"Chúng ta đặt tên cho con đều có mục đích của mình. Tôi đặt tên như vậy vì mong con thành vĩ nhân, cũng đâu có luật nào cấm đặt tên như thế”, lão nông miền Tây nói.
Tên lạ làm khó cán bộ tư pháp
Đó là câu chuyện của ông Đỗ Văn Hảo (50 tuổi), ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Ông Hảo đọc nhiều, biết nhiều những vĩ nhân trong nước và thế giới. Trong đó, nhân vật mà ông thích nhất là vị Chủ tịch nước Cuba, Phidel Castro.
“Tui khoái ông này ở chỗ tính tình ông trung can, nghĩa khí. Tư tưởng thì giỏi giang, vĩ đại hơn người. Lúc chưa có con, tui đã mong sau này con mình sẽ được như ông ấy, không thì chỉ cần bằng một nửa thôi là tui toại nguyện rồi”, ông Hảo nói.
|
Ông Hảo và đứa con trai có cái tên lạ. |
Năm 30 tuổi, ông Hảo mới lập gia đình. Đến năm 1995, đứa con trai đầu lòng ra đời trong thiếu thốn. Đã xác định trước, ông đến ủy ban xã làm giấy khai sinh cho con với cái tên Đỗ Phi ĐenCacstrô. “Lẽ ra phải viết là Phiden Castro mới đúng. Nhưng cán bộ tư pháp không biết phải viết như thế nào nên viết thành Cacstrô, đưa thêm chữ “c” vào nên nhìn mất hay. Lúc đó tôi cũng không để ý, sau này mới biết viết sai thì không sửa được nữa rồi”.
Vợ ông Hảo cho biết: “Tui không biết ông “Các trô” là ai, chỉ nghe chồng nói ông này là một lãnh tụ vĩ đại ở nước ngoài. Thấy chồng cương quyết quá, cái tên cũng ngồ ngộ nên tôi cũng không có ý kiến gì. Miễn sao là con lớn khôn, học hành thành tài là tôi vui rồi”.
Từ khi con còn bé, ông Hảo và vợ đã gọi tên con đúng như trong khai sinh. Tên trong giấy có vẻ lằng nhằng, ông gọi tắt là “Các trô”. Bà con hàng xóm lúc đầu thấy lạ cũng bàn ra tán vào nhưng riết rồi thành quen. Người ta gọi con ông là “Các trô” mà không biết cái tên này có ý nghĩa gì.
Ông Hảo cười khà khà: “Một số người không biết vị chủ tịch Cuba kia cũng phải. Ông ở cách mình nửa vòng trái đất chứ ít gì. Chúng ta đặt tên cho con đều có mục đích của mình. Tôi đặt tên như vậy vì mong con thành vĩ nhân, cũng đâu có luật nào cấm đặt tên như thế”.
Người ta, tên Tây
Gần 20 năm từ khi cái tên lạ được khai sinh, đến nay đứa con của ông Hảo đã lớn khôn, 19 tuổi, khôi ngô. Không phụ lòng cha mẹ mong mỏi, Cacstrô hiện đang học năm 2 một trường đại học ở TP HCM.
Cacstrô cho biết: “Lúc nhỏ, em không để ý cái tên của mình lắm. Nhưng khi học đến lớp 3, thấy cô giáo thắc mắc, bạn bè cũng hỏi thăm nhiều, em mới biết mình có một cái tên lạ. Nhưng bây giờ em thấy thích nó, em tự hào vì mình có cái tên lạ do cha mẹ đặt. Cha mẹ mơ ước em trở thành người tài giỏi, em sẽ cố gắng hoàn thành tâm nguyện ấy”.
Chàng trai kể thêm, lúc nhỏ, cậu từng đem thắc mắc cái tên lạ nói với cha. Ông Hảo xoa đầu con kể về vị chủ tịch nước Cuba và gửi gắm ước mơ vào con trai. Lớn lên một chút, Cacstrô tự tìm sách báo để tìm hiểu về vị chủ tịch kia.
“Em cũng giống như cha, thích ở vị chủ tịch này tư tưởng hơn người... Càng nghĩ, em càng thấy tự hào về cái tên của mình”, Cacstrô chia sẻ.
|
Chứng minh nhân dân ghi tên Đổ Phi ĐenCacstrô (thực ra họ Đỗ, nhưng viết sai chính tả thành Đổ) |
Chưa dừng lại ở cái tên độc cho con trai, hai năm sau đứa con gái ra đời, ông Hảo lại quyết định khai sinh cho con cái tên không kém phần độc, lạ.
“Tôi chỉ nhớ mang máng cái tên này mình đọc trong một cuốn sách. Hình như là trong một tác phẩm văn học Pháp. Thấy tên hay, tôi ghép với họ chữ lót của ông bà mình rồi đặt cho con là Đổ Thị Ty Sô. Cái tên này không hẳn khó đọc, khó viết như đứa con trai nên ít bị người khác để ý hơn”, ông Hảo nói. Cô gái Ty Sô hiện đang theo học ngành y sĩ ở một trường Cao đẳng ở Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Có phạm luật?
Khi Quốc hội bàn vấn đề có nên ban hành luật về đặt tên riêng, ông Hảo và đứa con có cái tên vĩ nhân lại giật mình thon thót.
Ông Hảo lập luận: “Điều 26 Bộ luật Dân sự quy định "Công dân có quyền đối với họ, tên. Họ tên của một người được xác định theo tên khai sinh của người đó". Còn đối với đăng ký khai sinh trong nước, luật không có quy định nào về vấn đề đặt tên con. Như vậy luật không cấm thì tôi có quyền đặt tên con tùy ý”.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Anh, Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam thì lại khuyến cáo: “Cha mẹ có quyền đặt tên cho con. Tuy nhiên, quyền đặt tên cho con thì cũng phải đi cùng với nghĩa vụ tuân thủ quy định tại Điều 8 Bộ luật Dân sự: “Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam".
Theo quy định trên, rõ ràng một tên riêng của cá nhân được đặt mà thiếu tiêu chí giữ gìn bản sắc dân tộc, hay không phát huy được truyền thống tốt đẹp thì cán bộ hộ tịch có quyền từ chối đăng ký khai sinh đối với tên này. Người bị từ chối nếu không đồng ý thì dùng quyền khởi kiện ra toà án. Toà án là cơ quan có thẩm quyền cuối cùng kết luận một cái tên trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể có được phép đặt hay không.
Lão nông lại cười khà khà: “Bao giờ nhà nước bảo tôi đi sửa tên cho hai đứa con thì tôi mới đi. Còn không hai cái tên này sẽ đi theo con cái tôi đến suốt đời”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lao-nong-mien-tay-va-kieu-dat-ten-con-doc-la-a71041.html