Tết Đoan Ngọ năm 2024 - ngày 5/5 Âm lịch rơi vào Thứ Hai ngày 10/6 Dương lịch tức ngày Ất Tỵ, tháng Canh Ngọ, năm Giáp Thìn.
Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là Tết Diệt sâu bọ, bắt nguồn từ một điển tích dân gian. Chuyện kể rằng khi người nông dân đang vui mừng vì vụ mùa bội thu thì bị đàn sâu bọ kéo đến phá hoại. Một ông lão trong làng đã bày cách cho mọi người lập bàn cúng với bánh tro, trái cây và cùng nhau ra trước nhà tập thể dục vào giờ Ngọ. Kỳ lạ thay, sâu bọ sau đó đã biến mất.
Câu chuyện này được truyền miệng và trở thành phong tục cúng kiếng vào ngày mùng 5/5 Âm lịch hàng năm để xua đuổi sâu bọ, bảo vệ mùa màng. Tục lệ này không chỉ phổ biến ở nông thôn mà còn lan rộng ra cả thành thị.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ thường rơi vào thời điểm nắng nóng, thuận lợi cho sâu bọ phát triển. Với truyền thống nông nghiệp lúa nước và trồng trọt cây ăn trái, người xưa tin rằng diệt trừ sâu bọ sẽ giúp mùa màng bội thu.
Tết Đoan Ngọ năm 2024 cúng giờ nào đẹp?
Tờ Tri thức & Cuộc sống dẫn lời chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, các khung giờ đẹp để tiến hành nghi lễ cúng Tết Đoan Ngọ năm 2024 như sau:
- Giờ đẹp nhất là giờ Nhâm Ngọ từ 11h đến 13h.
- Sớm hơn có giờ Canh Thìn từ 7h đến 9h.
- Muộn hơn có giờ Quý Mùi từ 13h đến 15h.
- Cuối cùng trong ngày là giờ Bính Tuất từ 19h đến 21h.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?
Ngày Tết Đoan ngọ thường đến vào sau vụ mùa. Vì thế mà mâm lễ cúng trong ngày này cũng tương đối phong phú với nhiều loại nông sản.
Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau, nhưng cơ bản mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm có:
- Hương, hoa, vàng mã
- Nước
- Rượu nếp (cơm rượu)
- Các loại trái cây như mận, vải, hồng xiêm, chuối, dưa hấu...
- Bánh ú tro
- Thịt vịt
- Xôi chè
Cơm và rượu nếp là 2 món không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Nếu như miền Bắc có bánh gio trong mâm cúng, thì người miền Nam lại có bánh ú, người miền Trung có thịt vịt.
* Thông tin mang tính chất tham khảo