Một trong những nội dung trong Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng quy định, người nào sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng.
Theo thông tin trên báo Vnexpress, Cơ quan soạn thảo đang lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng.
Khoản 4 điều 90 dự thảo quy định, người nào sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Nếu truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức cá nhân khác, mức phạt tăng thành 30-50 triệu đồng.
Nếu cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân, người vi phạm bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng.
Lập tài khoản mạng xã hội giả mạo sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng - Hình minh họa |
Mức phạt 20-30 triệu đồng áp dụng với người tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan (trừ trường hợp pháp luật quy định). Đây cũng là mức phạt với hành vi miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tuyên truyền chống Nhà nước; Xuyên tạc sự thật lịch sử, xúc phạm dân tộc... bị phạt tới 100 triệu đồng
Theo báo An ninh thủ đô, cũng theo Dự thảo Nghị định, tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; Cung cấp bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; Cung cấp thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Đặc biệt, một trong các hành vi: Tuyên truyền chống Nhà nước; Xuyên tạc sự thật lịch sử, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Cung cấp thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em sẽ bị phạt tiền từ 70-100 triệu đồng.
Liên quan đến vấn nạn tin nhắn rác, trong trường hợp nhà mạng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác; Không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác sẽ có nguy cơ bị phạt tiền tới 40 triệu đồng/1 hành vi.
Cấm tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ... Theo báo Vietnamplus, Luật Trẻ em sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/6/2017 và sẽ có những quy định chi tiết hơn trong việc bảo vệ trẻ em. Theo đó, khoản 11, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định hành vi “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em” bị cấm. Theo quy định của luật, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em. Đặc biệt, khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và của riêng trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên. Trong Luật Trẻ em, khoản 3, điều 52 cũng quy định rõ kế hoạch hỗ trợ, can thiệp quy định. Theo đó, đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan lao động-thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế. Trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp là trẻ em đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm họặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chính là người gây tổn hại cho trẻ em. Đặc biệt, việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin về việc trẻ em bị xâm hại, bảo hành, bỏ rơi…. |
Tổng hợp