Theo khảo sát tại một số ngân hàng thương mại, lãi suất huy động cao nhất đang là 7,6%/năm. Đây là mức lãi suất mà SCB áp dụng cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Cái tên tiếp theo trong bảng so sánh lãi suất cao nhất tại các ngân hàng tháng 12/2021 là ACB và Techcombank, với mức lãi suất huy động 7,1%/năm. Mức lãi này áp dụng đối với những khách hàng phải gửi tại ACB từ 30 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng; còn tại Techcombank là gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng MSB cũng đang huy động với lãi suất cao nhất là 7,0%/năm với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Dưới mức lãi suất 7%/năm là LienVietPostBank và HDBank khi đang lần lượt áp dụng mức lãi suất cao nhất là 6,99 và 6,85%/năm đối với khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Tại Dong A Bank, lãi suất cao nhất đang niêm yết là 6,8%/năm dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Nối tiếp là một số ngân hàng đang huy động lãi suất cao nhất trên 6%/năm như Viet Capital Bank (6,7%/năm), Bac A Bank (6,7%/năm), Sacombank (6,6%/năm), SHB (6,4%/năm), TPBank (6,3%/năm)...
Đối với các ngân hàng quốc doanh, lãi suất cao nhất trong tháng 12 là 5,6%/năm tại Vietcombank và VietinBank, trong khi đó tại Agribank và BIDV là 5,5%/năm.
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian dài một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Vì vậy, từ đầu tháng 11/2021 đến nay, lãi suất tiền gửi được một số ngân hàng đã tăng nhẹ 0,1 - 0,3%/năm đối với kỳ hạn dưới 3 tháng và 12 tháng trở lên.
Tuy nhiên, do sức ép lạm phát, mức tăng lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn dưới 3 tháng hiện được xem là phù hợp, ngân hàng không tăng lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng mà chỉ tăng ở kỳ hạn trên 12 tháng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm sẽ có một vài thời điểm thanh khoản hệ thống bớt dồi dào, hoạt động tín dụng sôi động trở lại bởi yếu tố mùa vụ cũng như quá trình nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Bạch Hiền (t/h)