Tình hình khủng bố IS sau khi mất thủ lĩnh
Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, thủ lĩnh hàng đầu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mới đây đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch quân sự của Mỹ ở Tây Bắc Syria.
Thông tin cá nhân về al-Qurayshi không nhiều. Tình báo Mỹ và Iraq tiết lộ, người đàn ông Iraq này năm nay 45 tuổi, đã tốt nghiệp thạc sĩ về Nghiên cứu Hồi giáo và từng phục vụ trong quân đội Iraq dưới thời cố Tổng thống Saddam Hussein. Al-Qurayshi đã tham gia IS ít nhất từ năm 2007 và được Abu Bakr al-Bagdadi đề cử làm người kế nhiệm vào năm 2019, thời điểm IS đã mất vương quốc Hồi giáo bao gồm lãnh thổ ở Iraq và Syria cùng với một số lượng lớn phần tử thánh chiến.
Theo chuyên gia Steinberg, al-Qurayshi không chỉ lo các vấn đề hoạt động mà còn về vấn đề hệ tư tưởng đối với những người ủng hộ IS. Trong quá khứ, IS đã nói rõ rằng đây là một tiêu chí quan trọng. Giờ đây, tổ chức phải đối mặt với một khoảng trống lãnh đạo tiềm năng.
“Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi sẽ khó thay thế. Vào lúc này, sẽ không dễ dàng cho IS tìm được ai đó đứng đầu không chỉ có uy quyền về tôn giáo mà còn được coi là mạnh về các lĩnh vực quân sự”, ông Steinberg dự đoán. Thực tế, nhiều thủ lĩnh IS đã chết trong chiến dịch chống khủng bố, và số lượng ứng viên ít. Chuyên gia Steinberg dự báo rằng, người kế nhiệm al-Qurayshi có thể sẽ đến từ Iraq vì “trong 3 năm qua, IS đã lại trở thành một tổ chức mạnh của Iraq”.
IS vẫn hoạt động ở miền Bắc và Tây Bắc Iraq, cũng như ở miền Đông Syria. Gần đây hơn, nó đã hoạt động ở phía Đông Bắc của Syria, trong khu tự trị của người Kurd. Một số chuyên gia ước tính số lượng chiến binh IS hiện tại là từ 4.000 đến 6.000, trong khi những người khác cho rằng có thể lên đến 10.000 ở Syria và Iraq.
Ngoài ra còn có hàng nghìn chiến binh bị bỏ tù, cũng như hàng chục nghìn thành viên gia đình của họ, bị giam giữ trong các trại và nhà tù do chính quyền tự trị của người Kurd ở Syria điều hành. Họ đại diện cho một nhóm tiềm năng của các thành viên tương lai.
Trong số các chi nhánh khu vực được thành lập vào năm 2014, các chi nhánh ở Afghanistan, Libya và Yemen được cho là mạnh nhất. Tuy nhiên ngày nay, IS đã yếu hơn nhiều so với thời kỳ hoàng kim từ năm 2014 đến năm 2016. Vào thời điểm đó, nhóm này có đến 30.000 đến 40.000 thành viên và kiểm soát một khu vực với dân số từ 6 đến 9 triệu người.
Kể từ khi bị liên quân các nước tiêu diệt mất vương quốc Hồi giáo, IS đã phải vật lộn để kiểm soát mạng lưới quốc tế của mình. Đây là một trong những lý do tại sao nó dường như đang hoạt động theo cách phi tập trung hơn. “IS có duy trì được liên lạc quốc tế hay không còn phụ thuộc vào việc liệu nó có thể thu được sức mạnh ở Iraq và Syria hay không, và liệu nó có thể chiếm lại một số lãnh thổ hay không”, ông Steinberg nói và nhận định điều đó hiện không có khả năng xảy ra.
Mặt khác, cái chết của thủ lĩnh IS một lần nữa cho thấy Mỹ có thông tin tình báo tốt và chính xác liên quan đến các nơi ẩn náu của những tên trùm. Tuy nhiên, IS tiếp tục thu lợi từ những bất ổn chính trị ở cả Iraq và Syria. Đó là lý do tại sao vẫn không thể được xóa bỏ được những phần tử khủng bố này.
"Ngay cả khi IS yếu hơn, chúng ta phải cho rằng nó sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng trong nhiều năm tới, ít nhất là ở Iraq, Syria và cả ở Afghanistan”, ông Steinberg đánh giá.
Nga đề nghị Belarus đưa quân tới Syria
Truyền thông Nga cho biết, bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nước này sẽ đàm phán với Belarus về biện pháp hỗ trợ Syria, quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh theo lệnh của Thủ tướng Mikhail Mishustin.
Theo dự thảo thỏa thuận từ phía Nga, Belarus có thể cử 200 quân hỗ trợ lực lượng Nga thực hiện nhiệm vụ tại Syria. Binh sĩ Belarus được triển khai tới Syria sẽ thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo bên ngoài khu vực chiến sự và sẽ không tham gia chiến đấu.
Quân số và mục đích cụ thể của lực lượng Belarus dự kiến điều tới Syria sẽ được Minsk và Moscow quyết định. Bộ Quốc phòng Nga sẽ chịu trách nhiệm cung cấp nơi ăn chốn ở và hậu cần cho các quân nhân Belarus, cũng như hỗ trợ thông tin tình báo, cấp phát vũ khí và quân phục để họ hoạt động trong đội hình liên quân.
Tuy nhiên, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko chưa ra quyết định cuối cùng về động thái điều quân tới Syria. Sau khi dự thảo thỏa thuận được công bố, Lukashenko chỉ nói rằng nước này có thể điều lính quân y tới Syria sau khi COVID-19 chấm dứt.
Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Syria từ tháng 9/2015, sau khi Tổng thống Bashar al-Assad đề nghị Tổng thống Vladimir Putin hỗ trợ chống các nhóm cực đoan ở quốc gia Trung Đông. Nga năm 2016 thành lập Trung tâm Hòa giải Các bên tham chiến ở Syria nhằm hỗ trợ các hoạt động nhân đạo và duy trì thỏa thuận ngừng bắn ở quốc gia này.
Belarus là đồng minh thân cận của Nga và quan hệ song phương được thắt chặt gần đây, sau khi khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt. Quân đội Nga và Belarus hôm nay bắt đầu đợt tập trận chung 10 ngày ở khu vực biên giới giáp Ukraine.
Hoa Vũ (T/h)