Dù giông tố, mưa sa, đối đầu với sự sống và cái chết, các kiểm ngư viên vẫn vững tâm, quyết chí bảo vệ chủ quyền biển, đảo hùng thiêng Việt Nam.
Người “vô cấp”
Bước lên tàu ra Hoàng Sa, trong túi các phóng viên đều dự trữ thuốc chống nôn, phòng lúc sóng to gió lớn sẽ bị say sóng, không tác nghiệp được và để lại nỗi lo lắng cho anh em trên tàu. Hôm nay sóng biển dâng cao hơn, dấu hiệu cơn bão số 2 Rammasun chuẩn bị đổ bộ vào Biển Đông.
Tập thể anh em tàu KN - 951 ký vào lá quốc kỳ xin thề quyết tâm bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. |
Một kiểm ngư viên bước vào phòng, thấy tôi đang bóc vỉ thuốc chống nôn chuẩn bị uống, anh nói: "Phóng viên đừng dựa vào thuốc, càng uống lại càng say sóng đấy. Người nào đi biển cũng say sóng một vài lần, rồi sẽ quen dần. Mọi người chúng tôi bắt đầu xuống tàu, đi ra biển chỉ cần gió cấp ba cũng say ngả nghiêng, không biết trời đất. Mỗi người một nhiệm vụ trên tàu, say sóng nằm một chỗ thì lấy ai làm việc, vì vậy người nào cũng cố gắng rồi thành quen. Bây giờ người chúng tôi thì “vô cấp”, chỉ sợ tàu không trụ được thôi".
Chuyển từ tàu CSB 8003 sang, mọi người trên tàu KN - 628 quan tâm, nhường giường cho chúng tôi. Đến giờ nghỉ, các anh, người trải chiếu nằm ở sàn, người mắc võng ngủ sau lái. Các anh ngủ không tròn giấc, chỉ tranh thủ chợp mắt, vì phải thay ca trực, nắm tình hình trên biển. Nhìn các anh, ai cũng già trước tuổi, da đen sạm, mặn mòi sương gió. Chuyện già trước tuổi của các kiểm ngư viên là chuyện dễ hiểu, các anh lênh đênh trên biển liên tục, thiếu thốn đủ bề, cập bờ gặp người thân vài ngày rồi lại đi.
Tập thể cán bộ, kiểm ngư viên tàu KN - 628, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. |
Lên tàu KN - 628, tôi nhìn thuyền trưởng Hoàng Văn Lâm như người trên 40 tuổi, hỏi mới biết anh sinh năm 1982. Buổi sáng hôm sau trên đường về cảng, tôi bảo Lâm tập hợp anh em trên tàu và mặc đồng phục ngành kiểm ngư để chụp ảnh lưu niệm. Lâm nói cứ để anh em chụp, em râu ria, tóc tai bù xù vào thêm xấu mọi người ra. Thuyết phục mãi, Lâm bảo sẽ đi cạo râu, anh em đều ngăn vì để vậy cho sương gió, đúng với tinh thần của lực lượng kiểm ngư không quản khó khăn, vượt gian khổ, luôn bám biển bám thực địa và sát cánh cùng ngư dân.
Kiểm ngư viên Trương Đình Diên tâm sự: “Lực lượng Kiểm ngư vừa mới thành lập chính thức ngày 15/4/2014 thuộc Bộ NN & PTNT, nhưng trước đó các Sở NN & PTNT các tỉnh ven biển đều có các tàu kiểm ngư làm nhiệm vụ trên biển. Chúng tôi luôn xem biển cả như nhà, vì thời gian trên biển nhiều gấp nhiều lần ở nhà với gia đình, vợ con. Người có bố mẹ mất, người vợ con ốm đau nhưng không về được, vào đất liền mới nghe tin, vì nhiệm vụ nên đành nén lòng. Chúng tôi mỗi người một quê, một hoàn cảnh nhưng xem như anh em ruột thịt, quan tâm, động viên săn sóc cho nhau. Trường hợp thuyền trưởng Hoàng Văn Lâm, vợ bị ngã gãy chân, hai mẹ con ở Đà Nẵng không người thân, chồng đang làm nhiệm vụ ngoài biển, nhờ có các anh, các chị trong cơ quan chăm sóc nên anh ấy yên tâm phần nào”.
Diên kể nhiều trường hợp, tôi nghe vô cùng xúc động và khâm phục các anh đã khép lại niềm riêng để dồn hết thảy tình yêu cho Tổ quốc. Anh Phan Văn Vĩ, quê ở Thái Bình đi trên tàu KN - 799, vợ bị ung thư vừa mất 3 ngày thì nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ. Hai con nhỏ anh Vĩ đành gửi bên nội một đứa, bên ngoại một đứa rồi thắp nén hương cho vợ và gạt nước mắt lên đường... Kiểm ngư viên tàu KN - 629 Mai Văn Diệp, quê ở Thái Bình, vợ bị ung thư ba năm rồi đang từng ngày phải điều trị ở bệnh viện.
Hoàn cảnh vợ chồng Diệp cũng khó khăn, đang ở tạm trong khu nhà công vụ của cơ quan, hiện Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đang nhận điều trị, xạ trị miễn phí. Kiểm ngư viên tàu KN - 628 Đặng Hoài Sơn, quê ở Hà Tĩnh, bố bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, bất tỉnh một tuần. Ngày 21/6, tàu vào đất liền để tiếp nhiên liệu và lương thực, thực phẩm thì nhận được tin. Gọi điện thoại về, nghe người nhà nói bố dần hồi phục nên Sơn quyết tâm cùng anh em tiếp tục ra khơi làm nhiệm vụ.
Chiến sĩ hòa bình
Cơn bão số 2 đang tiến gần vào Biển Đông, một số tàu CSB và kiểm ngư được giao trách nhiệm ở lại theo dõi tình hình và làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Ông Hồ Cương Quyết, một người Pháp mang quốc tịch Việt Nam được đặt tên theo họ của Bác Hồ đang đi trên tàu CSB 8003 ra Hoàng Sa, để tận mắt chứng kiến cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo, lãnh thổ của ngư dân và các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Ông chia sẻ: “Trong lòng tôi, mỗi ngư dân Việt Nam là một chiến sĩ Hòa Bình. Những ngư dân không có vũ khí, không có cái gì để chống lại sự đe dọa bằng vũ lực, họ chỉ có một chiếc tàu nhỏ, công suất rất thấp, khi gặp các tàu Trung Quốc thì họ biết mình đang gặp nguy hiểm. Nhưng mà họ vẫn cứ đi, vẫn khai thác ở đây từ bao đời. Họ xứng đáng là những người anh hùng của Việt Nam".
Ngư dân đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa yên tâm khi có các kiểm ngư viên trên biển bảo vệ, giúp đỡ. Anh Nguyễn Tải, chủ tàu cá ĐNa 90269 TS đang chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Anh Tải cho biết: “Tàu ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa yên tâm có tàu CSB và tàu KN bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ. Mỗi tàu cá của chúng tôi nguyện là một cột mốc và mỗi người chúng tôi là một chiến sĩ luôn sát cánh cùng các anh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Anh Tải treo cờ Tổ quốc và căng băng rôn trên tàu với nội dung: “Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam”, rồi thắp nén hương cầu may mắn gặp nhiều cá và được an toàn trên biển để ra khơi.