Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản số 21 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, trong đó đề nghị quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại đóng góp tài chính để phát triển nhà ở xã hội và góp ý một số điều của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo HoREA, để thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội, trước hết là mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, trước hết cần phải tạo được quỹ đất phù hợp với quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội.
Trong đó, HoREA nêu một bất cập về Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa quy định đầy đủ các giải pháp để tạo nguồn lực cho Nhà nước và huy động nguồn lực “xã hội hoá” của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nhằm tạo lập quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Vì vậy, HoREA đề xuất nên quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có nghĩa vụ tham gia phát triển nhà ở xã hội, thông qua một khoản “đóng góp tài chính” bằng 15-20% tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
“Khoản đóng góp tài chính được tính vào chi phí đầu tư nên thực chất là người mua nhà ở thương mại mới là người đóng góp để phát triển nhà ở xã hội vì chủ đầu tư đã tính khoản này vào giá bán nhà ở thương mại”, HoREA phân tích thêm.
Để làm rõ hơn về đề xuất này, HoREA nêu ví dụ dự án nhà ở thương mại A được Uỷ ban nhân dân tỉnh B phê duyệt tiền sử dụng đất là 100 tỷ đồng thì chủ đầu tư dự án A nộp thêm nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng 15-20% tiền sử dụng đất là 15-20 tỷ đồng. Chi phí này được tính vào chi phí đầu tư dự án và giá bán nhà.
Cũng theo HoREA, để phát triển nhà ở xã hội, cơ quan quản lý phải bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà ở xã hội.
Bởi lẽ, chính sách tín dụng ưu đãi dài hạn là quan trọng nhất, quyết định nhất để thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội. Đối với người mua nhà ở xã hội thì quan trọng nhất là được vay tín dụng ưu đãi dài hạn để mua nhà trả góp.
Lý giải về thực trạng thiếu nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà xã hội ở Việt Nam, HoREA chỉ ra 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, từ ngày 1/7/2015, khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay thì Nhà nước chỉ hỗ trợ được nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội rất nhỏ, nên người mua nhà ở xã hội đã phải vay tín dụng với lãi suất thương mại lên đến 9-10%/năm nên rất khó khăn.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015-NĐ-CP còn quy định trong giai đoạn 2015-2020 thì Ngân hàng Chính sách xã hội chưa cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi, nên chủ đầu tư đã phải vay với lãi suất thương mại lên đến 9-13%, đẩy giá thành nhà ở xã hội tăng cao hơn.
Ngoài ra, việc thiếu nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn do nguồn ngân sách nhà nước chưa bố trí được, như Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII quyết định chi ngân sách nhà nước trung hạn cho 21 chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2015-2020, nhưng không có chương trình nhà ở xã hội.
Hiếu Nguyễn