Mùa thu năm 1985, tại thôn Cố Tường, huyện Thương Thủy, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, người nông dân Hà Cương nảy ra ý định làm đậu phụ kiếm thêm thu nhập. Anh bắt đầu đào một cái hố trong vườn nhà để đặt cối xay đá. Trong lúc đào, chiếc xẻng của anh bất ngờ chạm phải một vật cứng. Tò mò, Hà Cương cẩn thận gạt đất xung quanh và phát hiện ra một chiếc hòm lớn nằm dưới lòng đất.
Mở chiếc hòm, anh thấy bên trong chứa nhiều vật dụng cổ xưa trông rất đẹp mắt. Sau khi cẩn thận làm sạch chúng, Hà Cương nhận ra đó là những món đồ bằng vàng và bạc, bao gồm bình gốm, đĩa đựng và cả những chiếc thuyền nhỏ tinh xảo. Anh hiểu rằng mình đã vô tình tìm thấy một kho báu cổ vật.
Tin tức về việc Hà Cương phát hiện đồ cổ nhanh chóng lan truyền khắp vùng, thu hút sự chú ý của nhiều nhà buôn đồ cổ. Họ tìm đến anh và đưa ra những mức giá rất hấp dẫn, nhưng Hà Cương kiên quyết từ chối bán. Anh tin rằng những cổ vật này thuộc về cộng đồng và nên được bảo tồn. Với suy nghĩ đó, anh quyết định giao số cổ vật cho bí thư chi bộ thôn, ông Lưu Hồng Ân.
Bí thư Lưu Hồng Ân cũng nhận thức được tầm quan trọng của những cổ vật này. Ông đã liên hệ với một người bạn tên Thôi Bảo Hiền, đang làm bảo vệ tại Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh, để nhờ sự giúp đỡ và tư vấn về cách xử lý số cổ vật.
Hà Cương cùng bí thư thôn quyết định lên đường đến Bắc Kinh, mang theo toàn bộ 19 món đồ cổ để trao tận tay cho các chuyên gia tại bảo tàng. Sau quá trình giám định kỹ lưỡng, các nhà khoa học xác nhận những hiện vật bằng vàng và bạc này đều là di vật văn hóa thuộc triều đại nhà Nguyên.
Giá trị của những cổ vật này không chỉ nằm ở chất liệu quý hiếm mà còn ở niên đại lịch sử. Cổ vật thời nhà Nguyên vốn đã rất hiếm gặp. Hơn nữa, vào thời kỳ đó, người xưa có những yêu cầu vô cùng khắt khe đối với các vật dụng bằng vàng bạc, chỉ một sai sót nhỏ trong quá trình chế tác cũng sẽ bị hủy bỏ. Chính vì vậy, những món đồ còn sót lại đến ngày nay đều là những tuyệt tác. Đặc biệt, Bảo tàng Cố Cung không sở hữu nhiều hiện vật từ thời nhà Nguyên, nên bộ sưu tập mà Hà Cương trao tặng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với bảo tàng.
Để bày tỏ lòng biết ơn đối với hành động cao đẹp của Hà Cương, đại diện bảo tàng đã trao cho anh một khoản tiền 9.000 NDT (tương đương khoảng 31 triệu đồng theo tỷ giá thời điểm đó). Trong đó, 8.000 NDT là tiền thưởng cho việc phát hiện và trao trả cổ vật, và 1.000 NDT dùng để hỗ trợ chi phí đi lại cho anh và bí thư thôn.
Sau khi trao tặng cổ vật, Hà Cương trở về cuộc sống thường nhật của một người nông dân. Cuộc sống của anh vẫn tiếp diễn với những khó khăn chồng chất. Để kiếm sống và trang trải cho gia đình, anh làm đủ mọi nghề, từ nhặt rác, thợ xây cho đến làm vườn. Dù vất vả, anh chưa bao giờ hối hận về quyết định trao tặng những cổ vật quý giá cho bảo tàng.
Năm 2003, một biến cố lớn ập đến gia đình Hà Cương. Vợ anh mắc bệnh hiểm nghèo, toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình đều được dồn hết vào việc chữa trị cho chị. Hà Cương rơi vào cảnh túng quẫn, nợ nần chồng chất. Trong lúc khó khăn cùng cực, một người hàng xóm đã gợi ý anh viết thư cầu cứu đến lãnh đạo Bảo tàng Cố Cung, kể về hoàn cảnh éo le của gia đình.
Cảm thông trước tình cảnh của Hà Cương, Bảo tàng Cố Cung đã quyết định hỗ trợ anh một khoản tiền 50.000 NDT (tương đương hơn 170 triệu đồng theo tỷ giá thời điểm đó). Tuy nhiên, dù đã được chữa trị tận tình, vợ của Hà Cương vẫn không qua khỏi. Nỗi đau mất người thân càng khiến cuộc sống của anh thêm phần khó khăn.
