+Aa-
    Zalo

    Từ 1/7, đăng ảnh trẻ em trên 7 tuổi lên mạng phải xin phép

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ ngày 1/7, Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồn

    Từ ngày 1/7, Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên...

    Theo Nghị định 56/2017 có hiệu lực từ ngày 1/7, hình ảnh cá nhân, kết quả học tập, tình trạng sức khỏe trẻ em thuộc bí mật đời sống, muốn đăng trên mạng phải được phép của cha mẹ đứa trẻ.

    Điều 33 quy định, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em phải được bảo vệ trên môi trường mạng. Nó bao gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

    Nhằm bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng, Nghị định quy định:

    - Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên... Những cơ quan này phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

    - Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

    Những trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng cần được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp.

    Điều 35 quy định, bảo đảm an toàn cho trẻ trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng; các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động, cung cấp dịch vụ trẻ em trên môi trường mạng phải có trách nhiệm:

    - Bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

    - Có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.

    - Cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

    - Có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử.

    - Xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, các công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

    Trong trường hợp trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng, điều 37 của NĐ cũng quy định rõ các biện pháp can thiệp, hỗ trợ như sau:

    Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.

    Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

    Đăng ảnh trẻ em lên mạng xã hội mà không xin phép là vi phạm pháp luật?

    Theo thông tin trên báo An ninh thủ đô, liên quan đến quy định trên, có không ít người băn khoăn: “Phải chăng cứ đăng ảnh trẻ em lên mạng xã hội mà không xin phép là vi phạm pháp luật?” Giải đáp thắc mắc này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc đăng tải hình ảnh trẻ em chỉ bị nghiêm cấm trong một số trường hợp hình ảnh đó mang tính chỉ trích, bôi nhọ, xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm, gây ảnh hưởng xấu tới tương lai của trẻ (ảnh trẻ bị đánh đập, nhục mạ, không mặc quần áo…). Ngoài ra, việc đăng những thông tin cá nhân của trẻ (trường, lớp, lịch học hay địa chỉ nhà, đặc điểm nhận dạng cá nhân…) lên mạng xã hội cũng bị hạn chế nhằm tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng những thông tin này để xâm hại tình dục hay bắt cóc trẻ.

    Có thể nói, hành vi đăng tải hình ảnh của trẻ em chỉ được xem là vi phạm pháp luật khi gây ra hậu quả. Việc xử lý đối với hành vi này không chỉ căn cứ vào Luật trẻ em năm 2016, mà còn căn cứ vào các quy định khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự. Khi xác định có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Giải thích quy định về độ tuổi của trẻ “từ đủ 7 tuổi trở lên”, luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên đã có thể tự đưa ra quyết định, nguyện vọng của cá nhân trong các vụ việc có liên quan.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-17-dang-anh-tre-em-tren-7-tuoi-len-mang-phai-xin-phep-a190539.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan