+Aa-
    Zalo

    Ký ức Hoàng Sa - Bài cuối: Đất liền là điểm tựa của các anh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian ở bên vợ con, gia đình và người thân của cảnh sát biển, kiểm ngư viên chỉ tính bằng giờ, bằng phút. Đối với các anh, tàu là nhà, biển cả là quê hương.

    Thời gian ở bên vợ con, gia đình và người thân của cảnh sát biển (CSB), kiểm ngư viên chỉ tính bằng giờ, bằng phút. Đối với các anh, tàu là nhà, biển cả là quê hương. Cha mẹ, vợ con, người yêu ở đất liền là điểm tựa vững chắc và luôn hướng về các anh với tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ.

    Hậu phương vững chắc.

    Tại tàu CSB 4034, chúng tôi ấn tượng về thuyền phó Nguyễn Quốc Vương, quê Thanh Hóa. Nhìn anh đen như hòn than đá, mọi người thường nói đùa “tối ngủ tắt điện thì vợ biết chồng nằm ở đâu”, nghe vậy Vương chỉ mỉm cười. Hơn hai tháng rồi Vương thực hiện nhiệm vụ chưa về nhà, vợ con ở Vũng Tàu không người thân, chỉ có anh, chị em trong đơn vị quan tâm giúp đỡ. Vợ đẻ con đầu lòng Vương đang lênh đênh trên biển, đầy tháng bố mới về và đặt tên cho con.

    Ký ức Hoàng Sa - Bài cuối: Đất liền là điểm tựa của các anh
    Con sẽ là cảnh sát biển để bảo vệ biển đảo. Bố cố lên!

    Vương tâm sự: Trước khi cưới, mình phải làm tư tưởng với vợ, yêu và chấp nhận lấy anh là khổ nhưng tình yêu của CSB thì thủy chung lắm. Lúc đầu cô ấy do dự, những chuyến biển về mình kể người yêu nghe về biển, hiểu nhau rồi thì càng yêu hơn. Nhiều chuyến đi dài ngày một đến hai tháng, vợ sắp xếp tư trang cho chồng và động viên “anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà em là hậu phương vững chắc và luôn nhớ tới chồng”... Từ nhỏ, nhà gần biển nên Vương ước mơ được làm chiến sĩ CSB, vào trường có ngành CSB nên anh chọn học ngay. Ra trường, vào ngành từ năm 2009 nhưng đến 2011 ước mơ của Vương mới thành hiện thực khi được phân về tàu ra khơi làm nhiệm vụ. Bốn năm rồi vì bận công việc nên Vương chưa về quê thăm bố mẹ già yếu, đợt này vào bờ bố mẹ vợ quà cáp vào thăm con rể. Vương vui mừng mời anh em chúng tôi đến chia sẻ niềm vui cùng anh.

    Chiều ngày 19/7 tại cảng, tàu CSB 4032 rộn rã tiếng cười của trẻ thơ, những lời động viên con, động viên chồng. Tranh thủ tàu cặp bến, bố mẹ, vợ con và anh em từ xa về Đà Nẵng thăm con, thăm chồng. Mỗi người một chuyện kể, một hoàn cảnh gia đình riêng nhưng gia đình luôn là hậu phương vững chắc cho các anh yên tâm làm nhiệm vụ trên biển đảo.

    Anh Nguyễn Văn Thân ở Hà Tĩnh công tác trên tàu 4032, vợ con đang sống ngoài quê, vừa rồi anh đang nghỉ phép thì nhận lệnh có mặt trên tàu để làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Ngồi ôm con bên cạnh chồng, chị Võ Thị Hương tâm sự: “Xác định yêu CSB thì mình chấp nhận tất cả, thời gian ở bên chồng chỉ tính trên đầu ngón tay, cưới được 15 ngày anh ấy đã phải đi. Hai cái tết rồi, anh Thân vắng nhà, nhiều lúc tủi thân mình đã khóc nhưng không để chồng biết. Vào thăm chồng, thấy khỏe mạnh thế này là mình vui”. Hai vợ chồng Thân ôm cô con gái và nở nụ cười hạnh phúc.

    Chúng tôi còn được nghe chuyện của cô giáo mầm non Nguyễn Thị Vân vợ của CSB Trần Kim Ba phải hai lần từ Thanh Hóa vào tận đơn vị chồng ở Quảng Nam để tranh thủ “tuyển quân” mới có kết quả. Cuối năm 2012, Ba và Vân tổ chức lễ cưới, được một tuần thì chồng lên tàu đi làm nhiệm vụ. Tuần trăng mật của Vân chỉ là những câu chuyện về biển, về đời sống anh em trên tàu. Bốn tháng sau ngày cưới Vân chưa có bầu, hai bên nội ngoại sốt ruột mong sớm có cháu bế. Nghe tin tàu chồng cặp bến, Vân vội vàng vào ngay. Kết quả sau lần gặp này không đạt. Sáu tháng sau nghe tin tàu chồng đang vào bờ, Vân không cho chồng biết, bí mật vào thuê nhà nghỉ chờ sẵn... Kết quả là cậu con trai kháu khỉnh bảy tháng tuổi Trần Quang Phú.

