Dọc các con đường dẫn vào làng đại học Thủ Đức, phường Linh Trung, quận Thủ Đức (TP HCM) cứ cách vài chục mét hoặc có khi vài mét, người ta lại nghe những tiếng hô vang “một… hai… ba… dzô”, “Trăm phần trăm”… phát ra từ những quán nhậu gần đó. Giữa làng đại học là một “làng nhậu” đang… trên đà phát triển, quán mới chen quán cũ, mọc lên như nấm sau mưa mà quán nào cũng ăn nên làm ra, khách đông nườm nượp. Thượng đế ra vào í ới gọi bia, thuộc làu thực đơn.
“Sinh viên mà, vui được bao lâu mà kiêng cữ. Ra trường còng lưng đi làm, thời gian đâu mà nhậu”, là lý giải của Đức, sinh viên ĐH Bách khoa TP HCM khi được hỏi thói quen nhậu chiều của mình.
Nữ sinh viên cũng "cạn chén" chẳng thua kém. |
Chuyện ghi ở một góc quán nhậu
Đức kể về thói quen nhậu chiều của mình một cách tự nhiên, không giấu diếm. Theo lời Đức, “Ai nói tui là bợm nhậu, tui mặc kệ. Chiều làm sương sương vài ly, tối ngủ thẳng cẳng, sáng mai đi học mới khỏe”. Đức kể, thời học phổ thông Đức không biết đến một giọt bia, chỉ biết học.
“Thế nên mới đậu đại học được chứ”, Đức cười khẩy. Ngày Đức làm quen với bia rượu là ngày nam sinh này biết mình đậu đại học, bạn bè kéo nhau đi ăn mừng, uống một vài ly “bia đắng nghét”, Đức nhớ lại.
“Xuống Sài Gòn, năm đầu tiên mình vẫn là con ngoan trò giỏi. Sang năm thứ 2 đại học, mình xin chuyển vào ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Phòng mình có 8 người, một thằng bạn cùng phòng có người yêu. Có người yêu là phải “ra mắt”.
Quán nhậu SV luôn đông nghẹt sinh viên. |
Cả phòng đi nhậu chúc mừng, mình say túy lúy, sau đó thằng bạn bị người yêu giận, cả phòng phải đi nhậu an ủi, sau nó làm lành với người yêu, cả phòng phải đi nhậu chia sẻ. Cả khi lần đầu tiên nó hôn người yêu, cả phòng cũng phải đi nhậu chúc mừng. Năm thứ 3, đến lượt mình có người yêu, mình cũng mời cả phòng đi nhậu ra mắt.
Yêu được hết học kỳ I, người yêu chia tay, từ đó đến nay, chiều nào mình cũng nhậu. Có thể mình yếu đuối, lụy tình nhưng có bia vào mình mới thấy bớt nhớ bạn ấy. Đến khi quên được người yêu thì mình không thể nào quên được bia”, Đức kể một mạch về con đường dẫn đến bia bọt của mình.
“Làng đại học bây giờ khác quá phải không mày?”, đứa bạn tôi hỏi mà không cần câu trả lời. “Làng đại học bây giờ không quê mùa như thời tụi mình, cách đây 4 năm. Bây giờ, quán nhậu đếm không xuể, đi trên đường bị nhân viên các quán lôi kéo, các em váy ngắn, chân dài tiếp thị bia mời mọc…chẳng khác nào trên Sài Gòn. Thích nhất là giá cả bình dân, mỗi người góp 50 ngàn là nhậu mệt nghỉ”, vẫn lời bạn tôi.
Bạn tôi nói chưa dứt lời, nhóm 8 nữ sinh viên vừa đến kéo bàn ngồi ngay bên cạnh, nói cười rôm rả, cắt ngang câu chuyện. Một giọng miền Trung đặc sệt vang lên: “Mừng cho mi chia tay được thằng nớ. Buổi ăn nhậu hôm nay tụi tao bao, nhân tiện con Vân rửa luôn con láp (máy tính xách tay - PV) 15 triệu”. Cả nhóm cười vang, chỉ có một khuôn mặt hơi buồn, mắt ươn ướt, có lẽ đó là cô bé vừa chia tay người yêu được cả nhóm bao chầu nhậu… ăn mừng!
“Tính tiền bà chủ ơi, không tính là tụi cháu quỵt nợ luôn đó!”, một giọng nữ lè nhè, có lẽ quá chén. “Nữ đệ tử lưu linh” nói chưa dứt lời đã lăn ra khóc. Cả nhóm 5 người gồm cả nam lẫn nữ phát hoảng, một bạn nam xốc vội bạn nữ lên lưng cõng đi. “Đã nói uống ít thôi, ngày mai còn đi thi mà tụi mày cứ ép nó. Nhận học bổng có hai triệu chưa kịp mừng đã khóc vì say rượu, không chừng phải tốn tiền mua thuốc uống”, giọng nữ đi cùng trách móc.
