều người săn lùng
Theo Dân Việt, trên thị trường, rau khúc nếp có giá khoảng 60.000 đồng/kg, còn rau khúc tẻ có giả khoảng 40.000 đồng/kg. Theo nhiều người bán, rau khúc nếp làm bánh ngon và thơm hơn, nhưng hái rất lâu và khan hiếm.
Rau khúc sau khi mua về có thể được bảo quản để ăn dần bằng cách sấy khô hoặc cấp đông. Loại rau sấy khô cũng bán sẵn trên thị trường, với giá khoảng 50.000 đồng/lạng. Ngoài ra, chị em có thể dùng bột rau khúc có giá khoảng 90.000-100.000 đồng/túi 100g.
T.D(T/h)