    Ký ức Hoàng Sa - Bài cuối: Đất liền là điểm tựa của các anh
    Vợ chồng Nguyễn Thị Vân và Trần Kim Ba hạnh phúc bên cậu con trai kháu khỉnh.

    Yêu lính qua mạng

    Trong buổi tiệc liên hoan của tàu CSB 4032, xuất hiện thêm hai cô gái xinh xắn, nét mặt đoan trang, sắc sảo. Hỏi ra, tôi mới biết đó là người yêu của hai chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên tàu. Điều làm tôi ấn tượng về các cô không phải là sắc đẹp mà là sự can đảm, nhận lời yêu người CSB qua trang mạng xã hội facebook.

    Đoàn Ngọc Tân, quê ở Ninh Bình là nhân viên tàu CSB 4032, vào ngành được hơn một năm. Sau những chuyến làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, tàu cặp bờ tiếp nhiên vật liệu, Tân vào mạng facebook nói chuyện với bạn bè, làm quen với các cô gái, mục đích tâm sự cho đỡ buồn. Cô gái Phạm Thị Mai Hương, quê ở Quảng Bình, đang là sinh viên chuyên ngành Luật kinh tế quốc tế của Đại học Huế thấy Tân giới thiệu là CSB và nói chuyện chân thành nên làm quen. Hương cho biết: Làm quen trên mạng được một tháng, em nghe anh ấy kể về hoàn cảnh gia đình, về biển và hỏi “em có đồng ý làm vợ CSB không?”. Chưa một lần gặp mặt nhưng nghe anh nói vậy, em quá bất ngờ và không lên mạng nói chuyện nữa. Mấy ngày sau, mỗi đêm không thấy anh xuất hiện trên mạng, nói chuyện, em cũng thấy trống trải. Một tháng sau, bất ngờ thấy điện thoại của anh, em mới biết anh vừa làm nhiệm vụ ở ngoài biển về. Em nhận lời yêu anh.

    Tân xin nghỉ phép về Huế thăm người yêu, quà ra mắt là nhánh san hô biển. Sáu tháng làm quen và chấp nhận lời yêu, lần này là lần thứ hai họ được gặp nhau. Tân cho biết: “Hương chấp nhận yêu và đến với em là thiệt thòi cho cô ấy. Gia đình Hương rất khá giả, là con út nên được cưng chiều. Em sẽ yêu thương cô ấy hết mực, chân thành, quý trọng để bù đắp lại tình yêu của Hương. Hương thường xuyên động viên em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hương sẽ chờ em. Chúng em xác định rồi, Hương ra trường là chúng em tổ chức đám cưới”. Hương nói nhỏ với tôi, “qua nhiệm vụ đợt này em lại thấy thương và yêu anh ấy nhiều hơn”.

    Cô gái Băng Tâm, quê ở Đà Nẵng, con nhà khá giả, học cao đẳng chuyên ngành thanh nhạc ra trường đang chờ việc. Cô và Lê Văn Cảnh, quê ở Nam Định quen nhau trên facebook, nhắn tin một thời gian thấy hợp nên họ gặp nhau. Cảnh nói “mấy lần hẹn hò, em thấy cô ấy dễ thương, hiểu và yêu người CSB nên bày tỏ tình yêu”. Tròn một năm yêu nhau, vì nhiệm vụ nên Cảnh chưa đưa Tâm về nhà giới thiệu với gia đình. Cảnh dự tính, sau đợt làm nhiệm vụ này, biển được bình yên thì sẽ đưa Tâm về quê Nam Định ra mắt họ hàng, chuẩn bị tiến tới hôn nhân.

    Chia tay các CSB và các kiểm ngư viên, tôi nhớ mãi câu nói của tàu trưởng KN - 628 Hoàng Văn Lâm: “Đất liền sẽ là hậu phương vững chãi cho chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ nơi biển, đảo xa”. Nói xong Lâm cất cao tiếng hát “Dù bão táp mưa giông em xe tròn chiếu lại, con thuyền đảo lái vững tay lái đồng tâm, cho tình nghĩa ngàn năm một lòng em giữ trọn”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-hoang-sa---bai-cuoi-dat-lien-la-diem-tua-cua-cac-anh-a47176.html
    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Sự kiện TQ hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã đi qua nhưng trái tim mỗi người dân Việt Nam vẫn thổn thức khi nghe Tổ quốc gọi tên mình.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Sự kiện TQ hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã đi qua nhưng trái tim mỗi người dân Việt Nam vẫn thổn thức khi nghe Tổ quốc gọi tên mình.