+Aa-
    Zalo

    Lo ngại bùng phát dịch sởi và nguy cơ lây chéo trong gia đình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những ngày gần đây, số bệnh nhân sởi nhập viện có xu hướng tăng, trong đó có nhiều người lớn.

    Tại TP.HCM, trong tuần đầu tiên của năm 2019, đã ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không có ca nào. Được biết, năm 2018, các cơ sở y tế ở miền Bắc ghi nhận hơn 5.000 ca sốt phát ban nghi mắc sởi, tăng 17 lần so với năm 2017. Những ngày gần đây, số bệnh nhân sởi nhập viện có xu hướng tăng, trong đó có nhiều người lớn.

    Đi chăm con, mẹ mắc luôn

    Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai, trong thời gian ngắn, Khoa tiếp nhận hàng chục trường hợp mắc sởi ở người lớn. Vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, Khoa chỉ tiếp nhận khoảng 10 trường hợp người lớn mắc sởi nhưng chỉ trong 2 ngày gần đây, Khoa đã tiếp nhận đến 8 ca, nhiều trường hợp nặng, một số có biến chứng, trong đó có 2 thai phụ do chưa tiêm phòng.

    Thông tin từ trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nếu trong tháng 8/2018 bệnh viện chỉ có 1 ca mắc sởi, con số này đã tăng lên nhanh chóng 119 ca trong tháng 11 và tháng cuối năm 2018 là 226 ca nhập viện. Hiện tại ở TP.HCM có 65 bệnh nhân đang điều trị nội trú, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Dự báo số ca nhập viện do bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

    Hình ảnh dịch bệnh sởi ở trẻ em năm 2014. Ảnh minh họa

    BS.CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, khuyến cáo 2019 là năm chu kỳ dịch sởi sau 4 năm bùng phát vào 2014. Do đó, người dân không nên chủ quan khi người bên cạnh mắc bệnh sởi. Theo đó, bệnh nhân 3, 4 ngày đầu phát hiện bệnh có thể điều trị ngoại trú và theo dõi cách ly tại nhà. Trong gia đình khi có người thân mắc sởi, cả nhà nên mang khẩu trang y tế khi tiếp xúc, rửa tay, chân sạch sẽ và bổ sung vitamin C. “Bệnh nhân tuần đầu phát ban nên hạn chế ra đường và tiếp xúc với người ngoài để tránh lây lan và chỉ nên nhập viện điều trị khi có biến chứng”, bác sĩ Hoa nói.

    Người lớn thường chủ quan trong lúc chăm con nên cuối cùng cũng nhập viện do bệnh sởi cùng con mình. Mới đây, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 3 gia đình lây bệnh sởi cho nhau rồi vào điều trị cùng lúc. Theo PGS. Cường, không chỉ trẻ em, bất cứ ai chưa có miễn dịch, chưa được tiêm phòng đều có thể mắc sởi. Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy... Người dân cần phân biệt bệnh sởi với ban do dị ứng (phát ban từng mảng, dạng mề đay, ngứa) và phát ban trong các bệnh khác (như tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng...). Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin 3 trong 1 (sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này. Với trẻ em, độ tuổi tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 khi trẻ 18 tháng. Tuy nhiên, thực tế mấy năm qua cho thấy, nhiều trẻ mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm chủng, tức là dưới 9 tháng tuổi. Do vậy, bộ Y tế đang nghiên cứu để có thể đưa ra quyết định tiêm sớm vắc xin sởi từ khi trẻ 6 tháng tuổi.

    Bà bầu mắc sởi, nguy cơ sảy thai, đẻ non

    Theo các bác sĩ, khi nhiễm sởi, bà bầu có thể bị bội nhiễm do hệ miễn dịch suy giảm và từ đó dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu... Đặc biệt, viêm phổi sẽ hết sức nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến việc hô hấp của cơ thể người mẹ, gián tiếp ảnh hưởng đến thai nhi. Khi mắc sởi bà bầu thường có dấu hiệu sốt cao, điều này sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Trong buồng tử cung nhiệt độ luôn ở mức cao hơn cơ thể người mẹ từ 1-1,5 độ C. Bệnh sởi sẽ ảnh hưởng tới thai nhi tuỳ theo thời điểm mà người mẹ nhiễm sởi. Trong ba tháng đầu bị sởi nguy cơ thai nhi dị dạng hoặc sảy thai rất cao, sinh con nhẹ cân hoặc thậm chí dị tật. Trong ba tháng giữa nguy cơ dị dạng thai ít hơn, nhưng vẫn có thể gây thai lưu, sảy thai. Ba tháng cuối nguy cơ gây dị dạng thai không cao nhưng có thể khiến mẹ bầu phải đẻ non hoặc thai chết lưu.

    Trong thời gian mang bầu, sức đề kháng của cơ thể mẹ thấp nên rất dễ nhiễm vi khuẩn, virus, đặc biệt là khi có dịch sởi. Mà dịch sởi có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy, thai phụ không nên chủ quan mà cần phòng ngừa sởi ngay từ thời điểm trước khi mang thai. Việc phòng tránh sởi vô cùng đơn giản, trước tiên là bà mẹ nên tiêm phòng sởi trước khi mang thai. Vì vắc xin ngừa sởi được chế tạo từ những vi khuẩn sống nên mẹ bầu cần tiêm trước thời điểm dự định mang thai ít nhất là ba tháng. Điều đó sẽ giúp cho cơ thể mẹ tạo ra đầy đủ kháng thể chống virus sởi.

    P.L
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 11
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-ngai-bung-phat-dich-soi-va-nguy-co-lay-cheo-trong-gia-dinh-a259898.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan