Nhân lúc tên trộm ra đòn trật, "hiệp sĩ" Hải nhảy lên cao, đá song phi vào người và tay đối tượng làm anh ta ngã xuống đất. Sau đó, tên trộm bị khống chế và bàn giao cho công an.
Theo thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, ngày 4/2, Đội phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, cho biết đã bàn giao Nguyễn Chí Cường (35 tuổi, ngụ thị xã Bến Cát, Bình Dương) cho Công an phường Phú Hòa điều tra.
Theo các "hiệp sĩ", một ngày trước, 2 hộ dân ở khu phố 6, phường Phú Hòa trình báo việc một người đàn ông bẻ khóa vào trộm tài sản. Khi bị phát hiện, đối tượng bỏ lại xe đạp rồi bỏ trốn.
Vào 7h30 cùng ngày, "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải cùng Đoàn Tấn Thông, Lê Trần Minh Triết, Nguyễn Hữu Khánh, đến khu vực phối hợp lực lượng dân quân khu phố 6 tuần tra. Lúc này, các “hiệp sĩ” phát hiện Cường đang cố bẻ khóa cửa nhà một hộ dân nên tổ chức bao vây.
Đối tượng Cường - Ảnh: Tiền Phong |
Biết bị theo dõi, Cường leo qua tường rào rồi bỏ chạy vào đồng cỏ hoang. Bị vây ráp, thanh niên dùng gậy quay lại đánh tới tấp vào các “hiệp sĩ”.
Nhân lúc Cường vừa ra đòn trật, "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải nhảy lên cao, đá song phi vào người và tay Cường, làm anh ta ngã xuống đất. Cường bị khống chế sau đó và bàn giao cho công an.
Liên quan đến vụ việc, thông tin thêm trên báo Tiền Phong, tại trụ sở, cảnh sát phát hiện trên người Cường có 2 điện thoại, gần 700 ngàn đồng, 1 cây kìm, 1 cây gậy cạnh gỗ và 1 bộ đồ dân quân. Được biết, Cường từng bị nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương bắt 3 lần về hành vi trộm cắp tài sản.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009) 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp