+Aa-
    Zalo

    IS đứng sau nhiều cuộc tấn công đẫm máu ở Afghanistan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ít nhất 100 người đã thiệt mạng bởi các cuộc tấn công khủng bố trong hai tuần qua, do Nhà nước Hồi giáo thực hiện nhằm vào các nhóm thiểu số ở Afghanistan với mục đích phá hoại chính quyền Taliban.

    Trong 2 tuần qua, các vụ tấn công khủng bố được thực hiện bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã một lần nữa khiến Afghanistan rơi vào cảnh hỗn loạn và lo sợ.

    Được biết, vụ nổ đầu tiên đã xé toạc một trường học ở Kabul, thủ đô Afghanistan, giết chết các học sinh trung học. Nhiều ngày sau, các vụ tấn công tiếp theo đã phá hủy hai nhà thờ Hồi giáo và một xe buýt nhỏ ở phía Bắc đất nước. Tới tuần sau đó, Afghanistan hứng chịu thêm 3 vụ nổ nữa nhắm vào người Hồi giáo dòng Shiite và Sufi.

    Các cuộc tấn công trong 2 tuần qua đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và làm dấy lên lo ngại rằng Afghanistan đang bước vào một "mùa xuân bạo lực", khi IS-K, một nhánh của IS ở nước này, đang cố gắng làm suy yếu chính phủ Taliban. 

    Các cuộc tấn công bất ngờ trên khắp đất nước đã làm mất đi sự bình tĩnh tương đối tại Afghanistan sau khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8/2021 sau 20 năm chiến tranh. Bằng cách tấn công vào người dân bình thường, bao gồm người Shiite Hazara, một dân tộc thiểu số và người Sufis, những người thực hành một hình thức Hồi giáo thần bí, trong những tuần gần đây, các phần tử khủng bố đã làm dấy lên nỗi sợ hãi rằng đất nước có thể không thể thoát khỏi một chu kỳ bạo lực kéo dài.

    screen shot 2022 05 05 at 105300
    Một học sinh bị thương trong cuộc tấn công vào một trường học, trong một khu vực của Kabul của nhánh Hazara Shiites. Ảnh: Getty 

    Một nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan - được gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan, hay IS-K - đã nhận trách nhiệm về 4 trong số 7 vụ tấn công lớn gần đây. 

    Thông qua các cuộc tấn công này, IS-K đã giáng một đòn mạnh vào tuyên bố trước đó của Taliban rằng họ đã dập tắt được mối đe doạ đến từ lực lượng khủng bố. Ngoài ra, những vụ đánh bom cũng đang làm dấy lên lo ngại về sự trỗi dậy của nhóm khủng bố ở Afghanistan và sau đó sẽ ảnh hưởng tới cả thế giới. 

    Tháng trước, IS từng tuyên bố đã bắn rocket vào Uzbekistan từ miền Bắc Afghanistan. Đây được xem là cuộc tấn công có chủ đích  đầu tiên của nhóm nhằm vào một quốc gia Trung Á.

    Ông Michael Kugelman, Phó giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn ở Washington (Mỹ), nhận xét: "IS-K rất kiên cường, họ đã sống sót sau nhiều năm hứng chịu các cuộc không kích từ các lực lượng NATO và các hoạt động trên bộ của Taliban. Giờ đây, sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan và sự rời đi của Mỹ, IS-K thậm chí đang nổi lên mạnh mẽ hơn trước". 

    IS-K được thành lập vào năm 2015 bởi các chiến binh Taliban người Pakistan bất mãn. Hệ tư tưởng của nhóm này được giữ vững một phần vì nhiều ngôi làng ở đó là nơi sinh sống của người Hồi giáo Salafi, cùng nhánh của Hồi giáo Sunni với IS. Trong khi đó, cùng là Hồi giáo nhưng phần lớn thành viên Taliban theo trường phái Hanafi.

    Kể từ khi thành lập, IS-K đã luôn đối đầu với Taliban. Đôi khi hai nhóm này còn tranh giành quyền lực lẫn nhau. Các nhà lãnh đạo IS năm ngoái đã lên án việc Taliban tiếp quản Afghanistan, nói rằng phiên bản cai trị Hồi giáo của nhóm này không đủ cứng rắn.