Sau những cuộc “trà dư tửu hậu”…
“Khóc lóc như vậy là đỡ lắm rồi đó cô. Có bữa còn đánh nhau ì xèo, sứt đầu mẻ trán, vác ghế rượt nhau nữa. Nhiều hôm khách khứa “bỏ đũa chạy lấy người”, tôi mất luôn tiền. Sinh viên gì mà… không hiểu nổi luôn”, ông chủ quán ốc S.V, đối diện ký túc xá, thở dài.
“Nhưng nói qua thì nói lại, bán cho sinh viên sướng lắm, tiền tươi không hà, không lo bị nợ. Lúc trước tôi thuê mặt bằng, mở quán nhậu ở phường Linh Xuân, nghe người em tôi nói ở làng đại học Thủ Đức này bán quán nhậu được lắm, mỗi ngày ít nhất cũng hơn 100 lượt khách, tôi đánh liều về đây dựng chòi, mở quán ốc, lẩu, nướng. Tiền vào như nước”, vẫn lời ông chủ quán ốc.
Những người nắm bắt thời cơ như chủ quán ốc S.V đổ về làng đại học ngày càng đông, bằng chứng là quán nhậu thi nhau mọc lên, chỉ một đoạn ngắn từ khu A ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM đến Trạm xe bus làng đại học đã có hơn 50 quán nhậu, quán nào cũng đông nghịt khách. Càng về tối, quán ốc S.V càng đông, không khí sư phạm ở làng đại học mất hẳn, nhường chỗ cho một “làng nhậu” huyên náo với những tiếng cụng ly, chửi thề chát chúa.
Các quán nhậu mọc lên chi chít trên các con đường nội bộ của Làng Đại học. |
“Tiền đâu mà chiều nào cũng nhậu vậy Đức?”, tôi hỏi. Khác với vẻ liến thoắng ban đầu, lúc này Đức hơi e dè: “Tiền ba má gửi chứ ở đâu”. Đột nhiên Đức khóc hu hu: “Giờ muốn bỏ mà bỏ không được. Thời phổ thông mình học giỏi bao nhiêu thì giờ đây mình bết bát bấy nhiêu. Ba má mà biết được mình nghiện nhậu thế này chắc giận mình lắm!”.
Đức bộc bạch: “Nói là nhậu để dễ ngủ, dễ học nhưng thực ra hôm nào gặp bạn nhậu nhiều, sáng hôm sau đầu óc mình u u mê mê, học bài không vô, gặp hôm nào thi thì chết dở. Sinh viên Bách khoa mà như mình thì vứt rồi”.“Thằng Đức hay nhậu chiều nhưng không quậy, như vậy cũng đỡ”, Tân, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, ngồi cùng bàn với chúng tôi tỏ vẻ an ủi Đức. Tân kể, cái quán thịt chó Nam Định đằng kia là nơi thường xuyên nổ ra các cuộc rượt đuổi, đánh nhau.
“Hôm rồi có thằng sinh viên năm 4, mặc áo thể dục Trường ĐH Thể thao, nhậu xong còn đòi “dạy dỗ” bàn bên cạnh, bị mấy thằng nện cho một trận, nghe đâu phải nghỉ học mấy ngày dưỡng thương. Có thằng nhậu xong, mang cái mặt đỏ “quan công” rủ nhau ra đường lớn trước nhà điều hành ĐHQG đua, lại có thằng mượn bia để đi… tán gái, chưa thấy gái đổ, chỉ thấy nó đổ, nằm một đống trước cổng nhà trọ người ta. Sau con bé cứ nghe thấy thằng ấy đến là khóa cửa, trốn trong phòng”, bạn tôi thao thao kể với giọng sành sỏi, ra vẻ thấu hiểu cái “làng nhậu” đến từng ngõ ngách, quán xá.
23h, quán nhậu chúng tôi ngồi, chủ quán thông báo sắp đóng cửa. Các “thượng đế” sinh viên cố nán thêm vài câu chuyện nữa rồi cũng ra về, trên mặt còn nhiều vẻ tiếc nuối. Từ các quán, xe cộ túa ra các ngả đường của làng đại học, người về phòng trọ, người về ký túc xá, cũng có người nằm luôn ở đâu đó trong “làng”. Cũng có chạy xe cẩn thận, từ tốn, cũng có kẻ lợi dụng rượu bia lạng lách, chọc ghẹo, chửi bới người qua đường với một phong thái của người chưa từng được đi học…
“Thấy sinh viên nhậu mà tui nể luôn! Tui còng lưng đạp xe, dãi nắng đội mưa mà mỗi ngày cũng chỉ lời được chừng trăm ngàn, ngày nào hàng ế là nơm nớp lo không có tiền gửi về cho vợ nuôi con. Tui biết, ở quê, ba má mấy đứa sinh viên này có khi còn vất vả hơn tui, để nuôi được đứa con học đại học đâu phải dễ, bố mẹ phải buộc mồm buộc miệng, chắt bóp từng đồng. Con lên thành phố học, tưởng con sẽ thành tài, ai ngờ...”, anh Tuấn, bán trái cây dạo ở Làng đại học, thở dài.