Đến năm 2006, một lần nữa gia đình Hà Cương lại phải đối mặt với khó khăn chồng chất khi cha anh lâm bệnh nặng, khiến thị lực suy giảm nghiêm trọng, gần như mù lòa. Tình cảnh gia đình anh lại rơi vào bước đường cùng. Chi phí thuốc men chữa trị cho cha đã khiến Hà Cương gánh khoản nợ lên đến 40.000 NDT (tương đương hơn 136 triệu đồng theo tỷ giá thời điểm đó). Thấy vậy, những người hàng xóm tốt bụng lại khuyên anh nên tìm đến Bảo tàng Cố Cung một lần nữa để xin giúp đỡ. Họ cho rằng những cổ vật mà Hà Cương trao tặng cho bảo tàng có giá trị vô cùng to lớn, việc nhờ cậy sự giúp đỡ từ lãnh đạo bảo tàng là điều hoàn toàn hợp lý và "cũng chẳng có gì đáng ngại".
Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, Hà Cương đành nghe theo lời khuyên của mọi người và viết thư cầu cứu gửi đến ban quản lý Bảo tàng Cố Cung. Một lần nữa, bảo tàng đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc và tiếp tục hỗ trợ anh một khoản tiền 50.000 NDT (tương đương hơn 170 triệu đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để trang trải chi phí.
Tuy nhiên, những khó khăn dường như vẫn chưa buông tha gia đình Hà Cương. Không lâu sau đó, mẹ anh lại gặp tai nạn bị ngã gãy xương sườn, khiến gia đình anh lại mất thêm một khoản tiền lớn để chữa trị.
Ngày 30/5/2017, Hà Cương qua đời trên đường đi làm, hưởng thọ 54 tuổi. Để tưởng nhớ cho những đóng góp của ông, bảo tàng Cố Cung tổ chức buổi lễ tưởng niệm. Trước những khó khăn về tài chính của gia đình Hà Cương, bảo tàng quyết định trao tặng 100.000 NDT (hơn 340 triệu đồng) làm phí sinh hoạt. Cục Văn hóa của huyện cũng gửi thêm 20.000 NDT (hơn 68 triệu đồng) để chia buồn với người nhà ông.
Việc đào được “kho báu” không hiếm ở Trung Quốc, năm 1987, một nhóm trộm mộ đã dùng thuốc nổ để mở đường vào 1 ngôi mộ cổ ở thôn Thang Khanh, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tiếng nổ quá lớn đã thu hút sự chú ý của người dân trong thôn.
Sau đó, dù không kịp bắt được nhóm trộm nhưng người dân cũng đã kịp báo với phòng quản lý văn vật của huyện đến kiểm tra tình trạng của cổ mộ. Kết quả cho thấy ngôi mộ đã bị tàn phá nặng nề, nhiều cổ vật đã bị phá hỏng.
Tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may, vụ nổ đã khiến một món cổ vật quý vốn bị vùi sâu dưới lòng đất được “lộ diện”. Khi mới được đào lên, cổ vật này một chiếc ấm trà cổ được gói trong tấm vải hoa màu xanh.
Ấm trà cao khoảng 11 cm, màu chủ đạo là màu hạt dẻ pha lẫn một chút sắc vàng. Theo lẽ thông thường, cổ vật dạng ấm trà chỉ được xếp vào loại thông thường, không có giá trị cao. Tuy nhiên, điều khác biệt ở ấm trà này là dưới đáy có khắc 4 chữ “Thời Đại Bân Chế” (tạm dịch: Do Thời Đại Bân chế tác).
Hóa ra, đây là 1 tác phẩm của nghệ nhân Thời Đại Bân nổi tiếng - truyền nhân của một gia tộc chuyên làm ấm tử sa. Những ai sành về nghệ thuật thưởng trà hoặc chuyên sưu tầm cổ vật hẳn đều biết tới giá trị của ấm chén tử sa. Chúng được làm thủ công từ phôi đất mềm (loại đất tử sa đặc biệt ở vùng Nghi Hưng, Trung Quốc), không tráng men, được nung ở nhiệt độ cao và tạo nên chất ấm chắc như sứ. Từng có 1 chiếc ấm tử sa dạng thạch biều của Trung Quốc được bán đấu giá ở mức 2 triệu USD vào năm 2010.
Quay trở lại với Thời Đại Bân, danh tiếng của nghệ nhân này từng lan rộng khắp Trung Quốc, các văn nhân mặc khách cho đến các quan lớn đều yêu thích ấm tử sa do ông chế tác. Ngay cả vua Càn Long - người vốn có sở thích thẩm trà cũng coi loại ấm do Thời Đại Bân làm là báu vật và lưu giữ trong cung.
Hiện tại, chiếc ấm tử sa tuổi đời 300 năm của Thời Đại Bân có giá lên tới 1 triệu NDT, tương đương 3,49 tỷ đồng.