Sởi là căn bệnh có tính cảm nhiễm rất cao, một người chưa từng mắc sởi, không được tiêm văcxin thì gần như 100% sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Hà Nội
Báo cáo tình hình dịch bệnh từ ngày 23-29/7/7 của Sở Y tế Hà Nội do Phó giám đốc Hoàng Đức Hạnh ký ban hành cho biết, so với năm ngoái số mắc tăng gấp nhiều lần nhưng chưa có trường hợp nào tử vong. Bệnh có xu hướng tăng nhiều trong các tháng gần đây; xảy ra tại 30/30 quận huyện; tập trung tại các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm... Nhóm mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi (69%), trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất.
Bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát tại Hà Nội. |
“Hầu hết trẻ chưa được tiêm ngừa văcxin hoặc tiêm chưa đầy đủ. Trong đó có nhiều trẻ dưới 9 tháng chưa đến lịch tiêm chủng đã mắc bệnh do miễn dịch mẹ truyền cho con không đủ”, TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết.
Cũng theo TS Nguyễn Nhật Cảm, hiện các ca mắc sởi mới rải rác, chưa ghi nhận các ổ dịch lớn. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch là hoàn toàn có thể. Ngay từ đầu năm các chuyên gia đã dự báo điều này.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi sớm nhất
Cần lưu ý những dấu hiệu nhận biết bệnh sởi. |
Khi bị nhiễm sởi, sau giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng 7 ngày - 2 tuần, bệnh nhân thường có những triệu chứng thường gặp sau đây:
- Lúc mới khởi bệnh trẻ thường bị sốt cao, khi dấu hiệu sốt thuyên giảm sẽ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phát ban đặc trưng của sởi.
- Ban sởi rất đặc trưng: lúc đầu ban nổi ở sau tai, sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và lan ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.
Bệnh sởi có tính cảm nhiễm cao. |
- Ngoài ra, trẻ bị mắc sởi thường có một số triệu chứng kèm theo như: chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt, đôi khi trẻ bị tiêu chảy vì tình trạng viêm long đường tiêu hóa.
Hòa Lê/VietQ.