35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm bẩn không an toàn- con số vừa được công bố trước thềm phiên báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khiến dư luận giật mình.
Thực phẩm bẩn, “gốc” của bệnh nan y
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016, do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy, trong thời gian qua, việc kiểm soát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm còn không ít tồn tại, yếu kém. Giai đoạn 2011- 2016, trung bình 1 năm có 167,8 vụ ngộ độc thực phẩm, với gần 5.100 người mắc và 27 người chết do ngộ độc thực phẩm.
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. |
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm gây ra 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết. Tính trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Trong đó, bệnh ung thư có diễn biến tăng “báo động”, khi mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của hiệp hội Ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.
Trước con số giật mình trên, trao đổi với PV, GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch hội Ung thư Việt Nam cho hay, các nghiên cứu về dịch tễ học và thực nghiệm chỉ ra, các chất độc hại có trong thực phẩm không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn gây ngộ độc mãn tính. Khi sử dụng nhiều lần hoặc kéo dài, những chất độc hại đó tích tụ lâu năm trong cơ thể, dẫn tới các tổn thương hoặc gây bệnh ở các bộ phận khác nhau hoặc ung thư. “Chế độ dinh dưỡng và ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh ung thư”, GS. Bá Đức nói.
Phân tích về nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc ung thư, GS. Nguyễn Bá Đức nhận định, ô nhiễm các chất độc hại, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất thực phẩm nông sản làm gia tăng nhiều loại ung thư như ung thư vú, hạch, dạ dày, ung thư thực quản... Vì lợi nhuận mà nhiều người kinh doanh sử dụng hóa chất bảo quản vô tội vạ, vượt ngưỡng cho phép nhiều lần để thực phẩm tươi lâu hơn. Việc này vô cùng nguy hiểm, người sử dụng bị chất độc ngấm vào cơ thể từ từ, tích tụ, đến thời điểm sẽ bộc phát thành bệnh.
Chia sẻ về thực trạng ung thư gia tăng, ông Phạm Trọng Nhân (ĐB đoàn Bình Dương) cho rằng, những gì chúng ta biết và xử lý về vệ sinh ATTP vừa qua mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, trong khi mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, hàng loạt vụ bắt giữ thực phẩm quá hạn không nguồn gốc, nội tạng hôi thối.
Ông Phạm Trọng Nhân dẫn chứng vụ việc gần đây nhất, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 45 tấn tóp mỡ bốc mùi đang trên đường tiêu thụ. Trước đó là hàng loạt thông tin về chế biến nem chua bằng các chất tẩy trắng, làm giá đỗ bằng hoá chất, những hoá chất xử lý thịt lợn, thịt bò hôi thối thành khô bò, chà bông... Theo ĐB Trọng Nhân, hoá chất độc hại, chất cấm và thực phẩm bẩn đội lốt không trừ sản phẩm nào. Việc chồng chéo quản lý chất lượng thực phẩm khiến một tô bún có đến 3 Bộ cùng chịu trách nhiệm nhưng sức khỏe người tiêu dùng vẫn bị đe dọa.
Mầm bệnh từ chế biến sai cách
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, ung thư không giống như những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn khác có thể phát hiện ra ngay. Việc tích lũy yếu tố gây bệnh là quá trình lâu dài, tùy theo cơ địa từng người. Nhưng có thể khẳng định rằng, việc hấp thụ vào cơ thể lượng thực phẩm nhiễm độc càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng lớn.
Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Bá Đức cho rằng, thực phẩm không an toàn có chứa “mầm mống” gây ung thư nhưng ngay cả quá trình chế biến, sử dụng thực phẩm cháy quá, thực phẩm hun khói, khi ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra các chất gây ung thư đường tiêu hóa; tiếp nữa là do người dân sử dụng thức ăn chưa khoa học, ăn quá nhiều mỡ động vật mà không ăn bổ sung các sản phẩm rau xanh, hoa quả và tinh bột.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, BS.Đỗ Quốc Hùng- viện Tim mạch Quốc gia (Hà Nội), người chiến thắng căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối bật mí, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị, ông áp dụng "bí quyết 4 chữ T" (tinh thần, thuốc, thức ăn và thể dục –PV) một cách khoa học.
PGS. Quốc Hùng chia sẻ, dân gian vẫn lưu truyền “bệnh từ miệng mà vào; họa từ miệng mà ra”. Chính vì vậy, trong quá trình điều trị bệnh, PGS. Hùng đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Những loại nước hoa quả rất tốt với bệnh nhân ung thư như nước cam, nước chanh. Hai loại nước này giúp cung cấp vitamin A, C. Ngoài ra, sinh tố nha đam - mật ong cũng được ông sử dụng để tăng cường sức khỏe.
Theo PGS. Hùng, để khẳng định yếu tố nào là nguyên nhân số 1 dẫn đến ung thư thì cần có nghiên cứu, khảo sát cụ thể. Hiện nay, các nhà khoa học đưa ra tổ hợp nguyên nhân gây ung thư đó là: Thực phẩm bẩn, môi trường sống, bệnh nhiễm trùng... Do vậy, cần lưu tâm đến môi trường sống, thực phẩm (lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn) để phòng ngừa bệnh ung thư.
Lan Thơm