    Tuy nhiên, suốt 6 năm qua, phần lớn thời gian IS đã bị kiềm chế ở miền đĐng Afghanistan trong bối cảnh các cuộc không kích của Mỹ và các cuộc đột kích của biệt kích Afghanistan khiến nhiều thủ lĩnh của tổ chức này thiệt mạng. Nhưng kể từ khi Taliban nắm chính quyền, IS lại đang phát triển và mở rộng ra gần tất cả 34 tỉnh.

    Sau khi Taliban phá bỏ các nhà tù mở trên khắp đất nước trong đợt tiến quân vào mùa hè năm ngoái, số lượng chiến binh IS ở Afghanistan đã tăng gấp đôi lên gần 4.000 người. 

    Abdul Sayed, chuyên gia an ninh và nhà nghiên cứu theo dõi IS-K và các nhóm thánh chiến khác, cho biết nhóm này đang tăng cường hoạt động trên khắp đất nước. Trong 4 tháng cuối năm 2021, IS đã thực hiện 119 vụ tấn công ở Afghanistan, tăng từ 39 vụ trong cùng kỳ năm ngoái, bao gồm các vụ đánh bom liều chết, ám sát và phục kích vào các trạm kiểm soát an ninh.

    Đáng nói, 96 vụ tấn công trong số này nhằm vào các quan chức Taliban, tăng lên nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là một sự thay đổi rõ rệt so với đầu năm ngoái khi nhóm này chủ yếu tấn công người dân, bao gồm các nhà hoạt động và nhà báo.

    Đáp trả lại hành động trên, Taliban đã thực hiện một chiến dịch tàn bạo vào năm ngoái chống lại các chiến binh bị tình nghi là Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan. Theo các cư dân địa phương, các nhà phân tích và giám sát nhân quyền, cách tiếp cận của họ chủ yếu dựa vào các vụ bắt giữ và giết người ngoài tư pháp đối với những đối tượng bị nghi là chiến binh IS. 

    Trong nhiều tháng mùa đông vừa qua, các cuộc tấn công của  IS đã giảm dần - làm dấy lên một số hy vọng rằng chiến dịch của Taliban đang chứng tỏ hiệu quả. Nhưng hàng loạt các cuộc tấn công đẫm máu gần khiến nhiều người cho rằng IS đã sử dụng mùa đông để tập hợp lại lực lượng, chuẩn bị cho cuộc tấn công mùa đông - một mô hình được Taliban thực hiện trước khi giành quyền kiểm soát Kabul hồi năm 2021. 

    Các nhà phân tích chỉ ra IS-K dường như không cố gắng  giành quyền kiểm soát lãnh thổ như IS đã làm ở Iraq và Syria. Dù vậy, các cuộc tấn công đã chứng tỏ khả năng của nhóm này trong việc gieo rắc sự hỗn loạn bạo lực bất chấp các chiến thuật mạnh tay của Taliban. 

    Ngoài ra, các chuyên gia lo ngại các nhóm cực đoan khác trong khu vực vốn phản đối Taliban có thể sẽ liên minh với IS để thực hiện thêm các cuộc tấn công bạo lực. Ông Asfandyar Mir, chuyên gia cao cấp tại Viện Hòa bình Mỹ: "IS-K muốn thể hiện sức mạnh của mình và vươn ra ngoài lãnh thổ Afghanistan, rằng cuộc thánh chiến của họ bạo lợc hơn Taliban và họ là một tổ chức thuần khiết hơn, không thỏa hiệp ai là chính nghĩa và ai không".

    Các vụ tấn công thời gian qua đã gây chấn động đặc biệt với người Shiite Hazara ở Afghanistan, những người từ lâu đã lo sợ rằng Taliban - vốn đã chống lại người Shiite Afghanistan trong nhiều thập kỷ - sẽ cho phép bạo lực chống lại họ. 

    Minh Hạnh (Theo New York Times)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/is-dung-sau-nhieu-cuoc-tan-cong-dam-mau-o-afghanistan-a536450.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan