+Aa-
    Zalo

    GĐ BV K bác bỏ đánh giá "Phác đồ điều trị ung thư tại Việt Nam là lỗi thời"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Văn Thuấn, GĐ bệnh viện K, về thông tin lan truyền về phác đồ điều trị ung thư hiện nay là “quá lỗi thời và lạc hậu".

    Thời gian qua, nhiều thông tin lan truyền về phác đồ điều trị ung thư hiện nay, coi đó là cách điều trị “quá lỗi thời và lạc hậu”, tuy nhiên theo các chuyên gia điều trị ung thư đó là những ý kiến không có cơ sở khoa học. Để rộng đường dư luận, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng viện Nghiên cứu phòng chống ung thư.

    PV: Thưa ông, ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong nhiều; hóa chất chưa tìm diệt được tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh dẫn đến tử vong?

    PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng viện Nghiên cứu phòng chống ung thư.

    PGS.TS Trần Văn Thuấn: Không chỉ thông tin trên mà thời gian gần đây có ý kiến cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới. Thông tin này là không chính xác. Bởi lẽ, theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm. Việt Nam đứng thứ 78/172 về tỷ lệ tử vong do ung thư (theo tỷ lệ tử vong từ cao xuống thấp – PV).

    Còn việc cho rằng phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu là phát biểu không có cơ sở khoa học. Hướng dẫn của các tổ chức ung thư hàng đầu thế giới như viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, hội Ung thư châu Âu khẳng định hoá trị vẫn là một trong các phương pháp quan trọng điều trị ung thư.

    Bên cạnh có thể điều trị khỏi một số ung thư, hóa trị còn ngăn chặn tiến triển của ung thư, giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh ung thư. Các độc tính của hoá trị hầu hết có thể kiểm soát được. Nếu chỉ định đúng, hợp lý, hoá trị sẽ mang lại hiệu quả điều trị và các tác dụng phụ có thể chấp nhận được hay nói cách chuyên môn là người bệnh dung nạp được điều trị.

    PV: Nếu nói rằng những thông tin đó là không có cơ sở khoa học, vậy ông có dẫn chứng nào để chứng minh cho điều đó?

    PGS.TS Trần Văn Thuấn: Với 4 phương pháp điều trị ung thư chủ yếu hiện nay là phẫu thuật, xạ trị, truyền hóa chất và điều trị nhắm đích, các bác sĩ sẽ quyết định áp dụng phương pháp phù hợp với từng loại bệnh ung thư và thể trạng bệnh nhân. Việc điều trị bao giờ cũng tốt hơn không. Tuy nhiên, có những bệnh ung thư khi đã mắc thì tiên lượng rất xấu. Chẳng hạn, với ung thư phổi, ngay cả ở Mỹ, cũng chỉ khoảng 15% đến 20% số bệnh nhân sống được sau 5 năm kể từ khi bắt đầu điều trị. Hoặc tại Nhật Bản, thời gian sống trung bình của bệnh nhân ung thư tụy là 9 tháng kể từ khi được điều trị.

    Một nghiên cứu mới nhất của bệnh viện K Trung ương cho thấy, bệnh nhân ung thư đại trực tràng, nếu không điều trị, thời gian sống chỉ 6 đến 7 tháng. Nếu được điều trị hóa chất, thời gian sống kéo dài từ 15 đến 16 tháng và nếu điều trị phối hợp cả truyền hóa chất lẫn xạ trị, thời gian sống kéo dài gần 20 tháng. Việc áp dụng điều trị, chúng tôi dựa vào nghiên cứu trên cơ sở lợi cho số đông bệnh nhân.

    PV: Mạng xã hội còn khuyên những người mắc bệnh không cần chữa bệnh, chỉ cần sửa chữa những sai lầm hàng ngày như hành động, tư tưởng, ăn uống sai quy luật vũ trụ, tự nhiên bệnh tật sẽ giảm dần và hết hẳn. Những thông tin này có đáng tin cậy, thưa ông?

    PGS.TS Trần Văn Thuấn: Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Cho đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu hay khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư.

    PV: Trước những dư luận nhiều chiều như vậy, người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần có cách ứng xử thế nào cho đúng đắn?

    PGS.TS Trần Văn Thuấn: Người dân cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và cơ sở y tế, hiệp hội ung thư uy tín. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng.

    Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học.

    GS.TS.NGUYỄN BÁ ĐỨC, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI UNG THƯ VIÊT NAM

    Có tội nếu nói “phác đồ điều trị ung thư lỗi thời”

    Theo tôi, ý kiến cho rằng phác đồ điều trị ung thư hiện nay đã lỗi thời, lạc hậu là không đáng tin cậy. Bởi những người đó không có chuyên môn, nghiệp vụ, không hiểu gì về ung thư, không có công trình khoa học, thậm chí là những tin đồn nhảm, thất thiệt, đánh lừa người bệnh. Chúng ta cứ nghe những tin đồn này mà bác bỏ các ý kiến khoa học chính thống, chạy theo tin đồn của các “bác sĩ mạng” nhiều khi người bệnh sẽ bỏ qua những cơ hội được điều trị chính thống, để khi bệnh nặng mới quay lại bệnh viện, quay lại các cơ sở khoa học. Người đưa ra những thông tin đó là có tội với người bệnh.

    Phác đồ điều trị ung thư của Việt Nam đang sử dụng là phác đồ điều trị của tất cả các nước tiên tiến trên thế giới như Đức, Anh, Singapore. Hiện nay, có không ít thầy thuốc tuyên bố chữa khỏi ung thư cho hàng trăm, hàng nghìn người, đấy chẳng qua là lừa gạt, là sự ngộ nhận của người làm trong ngành y. Họ sẽ làm chết người bệnh ở giai đoạn sớm, khiến họ mất cơ hội vàng trong quá trình điều trị bệnh ung thư.

    GS. PHẠM GIA KHẢI, CHỦ TỊCH HỘI TIM MẠCH VIÊT NAM:

    Chữa khỏi ung thư bằng rau, quả là tuyên bố dễ dãi!

    Nếu nói rằng, phác đồ điều trị ung thư bằng hóa chất đã lỗi thời, lạc hậu, bằng những kinh nghiệm thực tế, tôi nhấn mạnh rằng, thông tin đó là không đúng. Các bác sĩ Việt Nam dự hội nghị quốc tế về ung thư cũng theo phác đồ điều trị đúng như quốc tế quy định. Các bác sĩ chữa bệnh ung thư ở nước ta đang làm theo đúng quy trình nước ngoài và có lẽ còn khám kỹ hơn, rất ít khi để xảy ra sai sót.

    Có một thực tế, không chỉ bác sĩ ở nước ta có những tuyên bố dễ dãi về việc chữa khỏi bệnh ung thư bằng những quả này, rau kia mà trên thế giới cũng từng như thế. Tôi đồng ý việc ăn, uống những loại đó không hại gì nhưng chữa khỏi ung thư là không có. Bởi lẽ, ung thư là bệnh chưa giải quyết được vì cơ chế phát sinh bệnh chưa rõ. Người đưa ra điều này không phải là bác sĩ chữa bệnh ung thư.

    Nguyễn Huệ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gd-bv-k-bac-bo-danh-gia-phac-do-dieu-tri-ung-thu-tai-viet-nam-la-loi-thoi-a193233.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan